Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 01:52 (GMT +7)
Hãng phim truyện Việt Nam và nỗi khổ như làng Vũ Đại ngày ấy
Thứ 3, 27/12/2022 | 15:13:30 [GMT +7] A A
Câu chuyện 300 phim lưu trữ ở Hãng phim truyện Việt Nam bị ẩm mốc, hư hại cho thấy sự xuống cấp, sự thất sủng của nơi từng là “đền thiêng” điện ảnh cách mạng.
Quá khứ huy hoàng...
Hãng phim truyện Việt Nam trước khi bị Tổng công ty vận tải thủy Vivaso “thâu tóm” vào tháng 6.2017, từng là “đền thiêng” của điện ảnh Cách mạng. Hãng thành lập từ năm 1953, đến năm 1959 sản xuất bộ phim đầu tiên là “Chung một dòng sông”.
Vào tháng 2.1959, hai đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Kỳ Nam (tốt nghiệp Đại học Điện ảnh tại Pháp mới về nước năm 1956) đã bắt tay khởi quay kịch bản “Chung một dòng sông”, chính thức đặt nền móng cho phim điện ảnh cách mạng hình thành. Phim đoạt Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 2 tổ chức năm 1973. “Chung một dòng sông” được đánh giá đã đặt ra tiêu chí, định hướng cho dòng phim cách mạng trong suốt chiều dài phát triển sau này.
Những năm 1960, hãng phim truyện Việt Nam bắt đầu ghi những dấu ấn đầu tiên qua loạt phim như “Con chim Vành Khuyên”, “Vợ chồng A Phủ”... “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm văn học xuất sắc nhất trong tuyển tập “Truyện Tây Bắc” của nhà văn Tô Hoài. Hai đạo diễn Mai Lộc và Hoàng Thái đã đưa câu chuyện của “Vợ chồng A Phủ” trở nên sinh động trên màn ảnh.
Vào vai Mị, diễn viên Đức Hoàn không chỉ thể hiện được sự u uất, đau khổ của một nhân vật bị kìm hãm, chèn ép, chà đạp... Cùng với diễn viên Trần Phương, Đức Hoàn đã tái hiện lại những số phận đặc thù, bị chế độ cầm tù, đẩy đến bước đường cùng, và tìm thấy ánh sáng soi đường của cách mạng. Diễn viên Đức Hoàn còn trở thành biểu tượng sắc đẹp của màn ảnh thập niên 60.
Đến những năm 1970-1980 được xem là thời kỳ đỉnh cao rực rỡ của Hãng phim truyện Việt Nam với thế hệ những nhà làm phim tài năng từ đạo diễn đến diễn viên.
Trong bối cảnh khó khăn, thiếu thốn mọi bề, hãng cho ra đời loạt phim kinh điển của điện ảnh Cách mạng, gánh trên vai sứ mệnh lịch sử giữa thời đại đầy biến động như: "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Làng Vũ Đại ngày ấy", "Bao giờ cho đến tháng 10", "Thương nhớ đồng quê"...
Cho đến bây giờ, nhiều bộ phim do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất vẫn được xem là biểu tượng của điện ảnh Việt, là chuẩn mực của cách thức làm phim khi điều kiện khó khăn nhất. Bộ phim “Bao giờ cho đến tháng 10” của đạo diễn – NSND Đặng Nhật Minh được CNN bình chọn là một trong 18 phim Châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại.
Những thước phim kinh điển là quá khứ hiển vinh nhưng cũng là cái bóng quá lớn cho thế hệ những nhà làm phim sau này. Đi qua “vàng son một thuở”, điện ảnh chuyển mình bước vào kinh tế thị trường, phòng vé trở thành cuộc đua quá đỗi mới lạ với các nhà làm phim nhà nước vốn luôn được bao cấp về mọi mặt để sản xuất, chưa từng phải mang sản phẩm ra thị trường chào bán.
Sau thập niên 1990, hãng phim truyện Việt Nam rơi vào thua lỗ triền miên, các dự án phim ra rạp luôn bị chê về sự khô cứng, cũ kỹ, lối làm phim tuyên truyền rập khuôn, không có sự đổi mới.
... Và chỉ còn lại sự huy hoàng của quá khứ
Đạo diễn – NSƯT Vương Đức là giám đốc cuối cùng của Hãng phim Truyện Việt Nam trước khi hãng bị bán cho Vivaso. Ông Vương Đức khi đảm nhận vị trí giám đốc đã chia sẻ, thời điểm năm 2009, hãng phim gần như chẳng còn lại tài sản gì đáng giá, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, tất cả đều cũ mốc, xập xệ.
Hãng đã liên tục thua lỗ trong 20 năm, nợ tiền thuế đất lên đến 21 tỉ đồng. Ông Vương Đức nói, chính vì hãng chưa bao giờ có lãi, nên khi thực hiện cổ phần hóa, giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam được định giá bằng 0.
Sau nhiều ồn ào tranh cãi, tháng 6.2017, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso mua lại hãng phim truyện Việt Nam, kéo theo muôn vàn những cuộc cãi vã nảy lửa.
Rơi vào tay một doanh nghiệp vận tải, mọi thành tựu của điện ảnh bị xếp kho. Nghệ sĩ “kêu trời” vì không có việc làm, không được trả lương, bị cấp quản lý mới ngó lơ mọi vấn đề chuyên môn làm phim...
Nỗi khổ của hãng phim truyện bị ví với bi kịch ở “Làng Vũ Đại ngày ấy” – một bộ phim nổi tiếng do hãng sản xuất. Ở “Làng Vũ Đại ngày ấy”, sự túng thiếu, bế tắc đã biến số phận mỗi con người trở nên sống mòn.
Nói như nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, “Lẽ ra trước khi rơi vào cổ phần hóa, các nghệ sĩ phải lường trước được tất cả, phải nghĩ ra đường hướng cứu hãng phim thay vì kêu khóc”.
Có rất nhiều tranh cãi, kiện tụng, đổ lỗi quanh việc cổ phần hóa. Nhưng ai đã đẩy hãng phim vào khó khăn, biến hãng phim thành “Làng Vũ Đại ngày ấy”? Chẳng phải chính là những dự án phim không bắt kịp thị hiếu, không đổi mới tư duy làm phim, vì thế đã không xoay xở được với biến động thời đại?
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()