Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 21:15 (GMT +7)
Hội thảo quốc gia “Vị trí, vai trò của Thiên Long Uyển trong Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288”
Thứ 7, 18/12/2021 | 16:06:40 [GMT +7] A A
Sáng 18/12, tại TP Uông Bí, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Sở Khoa học và Công nghệ và Trường Đại học Hạ Long đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc gia “Vị trí, vai trò của Thiên Long Uyển trong Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước về công tác khảo cổ học.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nghiên cứu, tìm hiểu và làm rõ các giá trị to lớn của chiến thắng Bạch Đằng không chỉ giúp những thế hệ hôm nay hiểu rõ giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc mà còn có ý nghĩa to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong bối cảnh tình hình an ninh trên thế giới và khu vực diễn biến ngày càng phức tạp. Những giá trị to lớn về nghệ thuật quân sự của chiến thắng Bạch Đằng được coi là kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thiên Long Uyển nghĩa là vườn nghìn rồng, là một di tích quan trọng đặc biệt, bao gồm toàn bộ vùng núi Thiên Liêu (thuộc địa bàn xã Yên Đức, TX Đông Triều) của nhà Trần bao gồm phần núi và vùng bãi triều nằm giữa núi Thiên Liêu và sông Đá Bạc.
Đây được coi là đại bản doanh hai vua Trần được bảo vệ một cách có ý thức, là nơi linh thiêng có thể đã diễn ra các lễ nghi. Thiên Long Uyển chính là địa danh lịch sử, một địa chỉ văn hoá, một điểm kết nối trong toàn bộ không gian lịch sử và văn hoá gắn với vương triều Trần, chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
Từ năm 2019, UBND tỉnh đã giao Trường Đại học Hạ Long chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học: “Nghiên cứu đánh giá giá trị, lịch sử văn hoá của di tích Thiên Long Uyển và khu vực Yên Đức trong tổng thể di tích chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 và đề xuất phương án bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích” nhằm làm rõ vị trí, vai trò của di tích Thiên Long Uyển và đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị của di tích Thiên Long Uyển trong tổng thể di tích Chiến thắng Bạch Đằng trên địa bàn Quảng Ninh.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học đã bước đầu cung cấp những tư liệu giúp làm rõ hơn vị trí của Thiên Long Uyển và khu vực Yên Đức (TX Đông Triều) trong chiến trận Bạch Đằng năm 1288. Tuy vậy, một số nội dung liên quan vẫn cần được đưa ra trao đổi, thảo luận. Hội thảo hôm nay là diễn đàn để các nhà khoa học tiếp tục thảo luận, trao đổi về các vấn đề liên quan đến Thiên Long Uyển nói riêng và Chiến thắng Bạch Đằng nói chung.
Các đại biểu tham gia hội thảo đã tập trung thảo luận làm rõ thêm những tư liệu và kết quả nghiên cứu mới tại Thiên Long Uyển; đánh giá về vị trí của Thiên Long Uyển trong chiến trận 1288; phạm vi chiến trường của trận Bạch Đằng năm 1288; phương tiện, vũ khí của quân Mông – Nguyên và Nhà Trần; các bằng chứng chiến trường, phương pháp tiếp cận và diễn giải các vấn đề liên quan đến chiến trận Bạch Đằng năm 1288.
Đồng thời, nhận định Thiên Long Uyển và lưu vực sông Bạch Đằng- Đá Bạc trong bối cảnh văn minh Đông Sơn thế kỷ III-IV TCN đến thế kỷ II CN; bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thiên Long Uyển trong sự kết nối với các di sản khác của Quảng Ninh và các tỉnh, thành lân cận.
Kết quả của Hội thảo cũng là cơ sở để Đại học Hạ Long đề xuất UBND tỉnh, các sở ngành về việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích Thiên Long Uyển; đóng góp luận cứ khoa học để Quảng Ninh phối hợp với các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương xây dựng Hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Bạch Đằng là di sản văn hóa thế giới.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()