Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 08:17 (GMT +7)
Hội chứng COVID kéo dài cản trở công việc của nhiều người dân Nhật Bản
Thứ 2, 23/05/2022 | 16:56:14 [GMT +7] A A
Một nữ sinh cấp 3 tại tỉnh Kanagawa của Nhật Bản đã mắc COVID-19 hồi tháng 4/2021, đến nay vẫn phải đối mặt với các triệu chứng COVID kéo dài, như tim đập nhanh mỗi khi đứng dậy, đến mức có thể bị ngã, hay mệt mỏi nặng nề sau các hoạt động thể chất.
Khi lần đầu được chẩn đoán mắc COVID-19, cô gái 16 tuổi này chỉ có các triệu chứng bệnh nhẹ, nhưng chỉ sau 2 tuần, cô bắt đầu cảm thấy luôn trong tình trạng kiệt sức và hay bị nhức đầu. Các triệu chứng xuất hiện vào thời điểm chuẩn bị trở lại trường học, khiến cô phải giảm các buổi học để nghỉ ngơi dưỡng bệnh.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học St. Marianna ở Kawasaki chẩn đoán cô mắc hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng - ảnh hưởng đến lưu thông máu của người bệnh do sự mất cân bằng trong hệ thống thần kinh. Điều này khiến cô không thể tiếp tục hoạt động trong các câu lạc bộ trường học, thậm chí phải từ bỏ việc theo đuổi trường đại học nguyện vọng 1 do không có giấy giới thiệu về thể thao.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều người mắc hội chứng COVID kéo dài (Long COVID), khiến công việc và học tập của họ bị ảnh hưởng. Bác sĩ Koichi Hirahata, giám đốc Phòng khám Hirahata ở phường Shibuya tại thủ đô Tokyo, cho biết ngày càng nhiều thanh thiếu niên, đặc biệt là học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, đến phòng khám của ông kể từ khi làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron bùng phát hồi tháng 1 vừa qua. Từ 2 năm trước, phòng khám Hirahata đã mở thêm dịch vụ khám chữa riêng cho các bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài, đến nay đã hỗ trợ khoảng 4.000 bệnh nhân.
Bác sĩ Hirahata cho biết nhiều bệnh nhân của ông phải nghỉ ngơi nhiều ngày vì ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID kéo dài, trong đó những người trẻ tuổi chiếm số lượng đáng kể. Trong khoảng 112 bệnh nhân, hơn 50% là những người trong độ tuổi 20 và 30.
Tổ chức y tế Thế giới (WHO) đã định nghĩa hội chứng COVID kéo dài là các triệu chứng bệnh xuất hiện sau 3 tháng kể từ khi mắc bệnh, phổ biến nhất là mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức gây tình trạng sương mù não (suy giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung).
Bộ Y tế Nhật Bản hồi tháng 4 vừa qua đã đưa ra hướng dẫn chính thức cho các bác sĩ về cách hỗ trợ bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài, dựa trên các báo cáo nghiên cứu từ cả trong và ngoài nước. Hiện nay, chưa có phương pháp cụ thể nào được coi là chính thức để điều trị hội chứng này và cũng rất khó xác định thời gian phục hồi của bệnh nhân.
Bác sĩ Hirahata cho biết 67% số bệnh nhân đến phòng khám của ông từ tháng 11/2020 đến tháng 4 năm nay cho biết các triệu chứng này đã ảnh hưởng đến công việc của họ. Trong đó khoảng 41% phải xin nghỉ một số ngày và khoảng 7% phải bỏ việc.
Một khảo sát được tiến hành từ tháng 12/2021-11/2022 tại thành phố Kobe cho thấy nhiều người mắc hội chứng COVID kéo dài gặp khó khăn vì những người xung quanh không hiểu bệnh tình của họ. Trong số 1.608 người tham gia khảo sát, 771 người cho biết họ có các triệu chứng COVID kéo dài. Kết quả khảo sát cũng phản ánh khó khăn về tinh thần mà những người mắc hội chứng COVID kéo dài gặp phải do nhiều người xung quanh họ không hiểu rõ hội chứng này. Một quan chức thành phố Kobe cho biết nhà chức trách thành phố sẽ nỗ lực nâng cao nhận thức trong doanh nghiệp, hỗ trợ tinh thần để giúp các bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()