Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 07:36 (GMT +7)
Hạ viện Bỉ thông qua Nghị quyết hỗ trợ nạn nhân da cam Việt Nam
Thứ 6, 06/10/2023 | 22:48:33 [GMT +7] A A
Ngay sau khi Nghị quyết được Hạ viện thông qua, Nghị sỹ Flahaut đã gửi thư tới Sứ quán Việt Nam bày tỏ vui mừng khi Bỉ là quốc hội đầu tiên phê chuẩn một nghị quyết ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam.
Tối 5/10 (theo giờ địa phương), với tỷ lệ phiếu ủng hộ tuyệt đối, Hạ viện Bỉ đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Trong phiên họp toàn thể Nghị viện dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hạ viện Eliane Tillieux, các nghị sỹ đã nghe các ý kiến giải trình về nghị quyết này.
Ông André Flahaut - Nghị sỹ Liên bang, đã trình bày lý do vào tháng 12/2021, ông đã đệ trình lên Nghị viện Liên bang một nghị quyết hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam.
Ông Flahaut nhấn mạnh gần 50 năm cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, không ai có thể quên được những nỗi đau mà nhân dân Việt Nam phải chịu đựng. Mặc dù có những tuyên bố, những thỏa thuận, nhưng trên thực tế, hậu quả của chất độc da cam vẫn còn đó.
Nghị sỹ Flahaut kể trong những chuyến thăm Việt Nam, ông đã tới thăm Làng Hòa Bình, tận mắt chứng kiến hậu quả mà chất độc da cam gây ra đối với các thế hệ người dân Việt Nam. Ông khẳng định cần phải xây dựng tương lai "đáng sống" cho các thế hệ sau này, đặc biệt là ở Việt Nam.
Ông Michel De Maegd - nghị sỹ liên bang, cho rằng các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cần sự hỗ trợ lâu dài bởi vì nhiều vùng bị quân đội Mỹ rải chất độc hóa học trong chiến tranh, cần phải tẩy rửa đất, nguồn nước. Các khu vực nhiễm độc đến nay vẫn còn nhiều, do đó cần sự hỗ trợ từ các chính phủ, doanh nghiệp, cá nhân. Vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam còn gây ra những hậu quả sinh thái.
Bà Els Van Hoof, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Bỉ, cho rằng cần bảo vệ nạn nhân chất độc da cam khi có hàng triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam, vẫn đang phải đối mặt với những hậu quả lâu dài của chất độc này như là bệnh tật, dị tật, đất nhiễm độc.
Bà khẳng định Việt Nam là đối tác của Bỉ do đó việc nước này hỗ trợ giải quyết hậu quả của chất độc da cam là cần thiết. Bà Els Van Hoof khẳng định ủng hộ Công ty Công nghệ Haemers sử dụng các công nghệ tiên tiến để tẩy rửa đất nhiễm độc ở Việt Nam.
Bà cho biết Công ty Haemers có chi nhánh ở Mỹ và sẽ liên hệ bằng đường ngoại giao để phía Mỹ biết về công nghệ này và có thể tham gia trong vấn đề giải quyết hậu quả của chất độc da cam.
Bà Els Van Hoof cho rằng việc thông qua nghị quyết này có ý nghĩa khi năm nay, Bỉ và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao.
Về phần mình, Hạ nghị sỹ Steven De Vuyst, thành viên đảng Lao động Bỉ (PTB) nhấn mạnh việc sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh là "tội ác chiến tranh." Ông nhắc lại vụ thảm sát Mỹ Lai đã khiến hơn 500 dân thường Việt Nam thiệt mạng, hay vụ sử dụng bom napal với bức ảnh một bé gái bị bỏng bom sau một đợt oanh tạc của quân đội Mỹ tại một ngôi làng, do phóng viên Nick Út chụp. Ông cho rằng việc thông qua nghị quyết là cần thiết nhằm chung tay hỗ trợ các nạn nhân Việt Nam.
Cùng chung ý kiến với các nghị sỹ khác, Nghị sỹ Liên bang Georges Dallemagne cũng nhấn mạnh việc thông qua nghị quyết không chỉ góp phần hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam mà còn thắt chặt hơn mối quan hệ với quốc gia này vì Việt Nam là đối tác quan trọng của cả Bỉ và Liên minh châu Âu, hội tụ nhiều lợi ích về kinh tế, an ninh, xã hội, đối với các bên.
Ngay sau khi Nghị quyết được Hạ viện thông qua, ông André Flahaut đã gửi thư tới Đại sứ quán Việt Nam bày tỏ vui mừng khi Nghị viện Bỉ là quốc hội đầu tiên trên thế giới phê chuẩn một nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam. Ông khẳng định từ nhiều năm nay, tình hữu nghị và đoàn kết giữa nhân dân Bỉ và nhân dân Việt Nam luôn bền vững.
Ông nhấn mạnh: "Trước kia cũng như hiện nay, chúng tôi có nghĩa vụ tăng cường và nuôi dưỡng mối quan hệ gắn bó hai đất nước chúng ta. Trước kia cũng như hiện nay, đó là cam kết của tôi, là quyết tâm vững chắc : hành động vì những phụ nữ, đàn ông, trẻ em là nạn nhân của chất độc da cam"./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()