Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 00:04 (GMT +7)
Hỗ trợ đồng bào DTTS nâng cao thu nhập
Thứ 2, 18/03/2024 | 15:36:22 [GMT +7] A A
Những năm qua, đồng bào DTTS trên địa bàn Quảng Ninh luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo rất lớn của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó, chất lượng đời sống, thu nhập của bà con ngày càng được nâng cao, góp phần thoát nghèo bền vững.
Xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) có hơn 4.200ha đất rừng sản xuất, phù hợp để phát triển các loại cây lâm nghiệp. Xác định quế là cây mũi nhọn của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, xã đã tập trung vận động nhân dân tham gia trồng, hỗ trợ vốn, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng mô hình trồng quế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn, hữu cơ.
Đến nay, Quảng Lâm đã trở thành vùng trồng quế tập trung lớn nhất của Đầm Hà gồm hơn 2.000ha, với 700 hộ tham gia, trong đó có 100ha quế hữu cơ. Nhờ đó, thu nhập bình quân năm 2023 của xã đạt 69,5 triệu đồng/người, tăng 19 triệu đồng so với năm 2020.
Gia đình anh Tằng A Nhì (bản Thanh Bình, xã Quảng Lâm) có 9ha quế được 7-10 năm tuổi. Năm 2023, gia đình anh đã khai thác 1ha, thu được 2 tấn vỏ quế tươi, trị giá hơn 300 triệu đồng. Được hỗ trợ 10.000 cây quế giống, ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, gia đình anh Nhì đã tổ chức trồng cây để đảm bảo khung thời vụ. Anh Nhì cho biết: Trồng quế giúp gia đình tôi có thu nhập cao và tương lai sẽ trở thành hộ khá, giàu của xã.
Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã Húc Động (huyện Bình Liêu) đã vận động nhân dân chuyển đổi diện tích trồng cây màu truyền thống kém hiệu quả sang trồng dong riềng; khuyến khích hộ dân đẩy mạnh liên kết sản xuất với các cơ sở chế biến miến dong trên địa bàn để được hỗ trợ theo Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.
Đến nay, đã có 500/661 hộ dân xã Húc Động tham gia trồng dong riềng với diện tích 60ha. Năm 2023, toàn xã thu hoạch hơn 2.430 tấn củ tươi và chế biến được 180 tấn miến sợi, doanh thu đạt 16 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 72,2 triệu đồng, tăng 7,2 triệu đồng so với năm 2022.
Giờ đây, đến bất kỳ xã miền núi, vùng cao, vùng DTTS nào của tỉnh cũng cảm nhận rõ sự đổi thay tích cực, khởi nguồn cho sự trù phú trong một tương lai không xa của những xã vốn từng gặp nhiều khó khăn. Đời sống người dân ngày càng sung túc, những căn nhà tạm đã được thay thế bởi những ngôi nhà cao tầng, khang trang, kiên cố; hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; sản xuất phát triển theo hướng an toàn, bền vững...
Để có được kết quả này, những năm qua tỉnh đã tập trung, ưu tiên dành nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, nhất là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh. Trong 3 năm qua, tỉnh đã huy động trên 82.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn tín dụng và các nguồn huy động khác để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 gắn với Nghị quyết số 06-NQ/TU. Trong đó, vốn tín dụng cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất đạt 300 tỷ đồng, với 4.115 hộ khách hàng vay còn dư nợ.
Hiện nay, trong tổng số 400 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao của tỉnh, có 76 sản phẩm trong vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Năm 2023, thu nhập bình quân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đã đạt hơn 73 triệu đồng/người, tăng 27 triệu đồng so với năm 2020 và gần 19 triệu đồng so với năm 2022. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()