Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:04 (GMT +7)
Khai thác lợi thế để phát triển du lịch
Thứ 5, 18/04/2024 | 15:17:54 [GMT +7] A A
Vùng đồng bào DTTS và miền núi của Quảng Ninh có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cùng hàng nghìn di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của hơn 20 dân tộc. Từ lợi thế này, tỉnh đã chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Bình Liêu không chỉ sở hữu cảnh đẹp của thiên nhiên, mà còn hội tụ nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, trở thành tài nguyên vô giá để phát triển du lịch. Qua thống kê, trên địa bàn huyện có 4 lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian; 4 di sản loại hình tiếng nói, chữ viết; 1 lễ hội truyền thống; 11 di sản loại hình nghề thủ công truyền thống; 22 di sản thuộc tri thức dân gian.
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, huyện Bình Liêu đã dành nhiều nguồn lực để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sức dân trong bảo tồn, phát huy các vốn quý về văn hóa, coi đây là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực cho du lịch phát triển.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 3 di tích cấp tỉnh và nhiều phong tục tập quán, lễ hội, thu hút đông đảo du khách, như Lễ hội đình Lục Nà, Hội soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ, Ngày hội Kiêng gió của dân tộc Dao.
Đặc biệt, Hội hoa sở, Hội mùa vàng, Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu được tổ chức, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đã tạo cơ hội để du khách trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, văn hóa của mảnh đất vùng biên giới Đông Bắc.
Nhờ khai thác tốt nguồn tài nguyên về cảnh quan, văn hóa bản địa, những năm gần đây du lịch Bình Liêu đã có bước phát triển vượt bậc. Năm 2023, huyện đón 150.000 lượt khách tham quan, bằng 150% kế hoạch tỉnh giao, doanh thu du lịch đạt trên 72 tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch và 140% so với năm 2022.
Cùng với Bình Liêu, các địa phương vùng DTTS và miền núi của tỉnh, như Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà… cũng đạt nhiều kết quả, dấu ấn riêng từ việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch.
Tại Tiên Yên, năm 2023 địa phương đã tổ chức thành công 4 lễ hội cấp huyện gắn với đặc trưng văn hóa của người DTTS bản địa, gồm Lễ hội Đồng Đình gắn với Ngày hội văn hóa, thể thao dân tộc Tày, Lễ hội văn hóa, thể thao dân tộc Sán Chỉ gắn với mùa vàng vùng cao Đại Dực, Lễ hội văn hóa dân tộc Dao gắn với chợ phiên vùng cao Hà Lâu, Lễ hội đền Đức ông Hoàng Cần gắn với Ngày hội văn hóa, thể thao dân tộc Sán Dìu tại xã Hải Lạng.
Ngoài ra, Tuần văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV với chủ đề “Tiên Yên - Nơi kết nối sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc Quảng Ninh” kết hợp với chuỗi các hoạt động như hội thi vua gà, lễ hội nghệ thuật đường phố... đã trở thành ngày hội lớn của người dân Tiên Yên, đồng thời thu hút đông đảo du khách đến khám phá, trải nghiệm. Nhờ đó, năm 2023 lượng khách du lịch đến Tiên Yên đã đạt 121.000 lượt.
Để bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, ngày 21/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023-2025. Đó là làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái), làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (huyện Bình Liêu), làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân (huyện Vân Đồn).
Việc hình thành các làng văn hóa sẽ góp phần tạo điều kiện để các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của các DTTS gắn với phát triển du lịch bền vững. Từ đó, nâng cao hơn nữa ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho đồng bào các DTTS.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()