Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:16 (GMT +7)
Hướng tới nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững
Thứ 3, 02/01/2024 | 10:21:15 [GMT +7] A A
Thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp luôn được Quảng Ninh quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sạch, an toàn, phát triển bền vững, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, kiến thức ATTP được đẩy mạnh, đổi mới theo nhiều hướng tiếp cận đã tác động đến nhận thức, kiến thức của người làm quản lý, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về ATTP lĩnh vực nông nghiệp. Từ đầu năm đến nay, các địa phương, đơn vị trong ngành nông nghiệp đã tổ chức 131 hội nghị tập huấn, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh, cũng như hiểu biết, niềm tin của người tiêu dùng trong lựa chọn và tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được kiểm soát chất lượng, ATTP.
Các hoạt động đảm bảo ATTP lĩnh vực nông nghiệp được triển khai thực hiện bài bản hơn; gia tăng số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; việc tổ chức sản xuất, kinh doanh và thiết lập liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn được quan tâm, chất lượng, giá trị nông sản của tỉnh ngày càng nâng cao, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu.
Theo đó, toàn tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng ATTP, trong đó 91 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với diện tích 1.108ha; 4 cơ sở chứng nhận nông nghiệp hữu cơ (quế, lúa) với diện tích 419ha; 1 cơ sở nuôi cá tầm Nga, cá lăng nha được chứng nhận VietGAP, với diện tích 0,405ha; 2 trang trại chăn nuôi, 41 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP và các chứng nhận khác tương đương; 13 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 46 sản phẩm.
Toàn tỉnh hiện có 728 cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản, trong đó 22 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu đã đầu tư ứng dụng KHCN trong chế biến, kiểm soát chất lượng, ATTP, với công suất thiết kế 20.000 tấn/cơ sở/năm; 408 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản tiêu thụ nội địa có quy mô, công suất nhỏ và siêu nhỏ với công nghệ chế biến cơ bản thủ công/bán tự động. Việc ứng dụng khoa học công nghệ cao trong chế biến, bảo quản nông sản hằng năm đã được các cơ sở chú trọng đầu tư. Hầu hết các cơ sở đã tự xây dựng, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP, ISO 22.000...).
Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP đối với sản phẩm thủy sản, động vật, thực vật, các sản phẩm sơ chế, chế biến đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung khai thác, sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn. Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn của Quảng Ninh đã được tích hợp vào Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm của Bộ NN&PTNT.
Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm ATTP nông, lâm, thủy sản được tăng cường; các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP thực hiện đồng bộ, nghiêm túc. Công tác hậu kiểm, giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản được thường xuyên, đã kịp thời cảnh báo nguy cơ ô nhiễm, thực trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, tồn dư hoá chất, kháng sinh, chất bảo quản; tăng hiệu quả kiểm soát, góp phần tạo ra các sản phẩm đảm bảo ATTP phục vụ người dân, giữ vững ổn định sản xuất, thúc đẩy thị trường. Năm 2023, qua thanh tra, kiểm tra tại 123 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản, cơ quan chức năng phát hiện 4 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 21,5 triệu đồng.
Thời gian tới, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các nhiệm vụ đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; tập trung giám sát, kiểm tra, thẩm định, thanh tra chất lượng, ATTP, đặc biệt tại các khâu sản xuất ban đầu, sơ chế, giết mổ, chế biến kinh doanh thực phẩm; kịp thời phát hiện, cảnh báo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATTP; tăng cường nguồn lực, đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kiến thức ATTP nông, lâm, thủy sản; phát triển chế biến, kết nối sản xuất và thị trường tiêu thụ...
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()