Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 13/09/2024 21:29 (GMT +7)
Hướng tới mục tiêu nhân dân hạnh phúc
Thứ 3, 16/01/2024 | 08:22:38 [GMT +7] A A
Thực hiện mục tiêu "nhân dân hạnh phúc", những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng yếu thế, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau. Qua đó, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, để mỗi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
Khi chính sách an sinh được "phủ sóng"
Được sống trong những ngôi nhà vững chãi, xây dựng từ “ý Đảng, lòng dân” là ước mơ của những người dân nghèo, giúp họ thêm vững tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với ông Nình Văn Dảu (thôn Nà Luông, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu), Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ là một cái Tết thật hạnh phúc và đầm ấm khi cả gia đình được an cư trong căn nhà mới khang trang - điều mà một lão nông nghèo như ông trước đây chỉ giám mơ tới.
Năm 2023, chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát cho hộ nghèo, khó khăn được triển khai trên toàn tỉnh, gia đình ông Dảu cũng được chính quyền và các đơn vị hỗ trợ 80 triệu đồng xây dựng nhà mới. Sau 3 tháng thi công, cuối tháng 10/2023, gia đình ông đã chuyển vào sinh sống tại ngôi nhà mới. Không giấu nổi xúc động lẫn phấn khởi, ông Dảu cho biết: Có nhà mới, cả nhà ai cũng vui, đây chính là động lực to lớn để gia đình tôi ổn định cuộc sống, tiếp tục cố gắng vươn lên để thoát nghèo bền vững.
Cũng giống như gia đình ông Dảu, Tết Nguyên đán Giáp Thìn này, 441 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh sẽ đón một cái Tết trọn vẹn, hạnh phúc hơn trong những căn nhà mới được xây dựng từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do tỉnh phát động. Với tinh thần không để ai bỏ lại phía sau, đây là một trong những chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn nhằm cụ thể hóa chủ đề công tác năm của tỉnh về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Bên cạnh việc an cư cho người nghèo, thời gian qua, Quảng Ninh cũng tập trung triển khai nhiều chính sách an sinh khác nhằm hướng tới một cuộc sống chất lượng hơn cho nhân dân. Những ngày đầu năm 2024, người dân thôn Trại Thụ thêm phấn khởi khi là những hộ đầu tiên của xã Tràng Lương, TX Đông Triều được sử dụng nước sạch sinh hoạt do tỉnh đầu tư.
Xã Tràng Lương có trên 800 hộ dân, trong đó có khoảng 80% là người DTTS. Nhiều năm nay người dân trong xã vẫn sử dụng nguồn nước tự chảy từ các khe suối, giếng khoan để sinh hoạt. Thời gian gần đây, do nhiều nguyên nhân, nguồn nước này không đảm bảo về trữ lượng, chất lượng, ảnh hưởng tới đời sống người dân trong xã. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đã phối hợp với TX Đông Triều hoàn thành phương án đầu tư, đấu nối tuyến ống từ Nhà máy nước Miếu Hương (xã Bình Khê) đến trung tâm xã Tràng Lương. Công trình có tổng chiều dài các tuyến khoảng 17.000m đến 4 thôn của xã Tràng Lương để cung cấp nước sạch cho người dân.
Bà Nhữ Thị Lê, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trại Thụ, cho biết: Công trình là sự mong mỏi của nhân dân trong thôn nhiều năm nay. Có nước sạch để sinh hoạt, không lo thiếu nước, không lo mất vệ sinh, nhà nhà đều phấn khởi, vui mừng.
Một trong những điểm nhấn về công tác an sinh của Quảng Ninh trong thời gian qua là chính sách giảm nghèo. Tính đến năm 2023, toàn tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương. Tuy nhiên, để nâng cao mức sống cho nhân dân, nhất là các hộ dân ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 với mức chuẩn nghèo cao hơn khoảng 1,4 lần so với quy định chuẩn nghèo của Trung ương hiện nay.
Theo đó, có khoảng 6.600 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ, với tổng mức ngân sách hỗ trợ trên 255 tỷ đồng. Chính sách này sẽ giúp Quảng Ninh mở rộng diện bao phủ giúp những người khó khăn, yếu thế tiếp cận gần hơn với mức sống tối thiểu tại địa phương, giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Đặc biệt, tỉnh cũng triển khai đồng bộ các chính sách về giảm nghèo nhằm khắc phục các tiêu chí bị thiếu hụt về y tế, giáo dục, thông tin, việc làm, thu nhập…
Mọi người dân đều được hưởng thành quả của sự phát triển
Xác định đầu tư nguồn lực cho việc giải quyết các vấn đề xã hội và an sinh xã hội là đầu tư cho phát triển, là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững, công tác này ngày càng được tỉnh chú trọng, đi vào chiều sâu. Hệ thống các chính sách an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện trên các lĩnh vực: Xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm, ưu đãi người có công với nước, trợ giúp xã hội, mở rộng các dịch vụ xã hội công cộng, tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hoá, y tế và giáo dục…
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, ngoài những chính sách chung của cả nước, tỉnh đã ban hành hàng chục chính sách riêng về an sinh, phúc lợi xã hội. Trong đó, giai đoạn 2020-2022, tổng chi cho an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh đạt hơn 6.000 tỷ đồng, gấp 2 lần so với trước đó. Trong năm 2023, đã có khoảng 1.400 tỷ đồng được Quảng Ninh chi cho công tác an sinh, tập trung vào các chính sách việc làm, nhà ở, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm, nâng cao đời sống của người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, trẻ mồ côi...
Đến nay, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp; 100% gia đình, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; đối tượng chính sách xã hội được thụ hưởng kịp thời đầy đủ các chính sách của Nhà nước và của tỉnh...
Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã dành khoảng 2.600 tỷ đồng để đầu tư cho người dân vùng khó phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.
Ngoài ra, tỉnh cũng phân bổ 457 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học ngành giáo dục; dành 245 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất ngành y tế (giai đoạn 1); 277 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, tỉnh đã bố trí 745,5 tỷ đồng chi đầu tư công để đầu tư xây dựng 12 trường học chất lượng cao ở các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh...
Tỉnh cũng đã thực hiện kịp thời chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi (đạt 99,8%); hỗ trợ chính sách đặc thù cho 6.218 lượt trẻ em theo Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh với tổng số tiền 9,84 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ cho 2.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; bao phủ BHYT đạt 95,2%; số người tham gia BHXH đạt 43,2% so với lực lượng lao động.
Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% thôn, bản vùng cao, vùng biên giới và các đảo có dân cư sinh sống. Mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên; công tác y tế có nhiều chuyển biến, số giường bệnh trên 1 vạn dân gấp đôi bình quân chung của cả nước. Nhờ đó, chất lượng đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, chỉ số phát triển con người (HDI) của Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 địa phương cao nhất cả nước.
Đặc biệt, diện mạo nhiều vùng nông thôn thay đổi rõ rệt, thu nhập của người dân khu vực nông thôn mức 54,4 triệu đồng/người/năm. Toàn tỉnh có 98/98 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 56/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 28 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 4/7 huyện cơ bản đạt chuẩn NTM nâng cao. Hết năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, thực hiện mục tiêu nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh.
Kiên trì với mục tiêu nâng cao đời sống cho nhân dân, để mỗi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký đã nhiều lần khẳng định: Quảng Ninh định hình "nhân dân hạnh phúc" là một giá trị của tỉnh, mọi sự phấn đấu của tỉnh đều hướng tới hạnh phúc của nhân dân. Do đó, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu, nhân dân Quảng Ninh ngày càng ấm no, tự do và hạnh phúc, Quảng Ninh là một “vùng đất lành” và hạnh phúc, để con người sống, làm việc, nghỉ ngơi, thụ hưởng và phát triển.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()