Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:10 (GMT +7)
Vân Đồn: Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nguồn lợi thủy sản
Thứ 6, 30/09/2022 | 09:23:46 [GMT +7] A A
Huyện đảo Vân Đồn có hệ sinh thái biển và ven bờ đa dạng, phong phú, có nhiều tiềm năng để phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản (NTTS). Những năm qua, huyện tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản; mở rộng, phát triển đa dạng các sản phẩm chế biến, nhằm gia tăng giá trị thủy hải sản, tạo hướng đi bền vững cho ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản
Huyện Vân Đồn có 1.620km2 mặt nước, trong đó có trên 40km2 (4.000ha) có khả năng NTTS; nguồn lợi thủy sản phong phú với nhiều loài có giá trị kinh tế cao, như sá sùng, ngao, hàu, cá song... Phát huy những tiềm năng sẵn có, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, thế mạnh của huyện, hằng năm có mức tăng trưởng mạnh. Được quy hoạch, định hướng phù hợp, ngành thủy sản Vân Đồn đã huy động được sức dân, đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân sinh sống ở các xã, thị trấn ven biển của huyện.
Sản lượng khai thác và NTTS 10 năm trở lại đây của Vân Đồn liên tục tăng. Năm 2021, sản lượng khai thác đạt trên 19.000 tấn (tăng gấp 1,7 lần năm 2010); sản lượng nuôi trồng đạt trên 89.000 tấn (tăng gấp 20 lần năm 2010); giá trị ngành thủy sản đạt trên 2.100 tỷ đồng (tăng gấp 4,4 lần năm 2010), chiếm 88,7% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Vân Đồn đã dần hình thành vùng nuôi tập trung, chuyển dịch từ nuôi thả tràn lan không theo quy hoạch sang mô hình nuôi quy mô lớn, với 1.845ha, tại 12 xã, thị trấn, phần lớn tập trung ở các xã: Đông Xá, Hạ Long, Quan Lạn, Thắng Lợi, Bản Sen. Địa phương cũng thu hút được 18 doanh nghiệp, HTX, trên 1.200 hộ dân đầu tư NTTS, giải quyết việc làm cho trên 7.500 lao động địa phương. Đồng thời, huyện duy trì 100% mô hình NTTS theo hướng hữu cơ (sử dụng thức ăn tự nhiên, không sử dụng hóa chất, kháng sinh, thức ăn công nghiệp); đang dần thay thế vật liệu nuôi từ phao xốp sang phao nhựa, giàn nhựa thân thiện với môi trường.
Khai thác thủy sản phát triển theo hướng giảm dần số lượng tàu khai thác gần bờ, nâng cao chất lượng tàu khai thác xa bờ, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo định hướng của tỉnh. Năm 2021, toàn huyện có 997 tàu cá, trong đó có 123 tàu đánh bắt xa bờ; 3 nghiệp đoàn nghề cá; hệ thống hạ tầng hậu cần, dịch vụ nghề cá đã và đang được đầu tư đồng bộ, với 15 cơ sở hậu cần dịch vụ cung cấp ngư lưới cụ, thiết bị, nguyên, nhiên, vật liệu và 3 cơ sở sửa chữa, đóng tàu, phục vụ NTTS. Khu vực cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão của huyện đang được đầu tư, có sức chứa trên 1.000 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên.
Cùng với nâng cao chất lượng nuôi trồng, chế biến thủy sản, Vân Đồn chú trọng đảm bảo môi trường NTTS, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Là vựa NTTS lớn nhất tỉnh với trên 90% diện tích nuôi biển đang sử dụng phao xốp, Vân Đồn đang đẩy mạnh thay thế phao xốp bằng phao nhựa thân thiện môi trường, đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn trên 2,5 triệu phao xốp trước ngày 31/12/2022.
Phát triển các sản phẩm mới
Vân Đồn hiện có 62 cơ sở NTTS được cấp mã vùng nuôi để truy xuất nguồn gốc. Các cơ sở đã áp dụng quy trình kỹ thuật mới vào nuôi trồng, như nuôi hàu bằng dây treo võng, dùng phao nhựa HDPE thay thế phao xốp truyền thống. Từ khi áp dụng kỹ thuật mới, sản phẩm nuôi trồng đồng đều, tỷ lệ con giống sống cao (trên 70%), thời gian nuôi rút ngắn từ 2 - 3 tháng/vụ, giá bán ổn định và cao hơn từ 20-25%, có nhiều mô hình liên kết điển hình như: HTX Hàu sữa Vân Đồn, HTX Phấn Cờ, HTX Bảo Anh, HTX Thắng Lợi.
Đặc biệt, nhờ liên kết đã cho ra đời nhiều sản phẩm độc đáo, vừa tận dụng được nguồn rác thủy sản, vừa tạo doanh thu. Điển hình là mô hình liên kết giữa HTX Hàu sữa Vân Đồn và HTX Phát triển hàu sữa Quảng Ninh trong việc thu mua, chế biến vỏ hàu thành bột, bổ sung cho cây trồng và chăn nuôi; mặc dù mới triển khai từ năm 2021 nhưng bước đầu đã được thị trường đón nhận.
Trước kia, hải sản Vân Đồn chủ yếu xuất bán ra thị trường dưới dạng tươi sống; người nuôi luôn phải đối mặt với nguy cơ được mùa mất giá hoặc không thể tiêu thụ được do các yếu tố tác động bởi dịch bệnh, bởi chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP… Thì nay, huyện khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm thủy sản. Toàn huyện hiện có 11 đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP với 43 sản phẩm thực phẩm, trong đó 19 sản phẩm được cấp sao.
Tiên phong là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) với dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại của Nhật và châu Âu. Các sản phẩm OCOP của Công ty (ruốc hàu, ruốc cơ trai, ruốc bề bề) được xuất khẩu, bán ở các siêu thị lớn trong nước. Trung bình, Công ty thu mua và chế biến khoảng 5.000 tấn thủy sản/năm. Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty, cho biết: Chính khó khăn trong vận chuyển, bảo quản, tiêu thụ các sản phẩm tươi sống, đã thôi thúc Công ty sản xuất các sản phẩm mới phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại, nhất là những thị trường xa. Đến nay, Công ty đã tạo được một mạng lưới "phủ sóng" khắp cả nước thông qua các kênh bán lẻ truyền thống; đẩy mạnh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm sạch đang phát triển rất mạnh hiện nay.
Bà Trương Thị Thúy Huyền, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, cho biết: Bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản qua con giống, phương thức và môi trường nuôi, huyện rất quan tâm quy hoạch, định hướng và khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức đầu tư chế biến sâu. Đồng thời, mở rộng, phát triển đa dạng các sản phẩm chế biến, nhằm gia tăng giá trị thủy hải sản, tạo hướng đi bền vững cho ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()