Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 04:16 (GMT +7)
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Thứ 2, 21/10/2024 | 11:01:46 [GMT +7] A A
Sáng 21/10, thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn, các đại biểu Quốc hội thuộc 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và lãnh đạo các địa phương, các đại sứ, đại biện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Trước khi bắt đầu phiên khai mạc, Quốc hội dành một phút mặc niệm chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử nạn do thiên tai trong thời gian qua.
Tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật
Phát biểu tại Kỳ họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, trong thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, thực chất và hiệu quả hơn. Quốc hội ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất với 3 chức năng quan trọng.
Hoạt động giám sát của Quốc hội không ngừng được cải tiến, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy các cơ quan Nhà nước thực hiện tốt hơn nhiệm vụ.
Quốc hội đã đồng hành cùng Chính phủ quyết định, ban hành kịp thời nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là trong những thời điểm khó khăn như dịch Covid-19.
Đối ngoại của Quốc hội được mở rộng với nhiều hoạt động nổi bật, Quốc hội được bầu vào nhiều vị trí quan trọng tại các diễn đàn lớn và uy tín trên thế giới.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”.
"Những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; tuyệt đối không hành chính hoá hoạt động của Quốc hội; luật hoá các quy định của Nghị định và Thông tư.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh cần tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”.
Đồng thời, chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới (nhất là những vấn đề liên quan đến cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…) tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội.
"Hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải “đúng vai, thuộc bài”; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hài hoà trong quy trình quản trị quốc gia", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.
Bảo đảm các luật, nghị quyết đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu
Trước đó, phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, căn cứ chương trình kỳ họp đã được thông qua tại phiên họp trù bị, trong 29,5 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 21/10 đến ngày 13/11; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11), Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng.
Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, phấn đấu thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.
Nhấn mạnh đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn, liên quan nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, nhân dân rất quan tâm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án luật.
"Luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định; không cầu toàn, không nóng vội; không quy định cứng nhắc; chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, bảo đảm đủ khả năng cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện được công việc", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Bên cạnh đó, cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm soát quyền lực, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các luật, nghị quyết, bảo đảm khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất.
Về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Đồng thời, xem xét, quyết định: thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030; chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam và nhiều nội dung quan trọng khác.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội; phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả; lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai, lũ lụt gây ra ở 26 tỉnh, thành phố phía bắc và một số tỉnh miền trung.
Về giám sát tối cao, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023”; thảo luận, xem xét các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước; đồng thời thảo luận, cho ý kiến lần đầu vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét tiến hành bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một số nội dung công tác nhân sự khác thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()