Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 01:19 (GMT +7)
Góc nhìn đa chiều giúp Quảng Ninh hiện thực hóa mục tiêu phát triển
Thứ 7, 18/11/2023 | 13:26:00 [GMT +7] A A
Tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh: Giá trị lý luận và thực tiễn”, nhiều vấn đề xung quanh tư duy sáng tạo, hành động đột phá của tỉnh Quảng Ninh trong phương thức xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được chỉ rõ, phân tích, minh chứng, mở rộng...
Các ý kiến phát biểu, tham luận của các bộ, ban, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học có nhiều góc tiếp cận đa chiều, đều là những đóng góp quý báu giúp làm sáng tỏ những giá trị lý luận và thực tiễn trong tư duy và hành động phát triển đột phá của tỉnh Quảng Ninh. Từ đó, tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu: “Xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; Nhân dân có cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc; đóng góp xứng đáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Trung tâm Truyền thông tỉnh tóm tắt, trích lược một số ý kiến tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học tại Hội thảo:
TS. Vũ Ngọc Thanh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Phát huy tư duy và hành động đột phá đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh mới”.
Trong tiến trình thực hiện phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Ninh, có thể thấy vai trò không thể phủ định của tư duy và hành động đột phá. Qua đó, tạo động lực cho tỉnh tiếp tục theo đuổi định hướng phát triển kinh tế bền vững, cũng như xử lý, giải quyết tốt, hiệu quả các mâu thuẫn phát sinh trong tiến trình phát triển KT-XH ở chặng đường tiếp theo. Trước hết, cơ sở cho tư duy và hành động đột phá là phải nhận diện đầy đủ hiện trạng các tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt, nổi trội của tỉnh. Từ đó, làm cơ sở cho tư duy và hành động đột phá trong việc tìm kiếm và tạo ra phương thức phù hợp, tối ưu bằng thể chế và chính sách đúng đắn để chuyển và biến những tiềm năng, lợi thế, thế mạnh thành nguồn lực và động lực to lớn cho tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới tư duy phát triển, xây dựng tầm nhìn chiến lược, chủ động, sáng tạo trong tư duy và hành động, bám sát thực tiễn, tôn trọng các quy luật khách quan và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành ở tất cả các cấp chính quyền, trong tất cả các lĩnh vực vì lợi ích chung, dựa trên và tuân thủ nguyên tắc đúng - trúng - kịp thời - hiệu quả. Đồng thời, coi trọng giữ vững đoàn kết, thống nhất, để cao ý chí tự lực, tự cường và sức sáng tạo, phát huy dân chủ và mọi nguồn lực của nhân dân; tăng cường phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội. Để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra về tăng trưởng và phát triển kinh tế ở chặng đường tiếp theo đến năm 2030, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả tư duy và hành động đột phá. Trong đó, Quảng Ninh cần tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể và CCHC nhanh chóng, thực hiện số hoá, chuyển nhanh chóng sang nền hành chính công vụ số. Cùng với đó, thực hiện ngay phương thức phát triển theo nguyên tắc “xanh, tuần hoàn và số” ở tất cả các lĩnh vực, ngành kinh tế trên toàn địa bàn của tỉnh. Tỉnh cũng phải chủ động, tích cực tăng cường, mở rộng và đa dạng hoá các hình thức liên kết với các địa phương khác trong và ngoài Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cũng như, xây dựng và thực hiện “cơ chế và chính sách tài chính đặc thù địa phương” cho phần ngân sách của tỉnh theo phương châm “bỏ ngắn lấy dài” hay “đổi trước lấy sau” nhằm tạo ra sự hấp dẫn khác biệt trong thu hút và giữ chân nhà đầu tư. |
TS. Nguyễn Lương Ngọc, Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Quảng Ninh vận dụng linh hoạt nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”.
Theo đánh giá của tôi, thành quả của tỉnh Quảng Ninh hôm nay là sản phẩm kết tinh những trăn trở, sáng tạo, là quá trình nỗ lực qua nhiều nhiệm kỳ. Từ những đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng bộ và năng lực điều hành, quản lý của chính quyền tỉnh ngày càng chủ động, sáng tạo, đã tạo động lực dẫn dắt và khơi thông nguồn lực cho kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, giải quyết hiệu quả những thách thức trong hoạt động thương mại, sản xuất, thiên tai, dịch bệnh, chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội một cách toàn diện, giữ vững quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có cảm nhận rằng, so với tiềm năng, năng lực, nguồn lực của tỉnh, sự phát triển này chưa thực sự tương xứng. Để có được sự bứt phá trong phát triển thời gian tới, tôi cho rằng, một trong những nguyên tắc để phát huy sự phát triển bứt phá của tỉnh Quảng Ninh chính là “Dĩ công vi thượng”. Nguyên tắc đó cần được vận dụng linh hoạt trong phục vụ nhân dân. Đó là phải đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp bảo đảm khoa học, dân chủ, gần dân, sát dân, vì dân; bám sát thực tiễn; có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả, không bảo thủ, trì trệ, chống bệnh hình thức và chủ nghĩa thành tích. Sự hài lòng của nhân dân sẽ là thước đo chính xác nhất, điều này đã được khẳng định rõ nét qua thành công của mô hình “Dân tin - Đảng cử” tại Quảng Ninh. Bên cạnh đó, nguyên tắc “Dĩ công vi thượng” cũng phải đặt trong xây dựng và thực thi chính sách phát triển tỉnh nhà. Theo đó, chính sách phát triển cần bảo đảm tính minh bạch, công bằng, đồng bộ và bao phủ rộng khắp. Nguyên tắc “Dĩ công vi thượng” đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có cái tâm trong sáng, hướng về nhân dân để tham mưu và thực thi chính sách một cách tối ưu. Trong cộng đồng xã hội, quan điểm “Dĩ công vi thượng” khuyến khích mỗi người dân phải có tinh thần tự giác và trách nhiệm đối với cộng đồng của mình, đồng thời cũng yêu cầu sự chia sẻ và giúp đỡ những người khác khi cần thiết, thúc đẩy những người có khả năng sẽ giúp đỡ những người khó khăn hơn, tạo nên sự tương tác tích cực giữa các thành viên trong xã hội. Từ đó tạo nên sức mạnh tổng thể, giúp tỉnh Quảng Ninh phát triển bền vững, công bằng và đúng đắn nhất. |
GS, TS. Lê Quốc Hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân: “Chiến lược marketing địa phương là công cụ cho phát triển kinh tế xã hội”. Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đưa ra tầm nhìn đến năm 2050 trở thành một tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia. Trong bối cảnh đó, marketing địa phương được xem như là một công cụ điều tiết mối quan hệ giữa phát triển và ổn định, giữa bên chính quyền với các nhà đầu tư. Qua đó, nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư nhằm phát triển kinh tế địa phương. Từ thực tiễn tại địa phương, có thể thấy, ngoài việc tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, Quảng Ninh cũng đã thành công trong việc huy động các nguồn vốn từ doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và vốn trong dân cư để tập trung đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế cũng như các công trình phục vụ đời sống dân cư. Kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hình thức đối tác công - tư (PPP) để hoàn thiện hệ thống các công trình giao thông trọng điểm, chiến lược. Quảng Ninh đã giải quyết tốt việc huy động, phối hợp sử dụng và dẫn dắt các nguồn lực đi trúng vào những trọng tâm ưu tiên phát triển của tỉnh để từ đó nhanh chóng phát huy giá trị sử dụng của các công trình, nhất là các công trình trọng điểm. Quảng Ninh đã khai thác và định vị tốt lợi thế và quảng bá thương hiệu địa phương với việc khéo khai thác tiềm năng của mình. Công cuộc quảng bá, xúc tiến du lịch, đầu tư được thực hiện thường xuyên đã tạo điều kiện để Quảng Ninh định vị trên bản đồ du lịch thế giới, qua đó cũng tạo sự thấu hiểu và đồng thuận với Quảng Ninh về mục tiêu phát triển. Để phát triển marketing địa phương trở thành công cụ hữu hiệu cho phát triển kinh tế, Quảng Ninh cần một chiến lược marketing địa phương theo từng thời kỳ cụ thể với những định hướng lâu dài, bền vững, bám sát những mục tiêu, giá trị kinh tế cốt lõi của tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa năng lực của cơ quan xúc tiến đầu tư và thiết lập trung tâm marketing số để thu hút các nhà đầu tư và du khách đến tỉnh; nâng cao năng lực lãnh đạo marketing địa phương. Tỉnh cũng cần đẩy mạnh truyền thông, truyền tải một tầm nhìn hấp dẫn, những cơ chế chính sách linh hoạt, chủ động để thu hút nhà đầu tư, cũng như truyền cảm hứng cho thế hệ công dân tiếp theo của Quảng Ninh. Ngoài ra, định vị thương hiệu địa phương rõ ràng hơn trong khuôn khổ quốc gia và khu vực; tiếp tục huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; sử dụng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển. |
TS. Đào Thị Hoàn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Những thành tựu đã đạt được trong công tác CCHC cùng với những gợi mở, định hướng về công tác CCHC tại Hội thảo sẽ giúp Quảng Ninh có thêm cơ sở để tiếp tục xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân”.
Đứng ở góc độ quan sát khách quan, tôi đánh giá rằng trong khoảng thời gian 1 thập kỷ qua, Quảng Ninh đã có nhiều chủ trương, biện pháp, mô hình, cách làm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tố chức thực hiện nhiệm vụ CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thường xuyên, liên tục, quyết liệt với tư duy đổi mới, chủ động, sáng tạo, thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động, đạt được những kết quả khá toàn diện, nổi bật, bứt phá, tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt, việc thực hiện hiện đại hóa hành chính công, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã đạt được kết quả nổi bật. Nền hành chính chuyển biến tích cực theo hướng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, trách nhiệm, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, tổ chức; tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư, thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn - nguồn động lực đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển, mang đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, qua đó tạo những đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội, mang lại hình ảnh của một địa phương năng động với môi trường đầu tư - kinh doanh, chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền tốt nhất cả nước… Trên con đường phát triển, tôi được biết, Quảng Ninh luôn kiên định lấy CCHC là một trong 3 khâu đột phá chiến lược; lấy tiêu chí “hành chính minh bạch” là 1 trong 6 đặc trưng của hệ giá trị của tỉnh. Tỉnh đã xác định: Đổi mới, cải cách là việc làm lâu dài, chỉ có điểm bắt đầu chứ không có điểm kết thúc, và dư địa cải cách của tỉnh còn lớn, không gian cải cách còn rộng mở. Chính vì vậy, những ý kiến, tham luận tại Hội thảo lần này, đặc biệt là những gợi mở, định hướng mới về công tác CCHC chắc chắn sẽ giúp Quảng Ninh có thêm cơ sở để chủ động tìm ra những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC; kịp thời đưa ra các giải pháp khắc phục, nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng CCHC phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Qua đó, tiếp tục xây dựng một nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. |
PGS, TS. Vũ Văn Tích, Trưởng Ban Xúc tiến Đầu tư, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Quảng Ninh cần xây dựng những chính sách khoa học và công nghệ (KHCN), bắt nhịp cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp ứng dụng, phát triển KHCN vào thực tế cuộc sống như: Ban hành các nghị quyết về kinh tế số; thành lập tổ công nghệ số cộng đồng; văn bản điện tử được số hóa 100%; hội thảo không giấy tờ 100%; thanh toán không tiền mặt; hồ sơ sổ sách được số hóa... Để bắt nhịp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tỉnh cần coi các công nghệ chính của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cốt lõi cho sự phát triển các ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh (thương mại cửa khẩu, logictics, du lịch, biển,...), cũng như công nghệ lõi cho công cuộc chuyển đổi số phục vụ cải cách hành chính và bảo vệ quốc phòng an ninh biên giới của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, cần phát triển chính sách hạ tầng công nghệ phục vụ nền kinh tế di động, ứng dụng công nghệ IoT trong xây dựng thành phố thông minh, hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước, ứng dụng rộng rãi cho quản lý giao thông, quản lý đội tàu biển, giải pháp viễn thông, giải pháp hành khách du lịch quốc tế và các giải pháp an ninh. Ngoài ra, tỉnh cần có chính sách thu hút đầu tư ngành công nghiệp 4.0, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho Khu đô thị công nghiệp công nghệ 4.0 để thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư mang tính lịch sử như: các dự án sản xuất CHIPS, vật liệu bán dẫn và các công nghệ phụ trợ. Từ đó, hình thành các trung tâm KHCN cao của doanh nghiệp nước ngoài. Cùng với đó, định hướng về phát triển nguồn nhân lực tập trung vào mở rộng, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo đại học, sau đại học và đào tạo nghề, đặc biệt trong các ngành phục vụ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng cường kết nối nghiên cứu khoa học, đào tạo và sản xuất kinh doanh; tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; an toàn, an ninh mạng; thương mại điện tử; nông nghiệp số;... |
TS. Phạm Việt Dũng, Vụ trưởng, Trưởng ban Kinh tế, Tạp chí Cộng sản: “Thương mại biên giới tạo đột phá cho phát triển”.
Tỉnh Quảng Ninh có vị trí chiến lược quan trọng, là một trong 7 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nằm ở vị trí thuận lợi có đường biên giới cả trên bộ, trên biển và trên không với Trung Quốc. Để thúc đẩy các hoạt động thương mại xuyên biên giới, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực đẩy mạnh các chương trình hội nghị, tọa đàm, tập huấn và tuyên truyền các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế biên mậu, du lịch, nông nghiệp, giúp doanh nghiệp trong tỉnh nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương mại gắn với hoạt động chuyển đổi số toàn diện; thực hiện thông tin, hướng dẫn liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa sang các đối tác đã ký các hiệp định FTA với Việt Nam như: Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc;... Với nhiều chính sách, sự đồng hành hỗ trợ kịp thời, đồng bộ từ tỉnh đến địa phương đã giúp cho hoạt động XNK vùng biên ngày càng đạt được kết quả tích cực. Tới nay, hoạt động thương mại XNK hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở với Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà), Cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu) đang phát triển ổn định. Để tạo đột phá từ thương mại biên giới, tỉnh Quảng Ninh cần tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển các hoạt động, thương mại điện tử, thương mại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, cảng biển. Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại Móng Cái nhập khẩu ô-tô, máy mỏ thiết bị; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh vận tải giải quyết nhanh thủ tục cấp phép cho các phương tiện vận tải qua cầu Bắc Luân 2, bảo đảm việc thông quan nhanh chóng, hạn chế việc lưu xe làm tăng chi phí phát sinh cho doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, đường giao thông biên giới kết nối các cửa khẩu phụ, điểm thông quan; phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực với mục tiêu đáp ứng cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tạo cơ sở thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. |
Hoàng Quỳnh-Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()