Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 06:03 (GMT +7)
Hình thành sản phẩm du lịch nội đô Hà Nội trong tình hình mới
Thứ 3, 07/12/2021 | 14:23:06 [GMT +7] A A
Nhiều sản phẩm du lịch nội đô đã được hình thành trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội nhằm phục vụ chính người dân Thủ đô cũng như du khách các tỉnh, thành khác.
Dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp song với việc triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo tinh thần của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ngành du lịch Thủ đô đang từng bước khởi động trở lại.
Nhiều sản phẩm du lịch nội đô đã được hình thành trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội nhằm phục vụ chính người dân Thủ đô cũng như du khách các tỉnh, thành khác.
Tour mới lạ trên yếu tố quen thuộc
Mở đầu cho chuỗi sản phẩm mới được xây dựng trong việc thích ứng an toàn với dịch bệnh là tour bộ hành "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội" do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist tổ chức.
Hành trình được bắt đầu từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, một tuyệt tác về kiến trúc Đông-Tây và là nơi lưu giữ, trưng bày và giới thiệu lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến ngày nay.
Tiếp đó, du khách tham quan những công trình nổi tiếng tiêu biểu của Thủ đô như Nhà hát Lớn, Di tích lịch sử cách mạng Bắc Bộ phủ, Khách sạn Sofitel Metropole.
[Nắng dịu buổi sớm Thu làm xao xuyến lòng người]
Trong vòng 1 giờ 30 phút đi bộ qua những góc phố đẹp của khu vực trung tâm Hà Nội, du khách được khám phá, chiêm ngưỡng một không gian của nghệ thuật kiến trúc và lịch sử.
Điểm nhấn của tour bộ hành này là du khách được tận mắt chiêm ngưỡng, tìm hiểu ba trong số rất nhiều bảo vật quý hiếm chỉ có ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Thực tế, những điểm đến này không phải xa lạ với du khách nhưng các nhà tổ chức tour khai thác ở một khía cạnh mới là khai thác vẻ đẹp kiến trúc của các công trình Pháp cổ, đồng thời tổ chức thành tour đi bộ tạo trải nghiệm khác biệt cho du khách.
Quãng đường không quá xa, lại kết nối được nhiều công trình kiến trúc Pháp với nhau, trong đó xây dựng một điểm nhấn chính để du khách tham quan, khám phá. Chính bởi thế, nhiều du khách sống ngay tại Hà Nội cũng hào hứng với tour này.
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, cho biết để đảm bảo an toàn và theo quy định trong giai đoạn hiện nay, mỗi đoàn tour không quá 10 thành viên, các đoàn giữ khoảng cách và không tiếp xúc với nhau theo phương châm "không chạm."
Tour bộ hành "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội" được tổ chức vào thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần.
Ngay sau đó, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan xúc tiến xây dựng sản phẩm du lịch bằng xe điện tham quan các điểm di tích quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu Phố cổ Hà Nội, với mục đích hình thành những sản phẩm du lịch mới cho Thủ đô sau dịch COVID-19.
Các điểm di tích sẽ kết nối cùng với một số tuyến phố đặc trưng trong khu Phố cổ Hà Nội.
Phó Trưởng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan chia sẻ trong điều kiện mới, Ban quản lý phối hợp với các đơn vị để tăng tính kết nối các điểm di tích, di sản bằng những tour, tuyến mới, hấp dẫn hơn, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho du khách khi tham quan, trải nghiệm phố cổ.
Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen (Hội Lữ hành Hà Nội) ra mắt chùm tour khám phá Hà Nội bằng xe đạp, mở đầu là sản phẩm "VGreen bike tour - Tinh hoa Tràng An."
Tour xe đạp "Tinh hoa Tràng An" diễn ra trong thời gian 1 ngày, du khách sẽ được khám phá các con đường nổi tiếng của Hà Nội tại khu vực hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, tìm hiểu đời sống tại các phố nghề Hà Nội tại khu phố cổ, thăm các di sản văn hóa, kiến trúc của Hà Nội như Ô Quan Chưởng, Cửa Bắc, Cột cờ Hà Nội, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long...
Bên cạnh đó, câu lạc bộ còn ra mắt chùm tour khám phá Hà Nội bằng xe đạp như tour "Thăng Long-Tứ trấn"; tour khám phá khu vực ngoại thành, tour Ba Vì-Làng cổ Đường Lâm, tour làng gốm Bát Tràng...
Điều chỉnh để kịp thời đáp ứng nhu cầu
Tại một số địa phương trong nước, khách du lịch bắt đầu quay trở lại, tập trung trước hết là khách nội tỉnh. Một số trọng điểm du lịch lớn như: Hội An, Phú Quốc đã đón những đoàn khách quốc tế đầu tiên.
Với Hà Nội, sau một thời gian dài hoạt động du lịch đình trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch cũng đã có những bước đi đầu trong việc tạo dựng những sản phẩm mới, đón những đoàn khách là chính những người Hà Nội và người dân các tỉnh.
Khác với thời điểm trước dịch, lần quay trở lại này, du lịch Thủ đô cũng như cả nước nói chung có những thay đổi đáng kể và đó là điều kiện buộc phải có, khi điều kiện đón khách thay đổi, nhu cầu du lịch của khách cũng thay đổi.
Theo Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Flamingo Redtours, sự thay đổi hoạt động kinh doanh du lịch trong trạng thái bình thường mới là một tất yếu. Sau hai năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động, nhu cầu du lịch bị gián đoạn, những thói quen cũ bị phai mờ nên khi thị trường khôi phục sẽ có sự thay đổi rất lớn. Bởi vậy, hoạt động du lịch cần phải điều chỉnh để kịp đáp ứng, thậm chí là dẫn dắt nhu cầu thị trường.
Cũng theo ông Nguyễn Công Hoan, nếu như trước đây, công ty lữ hành là người chủ động xây dựng, đóng gói thành các sản phẩm bán hàng loạt thì tới đây, sản phẩm sẽ phải cá biệt hóa đối với từng đối tượng khách. Người tiêu dùng sẽ chủ động hơn đưa ra các yêu cầu của mình và doanh nghiệp du lịch sẽ sắp xếp các dịch vụ để tạo ra các sản phẩm riêng cho khách.
Trong điều kiện hoạt động du lịch mới khởi động lại như hiện nay, khách du lịch vẫn còn dè dặt khi lựa chọn những tuyến du lịch xa, thay vào đó là những tour ngắn ngày, khoảng cách gần.
Những tour du lịch nội đô, nội tỉnh sẽ được lựa chọn nhiều bởi ưu thế có thể đi lại trong ngày, khách nắm được tình hình dịch bệnh khu vực đó và đáp ứng được nhu cầu thư giãn tối thiểu sau những ngày bị hạn chế đi lại.
Tuy vậy, nhiều tour truyền thống sẽ không đủ sức hấp dẫn nếu các doanh nghiệp không làm mới, tạo cho nó một diện mạo khác.
Hiện nay, Sở Du lịch Hà Nội cũng phối hợp cùng các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng, độc đáo, chất lượng để quảng bá, thu hút khách du lịch.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hoá, đó là điểm đến du lịch gắn với di sản, di tích, lễ hội, làng nghề, ẩm thực. Đồng thời, xây dựng và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng gắn với các giá trị văn hóa truyền thống; phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm tại một số tuyến phố, quận nội đô tại Thủ đô…
Thành phố cũng khuyến khích phát triển du lịch theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn tại các khu du lịch, điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Dù phía trước vẫn còn không ít khó khăn khi tái khởi động trở lại nhưng với những bước đi ban đầu cùng sự nhanh nhạy đổi mới, thích ứng với tình hình mới, ngành du lịch Thủ đô được kỳ vọng sẽ từng bước lấy lại đà tăng trưởng, đóng góp vào phát triển kinh tế chung của thành phố./.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()