Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 00:18 (GMT +7)
Hải quan Quảng Ninh: Khẳng định vị trí quán quân DDCI
Thứ 3, 25/01/2022 | 13:48:59 [GMT +7] A A
Năm 2021, Cục Hải quan tỉnh có sự quay trở lại đầy ấn tượng với “đường đua” DDCI ở vị trí quán quân khối sở, ngành của tỉnh. Đáng chú ý là qua 7 năm tỉnh triển khai Bộ chỉ số ĐCI, Cục Hải quan tỉnh có 4 năm đứng vị trí thứ nhất. Điều này cho thấy một nỗ lực và hành trình bền bỉ không ngừng của Cục Hải quan tỉnh trong đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp...
Chấm điểm cán bộ, công chức
Theo đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc quay trở lại vị trí quán quân với 78,48 điểm sau 1 năm nhường vị trí này cho Ban quản lý khu kinh tế đã chứng minh những nỗ lực rất đặc biệt của Hải quan Quảng Ninh. Trong đó, việc luôn đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của mọi khâu nghiệp vụ chính là “chìa khóa” quan trọng để đơn vị cải thiện những chỉ số bị tụt hạng trong năm 2020. Đến nay, rất nhiều chỉ tiêu liên quan đến chi phí thời gian của đơn vị đã dần tiệm cận mức cao nhất, nhiều chỉ tiêu như quy trình và thủ tục hành chính dễ dàng, thái độ của cán bộ, công chức (CBCC)… đều đạt gần 100%.
Được biết, để DDCI “thấm” đến từng CBCC, năm 2021, Cục Hải quan tỉnh đã lần đầu tiên triển khai “Hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ của công chức trong quá trình giải quyết thủ tục”. Doanh nghiệp sau khi hoàn thành thủ tục hải quan đối với từng lô hàng sẽ thực hiện đánh giá mức độ hài lòng trên phần mềm khai báo hải quan theo 5 mức độ đánh giá: Rất hài lòng, hài lòng, bình thường, không hài lòng, rất không hài lòng. Kết quả này sẽ được gửi đến hệ thống tiếp nhận thông tin đánh giá tại Cục Hải quan tỉnh để đơn vị tiếp thu những ý kiến đóng góp, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Lê Minh Hải, Đội phó Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Hòn Gai, cho biết: Phần mềm mới đã giúp kiểm soát chất lượng CBCC qua từng tờ khai. Điều này buộc tôi cũng như các CBCC của Chi cục phải nâng cao trình độ nghiệp vụ hơn nữa, nhất là khi doanh nghiệp cần tham vấn và hỗ trợ giải quyết thủ tục. Khi CBCC sát sao với công việc, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì thời gian thông quan sẽ được rút ngắn một cách tối đa nhất. Năm 2021, thời gian giải phóng hàng nhập khẩu qua Chi cục chỉ còn 1h53, giảm 37% so với năm 2020; thời gian giải phóng hàng xuất khẩu còn 2h51, giảm 9% so với năm 2020. Năm 2021, Chi cục đã ghi nhận tỷ lệ 97% phiếu đánh giá rất hài lòng, 3% đánh giá hài lòng.
Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia cao và mức độ đánh giá ở mức 5 sao cũng được ghi nhận ở các chi cục còn lại. Thống kê cho thấy, hệ thống đánh giá đã ghi nhận 1.130 doanh nghiệp tham gia đánh giá chất lượng phục vụ của CBCC hải quan (chiếm tỷ lệ 88%). Các doanh nghiệp đã tập trung hầu hết số lượng phiếu đánh giá vào mức “Rất hài lòng". Các mức độ đánh giá còn lại chỉ chiếm tỷ lệ dưới 2% so với tổng lượng phiếu đánh giá.
Điều đáng nói là với 3 phiếu "rất không hài lòng", bộ phận được giao quản lý, theo dõi, vận hành hệ thống đã báo cáo lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh và đề xuất phương án xử lý theo đúng quy trình xác minh thông tin đánh giá. Qua đó Cục Hải quan tỉnh đã thực hiện hạ phân loại tháng đối với 2 công chức và yêu cầu lãnh đạo chi cục chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.
Chính việc triển khai hiệu quả trong chấm điểm CBCC đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao khi có thêm một kênh thông tin quan trọng để giám sát, phản ánh chất lượng phục vụ của CBCC hải quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Từ đó CBCC không muốn, không dám, không thể có hành vi phiền hà, sách nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK); đồng thời tạo động lực để lãnh đạo các cấp và từng CBCC hải quan các chi cục nâng cao tinh thần, thái độ và trách nhiệm trong phục vụ người dân, doanh nghiệp
Hết mình với doanh nghiệp
Năm 2021 là năm thứ 2 đại dịch Covid-19 tác động sâu rộng đến các doanh nghiệp XNK. Do đó, Cục Hải quan tỉnh đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp linh hoạt. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng tuyên truyền, cung cấp, minh bạch thông tin thuộc phạm vi quản lý của ngành, cơ quan; đa dạng hóa các hình thức tiếp cận thông tin, tương tác giữa cơ quan hải quan với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thủ tục XNK, XNC.
Ghi nhận thực tế năm 2021 cho thấy, Cục Hải quan tỉnh đã chủ động rà soát, tham mưu, đề xuất giải quyết gần 400 khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động XNK; tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi, thu hút doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu nông sản qua địa bàn; tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp có hoạt động XNK qua khu vực cảng biển ở TP Hạ Long và TP Cẩm Phả; thu hút các hãng tàu biển lớn về làm thủ tục qua địa bàn; thành lập 136 đoàn công tác trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với 225 doanh nghiệp, tiếp nhận giải quyết 245 vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền.
Không chỉ nắm bắt thông tin, tiếp nhận vướng mắc của doanh nghiệp, Cục Hải quan tỉnh còn chủ động nghiên cứu để kịp thời kiến nghị với các bộ, ngành trung ương cắt giảm, thống nhất đầu mối quản lý, thay đổi phương thức kiểm tra đối với 3 nhóm mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra, quản lý chuyên ngành (quạt điện, tủ lạnh, tủ kết đông); đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 2 thủ tục hành chính và rà soát để kiến nghị bãi bõ đối với 3 thủ tục hành chính.
Ông Trần Quang Phước, Trưởng Phòng XNK Công ty TNHH Ô tô Chiến Thắng (TP Hải Phòng), chia sẻ: Trung bình một năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Công ty đạt trên 1.000 tỷ đồng. Trước tháng 10/2021, Công ty thường nhập khẩu hàng qua các cửa khẩu đường bộ khác, nhưng chính sự hết mình với doanh nghiệp của Hải quan Quảng Ninh, đơn vị đã quyết định nhập khẩu linh kiện ô tô qua TP Móng Cái. Không chỉ giúp doanh nghiệp thông quan thuận lợi, Hải quan Móng Cái còn đóng vai trò đầu mối để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan ở khu vực cửa khẩu. Đây chính là điều doanh nghiệp cần nhất khi lựa chọn địa bàn để thông quan hàng hóa.
Tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp hết mình, chính là cách mà Cục Hải quan tỉnh đã từng bước ghi điểm đối với cộng đồng doanh nghiệp XNK. Theo kết quả đánh giá DDCI 2021, Cục Hải quan tỉnh dẫn đầu 4/8 chỉ số thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; có 7/8 chỉ số tăng điểm, tăng cao so với năm 2020: Cạnh tranh bình đẳng (tăng 12 điểm), chi phí thời gian (tăng 8 điểm), chi phí không chính thức (tăng 7 điểm), tính minh bạch và tiếp cận thông tin (tăng 6 điểm).
Kết quả xếp hạng Chỉ số DDCI năm 2021 của Cục Hải quan tỉnh tiếp tục khẳng định niềm tin của doanh nghiệp, phản ánh chính xác, khách quan hiệu quả công tác điều hành, quản lý của ngành, nhất là trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Nghiên, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, chia sẻ: Việc trở lại dẫn đầu DDCI vừa trở thành động lực vừa là cam kết về văn hóa thực thi, chất lượng phục vụ doanh nghiệp của đơn vị. Để nâng cao tổng điểm và phấn đấu duy trì vị dẫn đầu DDCI khối sở, ban, ngành năm 2022, Cục sẽ bám sát 8 chỉ số thành phần để ban hành chương trình công tác trọng tâm, trọng điểm. Từ đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, đề ra các giải pháp cụ thể, phân công, phân việc rõ ràng từ lãnh đạo phụ trách, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp gắn với thời gian, tiến độ hoàn thành công việc.
Song song với đó, Cục đổi mới liên lục trong cách tiếp cận doanh nghiệp để tìm những hướng đi mới, cách làm mới, gia tăng thêm niềm tin, sự ủng hộ, đồng hành của doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm nay, Cục và các chi cục tổ chức các hội nghị, hội thảo, tăng cường tiếp xúc, tham vấn doanh nghiệp; cung cấp thông tin về cơ chế chính sách XNK, các văn bản pháp luật; chủ động hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng của cấp cơ sở, sử dụng mức độ hài lòng của doanh nghiệp kết hợp đánh giá khách quan, giám sát nội bộ. Đặc biệt, trong năm 2022, đơn vị sẽ triển khai có hiệu quả Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan số và mô hình hải quan thông minh giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời chủ động nghiên cứu nắm bắt tình hình, đề xuất các giải pháp đẩy nhanh thông quan hàng hóa XNK, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()