Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 20:08 (GMT +7)
IMF: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023
Thứ 2, 03/07/2023 | 16:11:23 [GMT +7] A A
Vừa qua, đoàn công tác Điều khoản 4 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã có chuyến công tác và làm việc cùng các cơ quan quản lý, các nhà làm chính sách của Việt Nam để đưa ra các báo cáo khuyến nghị liên quan tới các chính sách kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính ngân hàng.
Các chuyên gia của đoàn công tác đánh giá cao sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam và kêu gọi sự phối hợp chính sách tốt hơn để ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay.
Để có cái nhìn chi tiết về các khuyến nghị của Đoàn công tác lần này, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với ông Paulo Medas - Trưởng đoàn đoàn công tác Điều khoản 4 của Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Là trưởng đoàn đoàn công tác Điều khoản 4 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông đánh giá thế nào về một vài số liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam và các rủi ro mà Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay?
Việt Nam cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, các bạn đang phải đối mặt với các điều kiện bên ngoài khó khăn và phức tạp như tăng trưởng toàn cầu đi xuống, lãi suất toàn cầu tăng lên và những điều này tác động tiêu cực đến các nền kinh tế trên thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này do nền kinh tế có độ mở lớn.
Trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 12% và ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, nhu cầu trên toàn thế giới suy giảm ảnh hưởng đến xuất khẩu, chúng tôi cho rằng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2024 và chỉ có thể phục hồi trở lại cho đến năm 2025. Việt Nam cũng có những vấn đề trong nội tại như sự chững lại của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp… Tuy nhiên, bất chấp các khó khăn đó thì Việt Nam đang thể hiện tốt hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới và chúng tôi kỳ vọng rằng từ nửa sau năm 2023, nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự phục hồi nhờ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc nới lỏng dần chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, cắt giảm thuế và mở rộng đầu tư chi tiêu công đã giúp giảm nhẹ tác động của những cơn gió ngược.
Với những nhận định trên, chúng tôi cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, đạt khoảng 4,7% cho cả năm nhờ xuất khẩu phục hồi và các chính sách trong nước nới lỏng. Lạm phát dự kiến sẽ được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Trong trung hạn, Việt Nam có thể quay trở lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao khi các cải cách cơ cấu được thực thi. Với con số này thì thấp hơn năm 2022 nhưng so với tăng trưởng toàn cầu thì nền kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, xin ông cho biết ý kiến đánh giá về chính sách của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua? Ông có tư vấn gì về chính sách của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước trong ngắn hạn cũng như trung và dài hạn?
Chúng ta đều biết Ngân hàng Nhà nước sau một thời gian tăng lãi suất liên tục, gần đây đã giảm lãi suất. Điều này đã thêm liều thuốc cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận lãi suất với mức chi phí rẻ hơn. Đây là hành động thể hiện sự chủ động của chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, bên cạnh những điều hành kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước cũng phải xem nội lực của các ngân hàng thương mại. Bản thân các ngân hàng thương mại phải tăng cường nội lực của mình bằng cách tăng vốn, quản lý nợ xấu, tăng thanh khoản.
Hiện nay, tỷ lệ cho vay trên huy động của Việt Nam đang khá cao do đó sẽ hạn chế tăng trưởng tín dụng. Và tôi tin rằng các cơ quan điều hành đã học được những bài học từ sự sụp đổ của các ngân hàng tại Mỹ, bài học ngân hàng Credit Suisse tại Thụy Sĩ, hay từ chính bài học của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) năm ngoái. Chúng tôi đã khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tăng cường các công cụ và hoạt động thanh tra, giám sát cũng như có hành động nhanh chóng để phản ứng với các vụ việc này.
Ngân hàng Nhà nước đã có thể kiểm soát cả áp lực về giá cả và thanh khoản trong một môi trường đầy thách thức. Tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn và các nỗ lực tiếp tục hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ có thể sẽ mang lại các lợi ích đáng kể. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn này có thể sẽ kém hiệu quả hơn và tạo thêm rủi ro. Bởi lãi suất trên toàn cầu dự kiến sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong thời gian dài và các ngân hàng tại Việt Nam đang phải đối mặt với các khoản nợ xấu ngày càng tăng và tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi cao.
Trong bối cảnh này, chính sách tài khóa nên đi đầu trong hỗ trợ nền kinh tế và các đối tượng nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt khi Chính phủ vẫn còn dư địa tài khóa. Việc tăng chi ngân sách theo kế hoạch (tăng tiền lương và đầu tư công) và cắt giảm các loại thuế sẽ giúp thúc đẩy cầu trong nước.
Môi trường kinh tế đầy thách thức hiện nay và nợ xấu ngày càng gia tăng đòi hỏi phải nhanh chóng xây dựng một kế hoạch hành động để bảo vệ sự ổn định tài chính và đẩy nhanh những cải cách cần thiết. Kế hoạch này có thể gồm cả tăng cường khuôn khổ quản lý khủng hoảng ngân hàng và cải thiện các quy định, giám sát ngân hàng.
Hiện nay, Quốc hội Việt Nam đang xem xét sửa đổi Luật Các Tổ chức tín dụng, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo một khung khổ pháp lý hiệu quả hơn về xử lý ngân hàng và thanh khoản khẩn cấp để hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động lành mạnh. Bên cạnh đó, các giải pháp để tái cấu trúc thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng cần được tính đến để làm lành mạnh, tạo niềm tin cho thị trường.
Ông đánh giá như thế nào về quá trình tái cấu trúc thị trường tài chính, ngân hàng của Việt Nam?
Như tôi đã nói, Ngân hàng Nhà nước cần phải có công cụ tốt hơn để giám sát các ngân hàng thương mại nhằm can thiệp kịp thời, nhanh chóng đối với những diễn biến bất thường. Điển hình gần đây SCB đã đặt dưới sự giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, việc này đã giúp ổn định tình hình.
Tuy nhiên, chúng ta cũng biết quá trình này ở Việt Nam khá phức tạp và mất nhiều thời gian. Khi thực hiện tái cơ cấu ngành ngân hàng như kiểm soát đặc biệt, thanh lý phá sản mà quá lâu, quá phức tạp sẽ dẫn đến những chi phí tổn thất khác. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần phải có những hành động nhanh chóng hơn.
Ông có khuyến nghị chính sách gì với Việt Nam để đạt được các mục tiêu về quản lý kinh tế vĩ mô trong tương lai?
Như tôi đánh giá thì lãi suất đã giảm đến mức kỷ lục đang gây áp lực lớn đối với thị trường ngoại hối và tỷ giá. Vì vậy trước mắt, để ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, chính sách tài khóa cần phải có vai trò lớn hơn. Hiện nay, dư địa của chính sách tiền tệ Việt Nam đã gần như không còn và khi rủi ro từ bên ngoài vẫn đang trực chờ thì chính sách tài khóa với công cụ về đầu tư công, chi tiêu chính phủ cần phải chứng tỏ được vai trò to lớn của mình.
Thêm vào đó, việc tháo gỡ các vướng mắc để vực dậy thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp phục hồi cũng sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng. Và đặc biệt, việc tăng cường giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hay Bộ Tài chính sẽ giúp nâng cao năng lực phản ứng với các vấn đề trên thị trường tài chính, góp phần vào quá trình tăng trưởng và ổn định kinh tế trong thời gian tới.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tiếp tục nỗ lực cải cách trong trung hạn để đạt được các mục tiêu trong trung và dài hạn đã đặt ra và trở thành một nền kinh tế phát triển vào năm 2045 và đến năm 2050 bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng "0".
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần phải cải cách môi trường kinh doanh bằng cách cải cách các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển; đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đảm bảo năng lượng tái trong từ 5-10 năm tới; đầu tư vào công nghệ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Cuối cùng, Chính phủ cần phải tăng nguồn thu thuế để có nguồn thu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục và đảm bảo an sinh xã hội vì hiện thuế của Việt Nam đang bị xói mòn rất nhiều so với các quốc gia khác trên thế giới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()