Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:19 (GMT +7)
Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021 Hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống và cai nghiện ma túy
Thứ 5, 03/06/2021 | 08:45:16 [GMT +7] A A
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và địa phương, sự chung tay của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là bằng nhiều cách làm phù hợp, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy, tạo điều kiện cho nhiều người cai nghiện có cơ hội làm lại cuộc đời, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Theo đánh giá của lực lượng công an, qua công tác đấu tranh, phát hiện, đối tượng phạm tội tàng trữ, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép ma túy phần nhiều trong lứa tuổi thanh thiếu niên, công nhân lao động. Cụ thể là giai đoạn từ năm 2016-2020, lực lượng công an đã bắt giữ, xử lý hình sự 21 trường hợp là học sinh, 76 trường hợp là công nhân ngành Than phạm tội về ma túy.
Nhận thức của những đối tượng này về hậu quả, tác hại của ma túy còn rất hạn chế. Chính tâm lý cho rằng ma túy tổng hợp (MTTH) không gây nghiện, “thử cho biết”, rồi rủ nhau tổ chức sử dụng các loại MTTH dạng đá, ketamin, thuốc lắc trong các dịp liên hoan, tổng kết, sinh nhật, đã dẫn đến nhiều người sử dụng và trở thành một trào lưu, xu hướng nguy hiểm cho xã hội. Nhiều đối tượng thanh thiếu niên sử dụng MTTH đến mức mất kiểm soát hành vi, loạn thần (thường gọi là ngáo đá), gây ra những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Trước thực trạng đó, mô hình “Xung kích, sáng tạo, khéo tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống ma túy, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn” của Đoàn Thanh niên, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (Công an tỉnh), ra đời, đã thực sự phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền, định hướng, giúp cộng đồng có cái nhìn đúng để tránh xa ma túy, góp phần giữ gìn ANTT tại cơ sở.
Là một trong những người đầu tiên đặt nền móng xây dựng mô hình, Đại úy Nguyễn Văn Hoàn, Phó Đội trưởng Đội Chuyên đề, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (Công an tỉnh), cho biết: Những ngày đầu triển khai, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bởi nhận thức của phần lớn giới trẻ hiện nay còn rất mơ hồ về các loại MTTH, nhất là các loại MTTH mới, dễ bị tội phạm ma túy dụ dỗ, lôi kéo. Trong khi đó, đội ngũ tuyên truyền viên phòng, chống ma túy vừa thiếu, vừa yếu. Nội dung các bài giảng tuyên truyền về phòng, chống ma túy còn sơ sài, nhiều nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tế. Sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, trường học, công ty... tại thời điểm đó chưa thực sự quyết liệt.
Đại úy Hoàn cùng đồng đội đã thiết kế phần mềm trình chiếu PowerPoint, kết hợp hình ảnh, video về tác hại của ma túy cho sinh động, kết hợp phát tờ rơi và sử dụng giáo cụ trực quan, chính là dụng cụ các đối tượng dùng để sử dụng ma túy, như bình đập đá, bình shisa... trong mỗi buổi tuyên truyền. Thông qua hình thức giao lưu, trao đổi, đố vui có thưởng, không khí của các buổi tuyên truyền thực sự trở nên sôi nổi, thu hút người nghe.
Thầy giáo Đào Văn Phượng, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường THPT Lê Chân (TX Đông Triều), cho biết: Học sinh hiện có rất nhiều mối quan tâm, một phần trong số đó sa đà vào các loại MTTH, dẫn đến phạm tội và tệ nạn xã hội (TNXH), là một thực tế đáng buồn. Trong các buổi tuyên truyền do nhà trường phối hợp với lực lượng công an tổ chức, với hình thức sân khấu hóa, trực quan, sinh động, các em đều tham gia hưởng ứng rất nhiệt tình. Chúng tôi hy vọng, những hệ lụy và thông tin về hình phạt mà lực lượng công an cung cấp sẽ là một hình thức cảnh tỉnh đối với các em, để các em chọn đúng con đường đi cho tương lai của mình, không “sa chân” vào ma túy.
Mô hình đang được nhân rộng tới đối tượng ĐVTN ở khu dân cư, công nhân trẻ ở các KCN, các đơn vị sản xuất có nhiều lao động trẻ, như các công ty thuộc TKV. Từ năm 2017 đến nay, thông qua mô hình, lực lượng công an đã phối hợp tổ chức hơn 100 buổi tuyên truyền, cho gần 60.000 người; tạo hiệu ứng lan tỏa, được cấp ủy, chính quyền địa phương và ban, ngành các cấp đánh giá cao. Mô hình đã đem lại hiệu quả trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma túy, góp phần làm giảm tỷ lệ nghiện trong học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, công nhân...
Lực lượng thanh niên đã phát huy vai trò xung kích trong tuyên truyền, phòng chống tội phạm và TNXH. Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Phạm Hồng Thái cho biết: Tỉnh Đoàn chỉ đạo các cấp cơ sở đoàn củng cố và duy trì hoạt động thường xuyên của các tổ, đội xung kích an ninh, đội thanh niên tuyên truyền phòng, chống ma tuý, TNXH. Toàn tỉnh hiện duy trì 80 tổ, đội thanh niên xung kích (TNXK) làm nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng chức năng (khi cần) trong việc tuần tra, tham gia hỗ trợ xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật, gây rối, gây mất trật tự xã hội tại địa bàn dân cư. Qua đó kết hợp được công tác tuyên truyền và xử lý, tạo sự răn đe và phòng ngừa tệ nạn ma túy hiệu quả.
Nhiều tổ, đội thanh niên xung kích hoạt động có hiệu quả. Tiêu biểu như: Đội TNXK phòng, chống ma túy Ninh Dương (TP Móng Cái), đội TNXK xã Hạ Long (huyện Vân Đồn), đội TNXK phòng chống ma túy phường Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long)...
Cơ quan chức năng cũng đã đưa công nghệ vào để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Đáng chú ý, lực lượng cảnh sát ma túy của tỉnh đã cho ra đời fanpage “Phòng chống ma túy Quảng Ninh” trên mạng xã hội facebook (từ ngày 1/1/2020), mở ra một hướng đi mới trong công tác tuyên truyền, phù hợp với cách tiếp nhận của giới trẻ và nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp, hạn chế tiếp xúc đông người như hiện nay.
Cùng với đó, việc đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm quản lý và thống kê người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh từ năm 2014 đến nay đã góp phần hiệu quả trong việc rà soát, thống kê người nghiện một cách thường xuyên, liên tục để đánh giá chính xác tình hình người nghiện và người sử dụng trái phép ma túy trên địa bàn. Hệ thống đang trực tiếp quản lý thông tin dữ liệu của khoảng 4.000 người nghiện và người sử dụng trái phép ma túy trên địa bàn tỉnh. Nắm chắc, quản lý tốt số đối tượng nghiện này, đưa ra những biện pháp quản lý cụ thể với từng đối tượng nhằm kiểm soát tốt các hành vi do mất kiểm soát của các đối tượng “ngáo đá” gây ra, từ đó có thể phòng ngừa và kiềm chế tội phạm, không phát sinh vụ việc nghiêm trọng gây mất ANTT như những năm trước.
Chuyển biến trong công tác cai nghiện
Trong phòng, chống ma túy, công tác cai nghiện có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho nhiều người đã “lầm đường, lỡ bước” thức tỉnh, đẩy lùi tác hại của ma túy. Thời gian qua, công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, sự nỗ lực của cơ quan, đơn vị chuyên môn và sự ủng hộ của nhân dân.
Tỉnh đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chế độ, chính sách về công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù riêng của tỉnh nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tội phạm và TNXH; thực hiện cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, có 177/177 xã, phường, thị trấn thành lập ban chỉ đạo phòng chống tội phạm và TNXH; 126/126 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy đã thành lập tổ công tác cai nghiện cấp xã theo quy định.
Các thành viên của tổ công tác là những người trực tiếp thực hiện rà soát, tư vấn cho người nghiện và gia đình người nghiện lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp. UBND cấp xã tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội, giúp đỡ người đã cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý... theo quy định.
Giai đoạn 2016-2020, các địa phương đã lập hồ sơ, cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng cho 1.254 lượt người, chiếm 31,7% lượt người nghiện ma túy được điều trị, cai nghiện trong toàn tỉnh và lập hồ sơ đưa vào cai nghiện bắt buộc cho hơn 500 người.
|
Từ năm 2015, Quảng Ninh thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 5 năm triển khai đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội trong công tác cai nghiện ma túy, giảm tác hại của nghiện ma túy, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và nâng cao sức khỏe nhân dân, hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh có hơn 600 người đang thực hiện cai nghiện tự nguyện và bắt buộc (phần lớn là cai nghiện tự nguyện).
Theo ông Nguyễn Văn Đang, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, so với những năm trước, số lượng người vào cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở tăng cao hơn, nguyên nhân chủ yếu do tỉnh có chính sách đặc thù riêng để hỗ trợ toàn bộ chi phí (điều trị, cai nghiện), sinh hoạt cho người cai nghiện tự nguyện và bắt buộc. Lực lượng công an và các tổ chức đoàn thể xã hội đã vào cuộc tích cực trong việc vận động người nghiện cũng như thân nhân người nghiện, để các gia đình đồng hành, khai báo tình trạng và đưa con em vào Cơ sở cai nghiện tự nguyện.
Có ý nghĩa nhất phải kể đến mô hình Câu lạc bộ “Bạn giúp bạn" do Đoàn Thanh niên phường Cẩm Tây (TP Cẩm Phả) chủ động đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng. Với 11 thành viên, CLB là nơi những người chấp hành xong án phạt tù, người nghiện, người sau cai nghiện trở về địa phương có cơ hội làm lại cuộc đời.
Anh Phạm Tất Nghĩa, Chủ tịch CLB “Bạn giúp bạn”, cho biết: "CLB đi vào hoạt động từ tháng 8/2012. Ở đây, không ai dè chừng ai, chúng tôi động viên, giúp nhau vượt qua mặc cảm, tự ti để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. CLB đã thực sự là chỗ dựa cho những người đã từng lầm đường, lạc lối”.
Đồng thời, để quản lý tốt sau cai nghiện, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, giới thiệu việc làm, học nghề, phòng ngừa tái nghiện, toàn tỉnh đang duy trì hoạt động của 10 CLB quản lý sau cai nghiện, tại các xã, phường, thị trấn: Việt Hưng, Hồng Hà, Bạch Đằng (TP Hạ Long); Cẩm Tây, Cẩm Đông, Cẩm Thạch (TP Cẩm Phả); Thanh Sơn (TP Uông Bí); Sông Khoai (TX Quảng Yên); Cái Rồng (huyện Vân Đồn); Yên Thọ (TX Đông Triều).
Mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định, song công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm và cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đã đạt được những hiệu quả hết sức khả quan. Trên địa bàn tỉnh không còn những điểm nóng, các ổ nhóm lớn buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; người cai nghiện khi trở lại cộng đồng đã được tạo điều kiện để phát triển kinh tế, làm lại cuộc đời, tránh xa "cái chết trắng".
Khánh Đan
Liên kết website
Ý kiến ()