Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 09:46 (GMT +7)
Mở rộng khai thác thị trường du lịch
Thứ 6, 26/05/2023 | 15:33:14 [GMT +7] A A
Quảng Ninh ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm du lịch của Việt Nam và là điểm nhấn trên bản đồ du lịch thế giới. Với định hướng đó, ngành Du lịch đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp kích cầu du lịch, đẩy mạnh liên kết mở rộng thị trường, thu hút khách quốc tế.
Đầu tháng 5/2023, Khu bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả, TP Hạ Long) đón 55 khách nước ngoài tới tham quan, trải nghiệm. Đoàn tham quan mô hình trồng cây trà hoa vàng và thưởng thức trà hoa vàng; mô hình nấu rượu bâu truyền thống, Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y. Du khách được tìm hiểu về truyền thống, phong tục của người Dao Thanh Y, ngâm chân lá thuốc, thưởng thức các món ăn dân tộc, hoà mình vào những hoạt động văn hoá văn nghệ và trang phục truyền thống đồng bào Dao Thanh Y.
Theo đại diện Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tân Hồng, Chi nhánh Quảng Ninh, bên cạnh các hoạt động tham quan vịnh Hạ Long và một số điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn TP Hạ Long, du khách quốc tế có xu hướng lựa chọn các trải nghiệm gần gũi, đặc trưng vùng miền. Thời gian tới, đơn vị sẽ kết hợp với nhiều đối tác để giới thiệu các trải nghiệm văn hóa dân tộc, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa thêm nhiều hoạt động hấp dẫn để thu hút du khách.
Hiện ngành Du lịch đang nỗ lực đưa vào hoạt động 38 sản phẩm du lịch mới, chú trọng đến phát triển dựa trên khai thác tối đa đặc trưng tự nhiên, văn hóa, con người Quảng Ninh. Có thể kể đến Phố đêm du thuyền, tham quan núi Bài Thơ, dịch vụ nghe nhạc trên vịnh Hạ Long; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại đảo Đá Dựng (huyện Đầm Hà); trải nghiệm gắn với sông Ba Chẽ và các điểm di tích lịch sử văn hoá tâm linh, các nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Dao Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ); du lịch biển trải nghiệm tại thôn Bình Minh, xã Hải Lạng và sản phẩm du lịch cộng đồng tại thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên)...
Cùng với việc xây dựng các sản phẩm mới, ngành Du lịch xác định phát triển các thị trường khách quốc tế trọng tâm là khu vực Đông Bắc Á, tiếp đến là khu vực ASEAN, Tây Âu, Bắc Mỹ và Ấn Độ. Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, ngành Du lịch tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch, chiến lược marketing du lịch và các chính sách hỗ trợ xúc tiến du lịch; đầu tư xứng đáng cho hoạt động marketing điện tử; tăng cường các hoạt động marketing truyền thống. Đồng thời, triển khai các chiến dịch, sự kiện, các chương trình xúc tiến du lịch.
Đặc biệt, liên kết trong xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm tạo nguồn lực và sức mạnh tổng hợp cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá và phát triển thị trường quốc tế.
Đối với thị trường ASEAN và Đông Á, tỉnh chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, nhất là các tỉnh trong khối liên minh du lịch Đông Bắc Á để xây dựng “đường bay di sản” giữa 3 địa phương, gồm: Vịnh Hạ Long (Việt Nam), Luang Prabang (Lào) và Angkor Wat (Campuchia), tạo điều kiện tối đa cho việc xuất nhập cảnh của khách du lịch.
Ngành Du lịch cũng hướng đến đẩy mạnh liên kết, hợp tác với tỉnh Quảng Tây, Vân Nam và các tỉnh, thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Quảng Đông, Trùng Khánh, Bắc Kinh, Thiên Tân. Trước mắt, Quảng Ninh đẩy mạnh việc đón khách và thúc đẩy khôi phục thị trường khách Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Hiện mỗi ngày, TP Móng Cái đón hàng nghìn lượt khách du lịch Trung Quốc, chủ yếu ở các địa phương giáp biên giới như Quảng Tây, Tứ Xuyên. Trong quý I/2023, có hơn 170.000 lượt người xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái...
Để đảm bảo đón tiếp, phục vụ tốt nhất thị trường khách Trung Quốc, TP Móng Cái đã chủ động hợp tác với các địa phương giáp biên phía bạn tăng cường xúc tiến, quảng bá điểm đến. Thành phố cũng đã chú trọng đổi mới sản phẩm, gia tăng trải nghiệm cho du khách. Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch cũng được ưu tiên nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch văn minh, an toàn, thân thiện. Thành phố cũng đã lập Chi hội du lịch lữ hành Móng Cái, tạo mối liên kết thống nhất, tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch.
Cùng với việc phát triển du lịch đường bộ và đường hàng không, Quảng Ninh đang nỗ lực thu hút khách quốc tế từ việc khai thác những lợi thế đặc thù về cảng biển, nhất là Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Theo bà Vũ Thị Hồng Quyên, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist tại Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, đơn vị đón khoảng 6 chuyến tàu biển đưa các đoàn khách du lịch đến Hạ Long. Để tiếp tục thu hút các hãng tàu biển, chúng tôi mong muốn tỉnh tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị, xúc tiến và tạo điều kiện cho các hãng tàu đưa khách đến với Hạ Long, như: Tổ chức famtrip hoặc Hội nghị tàu biển tại Hạ Long; xây dựng các kế hoạch phát triển thị trường du lịch tàu biển; đề xuất chương trình miễn visa cho khách quá cảnh vào Hạ Long tham quan trong ngày; xây dựng các sản phẩm ưu đãi khuyến khích các hãng tàu lưu đêm và khách lên bờ nghỉ đêm...
Với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm, cửa ngõ kết nối thị trường khách giữa khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, ông Baek Chang-Seok, Tổng thư ký Liên minh Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) đã đưa ra gợi hướng, bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận và kết nối hàng không qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh có thể nâng cao nhận thức về thương hiệu thông qua việc mở rộng mạng đường bay quốc tế. Từ đó, tạo điều kiện phát triển sản phẩm du lịch kết hợp tài nguyên du lịch địa phương để tạo những bước nhảy vọt mới. Ngoài ra, ESG - quản lý thân thiện với môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị minh bạch là vấn đề toàn cầu, là yếu tố then chốt để chiến lược phát triển du lịch thành công. Thông qua các chính sách du lịch thân thiện và có trách nhiệm với môi trường, Quảng Ninh trở thành điểm đến bền vững đẳng cấp quốc tế. Hơn nữa, các dịch vụ du lịch thông minh được hỗ trợ bởi số hóa sẽ thu hút nhiều khách lữ hành đi lẻ (FIT) những người đang dẫn đầu thị trường du lịch thời hậu đại dịch.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()