Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 07:21 (GMT +7)
"Quyết tâm xây dựng Đầm Hà ngày một phát triển"
Thứ 3, 02/02/2016 | 06:49:22 [GMT +7] A A
Những ngày này khắp nơi trên cả nước diễn ra khí thế tưng bừng chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng Xuân Bính Thân 2016. Những ngày này càng ý nghĩa hơn đối với huyện Đầm Hà bởi cũng là dịp tròn 70 năm thành lập huyện 28-1 (1946-2016). Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện đã nỗ lực phấn đấu, khai thác lợi thế, tập trung mọi nguồn lực để phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Những kết quả đạt được đã khẳng định niềm tin của nhân dân đối với Đảng, vừa là động lực, vừa là tiền đề để Đầm Hà bước vào giai đoạn phát triển mới.
Đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Đầm Hà. |
(Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập huyện Đầm Hà, phóng viên Báo Quảng Ninh đã có buổi trò chuyện với đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Đầm Hà)
- Xin chúc mừng đồng chí cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các dân tộc huyện nhà nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập huyện. Đồng chí có thể cho bạn đọc trong và ngoài tỉnh biết vài nét về ngày truyền thống này và sự trưởng thành của huyện trong thời gian vừa qua?
+ Nhìn lại trang sử của Đầm Hà chúng ta có thể thấy, đêm ngày 26, rạng sáng ngày 27-1-1946, các lực lượng vũ trang cách mạng từ Tiên Yên đã tiến về Đầm Hà hợp sức với lực lượng vũ trang địa phương và hàng ngàn quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta, các căn cứ quân sự của địch ở Nà Pá, Tân Lập, Đồn Đỏ, Đồn Châu… lần lượt bị đập tan. Đúng 7 giờ 30 phút ngày 27-1-1946, huyện Đầm Hà được hoàn toàn giải phóng. Ngày 28-1-1946 Uỷ ban hành chính huyện Đầm Hà được thành lập và những trang sử chói lọi ấy càng đậm nét và rực rỡ hơn khi ngày 28-10-1948, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đầm Hà được thành lập tại căn cứ Núi Hứa, xã Đại Bình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện luôn một lòng đi theo Đảng, chung tay góp sức cùng dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong số trên 1.300 người con của Đầm Hà lên đường nhập ngũ đã có hơn 400 đồng chí đã anh dũng hy sinh và được công nhận là liệt sĩ. Tiêu biểu là tấm gương của Anh hùng liệt sĩ Lê Lương trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Anh hùng liệt sĩ Hà Quang Vóc, người chiến sĩ đặc công mưu trí dũng cảm; Lỷ A Coỏng (dân tộc Dao), người chỉ huy lực lượng dân quân xã Thanh Lâm đã lập nhiều thành tích và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...
Ngày 4-6-1969, để đảm bảo vừa đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, vừa đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và góp phần chi viện cho chiến trường miền Nam, giải phóng đất nước, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 85-CP hợp nhất huyện Đầm Hà và huyện Hà Cối thành huyện Quảng Hà. 32 năm, trải qua 12 kỳ Đại hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân Đầm Hà đã chung sức, chung lòng cùng với nhân dân Hà Cối xây dựng huyện Quảng Hà ngày càng phát triển, cùng với quân dân cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Một góc thị trấn Đầm Hà. Ảnh: Văn Triều (Đài Đầm Hà) |
Để phù hợp với tình hình thực tiễn và thể theo nguyện vọng của nhân dân, ngày 29-8-2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2001/NĐ-CP chia huyện Quảng Hà thành hai huyện Đầm Hà và Hải Hà. Theo sự chỉ đạo của tỉnh, huyện Đầm Hà chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-11-2001. Trong 70 năm qua, huyện Đầm Hà đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý, 4 tập thể và 4 cá nhân được phong tặng, truy tặng, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; 24 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.
- Những thành tựu nổi bật trong thời gian qua của huyện là gì thưa đồng chí?
+ Sau khi được tái lập, so với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Đầm Hà có điểm xuất phát thấp về mọi mặt, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa phát triển, sản xuất nhỏ là chủ yếu; thu ngân sách trên địa bàn hạn hẹp, số hộ nghèo cao; các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục còn nhiều hạn chế; đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc còn nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, với truyền thống của huyện anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong huyện đã vượt khó đi lên. Sau 15 năm tái lập, huyện Đầm hà đã đạt được những kết quả quan trọng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Chỉ tính riêng 5 năm gần đây, giá trị sản xuất tăng bình quân 7,18%/năm; năm 2015, giá trị sản xuất (giá 2010) đạt 690 tỷ đồng, tăng trên 1,4 lần so với năm 2010. Đến năm 2015, toàn huyện có 265 cơ sở sản xuất CN-TTCN, tập trung vào lĩnh vực gạch ngói xây dựng, khai thác quặng và vật liệu địa phương, sản xuất ngư cụ, chế biến nông, lâm sản. Cùng với đó chương trình xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị đạt được nhiều kết quả quan trọng, đến hết năm 2015 có 7 xã (Quảng Tân, Tân Lập, Dực Yên, Đại Bình, Tân Bình, Đầm Hà, Quảng Lợi) cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác chỉnh trang đô thị được triển khai tích cực, thị trấn Đầm Hà được công nhận là đô thị loại V vào năm 2012; đã khánh thành một số công trình trọng điểm của huyện như Trung tâm Văn hoá các dân tộc huyện; đình Đầm Hà, chợ trung tâm; tôn tạo tượng đài Anh hùng liệt sĩ Hà Quang Vóc, đường giao thông trung tâm huyện... Bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế, huyện cũng làm tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, phát triển các sự nghiệp văn hoá, thể thao, y tế, giáo dục. Số hộ nghèo ngày càng giảm (tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 giảm còn dưới 5%), đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.
Đầm nuôi thuỷ sản theo hình thức công nghiệp của Tập đoàn BIM tại xã Đại Bình. |
- Cùng với phát triển kinh tế, việc đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế trong thời gian vừa qua được Đảng bộ thực hiện khá bài bản, đồng chí có thể cho bạn đọc biết đôi nét về mặt công tác này?
+ Huyện uỷ Đầm Hà đã ban hành kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, bộ phận giúp việc để triển khai xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” với tinh thần chủ động, quyết liệt, sáng tạo, lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm để tổ chức thực hiện, do vậy việc triển khai đề án của huyện đã dành được những kết quả quan trọng. Công tác đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ các cấp từ huyện đến cơ sở đã có sự chuyển biến rõ rệt. Đã đưa Trung tâm Hành chính công của huyện vào hoạt động từ đầu tháng 2-2015; ngay trong năm học 2014-2015, đã thực hiện xong việc xoá 2 điểm trường lẻ, dồn được 7 lớp ở bậc THCS, thực hiện 9 lớp ghép; 4 lớp ghép 3 trình độ; dồn học sinh để nâng số lượng học sinh/lớp, giảm được 25 biên chế so với nhu cầu năm học 2013-2014. Việc thực hiện chủ trương nhất thể hoá chức danh người đứng đầu cơ quan đảng với cơ quan nhà nước, chức danh Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã, Bí thư chi bộ thôn, bản, khu phố đồng thời làm Trưởng thôn, bản, khu phố được Huyện uỷ Đầm Hà chỉ đạo quyết liệt. Đến hết tháng 8-2015, đã thực hiện nhất thể hoá chức danh Chủ nhiệm UBKT Huyện uỷ đồng thời là Chánh Thanh tra huyện, Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ đồng thời làm Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện; đã có 3 xã thực hiện nhất thể hoá Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã (Quảng Lợi, Quảng An, Dực Yên); có 59/76 thôn, bản, khu phố Bí thư chi bộ kiêm Trưởng cấp thôn, 4/76 thôn, khu phố Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận. Chỉ đạo Đảng uỷ các xã, thị trấn triển khai nghiêm việc bố trí số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã là từ 10-12 người, còn lại bố trí kiêm nhiệm để tiết kiệm ngân sách (thấp hơn mức quy định chung của tỉnh là từ 11-14 người), đến nay đã kiện toàn sắp xếp giảm 47/176 người hoạt động không chuyên trách (26,7%); phấn đấu thực hiện kiêm nhiệm để tiết kiệm biên chế cán bộ, công chức cấp xã, do đó đã tiết kiệm được 19/234 biên chế (8,12%)... Từ những kết quả trên, kinh phí tiết kiệm do tinh giản bộ máy, biên chế là trên 5 tỷ đồng/năm.
- Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV xác định mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020: 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng huyện trở thành vùng trọng điểm sản xuất và chế biến nông sản; xây dựng thị trấn Đầm Hà trở thành đô thị loại IV. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh. Vậy huyện sẽ có hướng đi như thế nào để đạt mục tiêu thưa đồng chí?
+ Để hiện thực hoá mục tiêu này phải tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, khai thác và phát huy tối đa hiệu quả những lợi thế của địa phương; đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp theo hướng tập trung; phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc và nuôi trồng thuỷ sản gắn với chủ động về con giống và thức ăn chăn nuôi; phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào giáo dục và đào tạo, phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển công nghiệp và dịch vụ, cải cách hành chính. Vận động cá nhân, doanh nghiệp tham gia đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp sản phẩm, hàng hoá. Phát huy truyền thống của huyện anh hùng, chúng tôi tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn diện quyết tâm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về buổi trò chuyện này!
Quang Huy (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()