Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:49 (GMT +7)
Huyện Đầm Hà: Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân
Thứ 5, 30/11/2023 | 12:02:36 [GMT +7] A A
Sau thời gian dài chịu tác động của đại dịch Covid-19, năm 2023, huyện Đầm Hà đặt quyết tâm phục hồi KT-XH, tranh thủ các thời cơ thuận lợi để đạt mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ, chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người yếu thế không vì vậy mà bị chậm trễ, thậm chí càng được quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện chu đáo, góp thêm động lực cho sự phát triển bền vững của địa phương.
Dấu ấn năm 2023
Bám sát chủ đề công tác năm của tỉnh về “Nâng cao đời sống của nhân dân”, huyện Đầm Hà đã tập trung triển khai thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc xóa nhà tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh trên địa bàn. Theo đó, huyện tập trung đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương này để nhận được sự quan tâm, ủng hộ rộng rãi.
Mọi trường hợp được hỗ trợ đều phải được rà soát, xét duyệt công khai, minh bạch, đảm bảo đúng, đủ quy trình, thủ tục; tập trung lựa chọn từ các hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi neo đơn, người yếu thế, đối tượng bảo trợ xã hội... có nhu cầu hỗ trợ nhà ở. Những hộ còn vướng mắc về thủ tục giấy tờ, hoặc thiếu vốn đối ứng, khó khăn trong mua sắm vật liệu, thuê nhân công... đã được MTTQ, các ngành, đoàn thể huyện lắng nghe, chia sẻ, có ý kiến tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo phương án hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Kết quả, toàn huyện có 13 hộ được hỗ trợ xây nhà mới, 11 hộ được hỗ trợ sửa chữa, cải tạo nhà ở với tổng kinh phí 1,48 tỉ đồng hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa.
Bên cạnh xóa nhà tạm, nhà ở dột nát, Đầm Hà còn triển khai thực hiện thu thập, cập nhật thông tin về tài khoản của các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn đang hưởng trợ cấp hằng tháng để thực hiện chủ trương chi trả chế độ qua tài khoản ngân hàng. Cùng với đó, huyện cũng điều chỉnh mức trợ cấp xã hội hằng tháng cho 1.911 đối tượng bảo trợ xã hội, đảm bảo đúng mức chuẩn quy định của tỉnh (theo Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh). Tổng kinh phí chi trả trợ cấp xã hội đến hết tháng 11/2023 đạt gần 15 tỷ đồng.
Trong năm, huyện còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở LĐ-TB&XH) tổ chức 3 hội nghị giao dịch việc làm và xuất khẩu lao động cho các đối tượng là quân nhân xuất ngũ, sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, học sinh tốt nghiệp THPT, người mới chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn. Huyện cũng phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức 6 hội nghị tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc tại các công ty thuộc TKV. Bên cạnh đó, mở thành công 7 lớp sơ cấp nghề cho lao động nông thôn, gồm 4 lớp sơ cấp nghề phi nông nghiệp và 3 lớp nghề nông nghiệp, thu hút gần 200 học viên tham gia.
Nhiệm vụ thường xuyên, triển khai đồng bộ
Để bảo đảm an sinh xã hội, những năm qua huyện Đầm Hà luôn chú trọng xây dựng, triển khai sâu rộng các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về thực hiện công tác an sinh xã hội bám sát yêu cầu thực tiễn địa phương. Huyện đã ban hành nghị quyết về phát triển giáo dục và đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao huyện Đầm Hà giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đề án đào tạo nghề trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp, người dân; đề án và nghị quyết về xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025...
Hiện nay trong toàn huyện, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để hòa nhập và có cơ hội phát triển; 100% trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp, hỗ trợ; 100% xã, thị trấn có Ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em; 100% thôn, bản, khu phố có mạng lưới cộng tác viên công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đội ngũ cộng tác viên các thôn, bản, khu phố thực hiện thường xuyên công tác quản lý hồ sơ về thông tin trẻ em tại địa bàn, không để trùng lặp, bỏ sót bất kỳ trường hợp nào; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em của địa phương.
Trong công tác trợ giúp xã hội, Phòng LĐ-TB&XH là đơn vị nòng cốt để tham mưu cho huyện trong việc nắm rõ từng trường hợp, địa bàn. Từ đó làm cơ sở cho việc chi trả trợ cấp chính xác đối với toàn bộ 1.800 người thuộc diện bảo trợ xã hội của địa phương. Ngay từ các xã, thị trấn đều chủ động lồng ghép nội dung về thực hiện công tác an sinh xã hội vào các buổi sinh hoạt chi bộ. Đội ngũ cán bộ, đảng viên tại cơ sở làm tốt nhiệm vụ về rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Từ đó có phương án cụ thể, phù hợp nhất, vận dụng tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện vào thực tiễn địa phương. Mỗi quý, Huyện ủy còn tổ chức giao ban với MTTQ và các đoàn thể, đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, để kịp thời chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở theo thẩm quyền.
Bằng tinh thần chủ động, đoàn kết, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, huyện Đầm Hà đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Đây sẽ là tiền đề vững chắc góp phần tạo đà cho sự phát triển toàn diện và bền vững của địa phương.
Đến nay, qua rà soát, đánh giá huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí và 38/38 chỉ tiêu xây dựng huyện NTM nâng cao theo quy định. Trong đó, có nhiều chỉ tiêu, tiêu chí đạt kết quả cao như 100% hệ thống đường huyện, đường trục xã, đường trục thôn, đường ngõ xóm được bê tông hóa, cứng hóa; 100% đường trục chính nội đồng được cứng hóa đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Đầm Hà năm 2022 đạt 74,1 triệu đồng/người; đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 0,16%, hộ cận nghèo còn 1,13%. Chất lượng môi trường sống ngày càng được nâng cao, cảnh quan môi trường đảm bảo xanh, sạch đẹp. Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn huyện được đảm bảo...
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()