Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:28 (GMT +7)
Khám phá những căn nhà cổ ở Hà Nam
Chủ nhật, 20/06/2021 | 12:06:56 [GMT +7] A A
Xen lẫn trong những ngôi nhà cao tầng kiên cố, những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi mang đậm nét truyền thống văn hóa dân tộc vẫn được người dân làng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) giữ gìn và bảo vệ.
Từ chỗ chỉ là những ngôi nhà đơn lẻ làm nơi cư trú, theo thời gian, ngôi nhà cổ truyền thống đã trở thành di sản văn hóa, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng làng xã đảo Hà Nam. Thế nhưng những ngôi nhà cổ nơi đây dường như đang đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ nếu không được gìn giữ một cách trân quý ngay từ bây giờ.
Nơi lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống
Dân gian có câu: "Tậu trâu, lấy vợ, cất nhà"... Ngụ ý việc cất nhà là một trong ba việc trọng đại của đời người. Vì thế, khi cất nhà chủ nhân lại muốn tìm vị trí tốt, đẹp. Vị trí một ngôi nhà cổ đẹp ở làng đảo Hà Nam trước đây phải đạt các yêu cầu: "Tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền châu tước, hậu huyền vũ". Nghĩa là bên trái nhà phải có sông nước, bên phải có đường, trước nhà có cây cao bóng mát, sau nhà thì vườn tược trồng cây ăn trái. Mỗi ngôi nhà cổ dù rộng lớn hay vừa phải đều có bốn khu vực: Khu vực tiếp khách, khu vực thờ phụng, buồng ngủ và nhà bếp. Ngôi nhà cổ là sự kết tinh của trí tuệ, lao động sáng tạo của nhiều thế hệ. Nơi đây còn là nơi lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam, của ông bà, tổ tiên đã dày công tạo dựng. Yếu tố thẩm mỹ, tính triết lý thể hiện qua các hoành phi, câu đối, đại tự mang đậm nét hoài cổ của cư dân vùng đảo, làm cho từng ngôi nhà mang phong vị riêng và chứa đựng chiều sâu văn hóa.
Ông Dương Phượng Toại ở xã Cẩm La là một người có niềm đam mê trong việc sưu tầm và nghiên cứu văn hóa truyền thống vùng đảo Hà Nam. Chúng tôi đến thăm ngôi nhà của gia đình ông Phạm Văn Tăng ở thôn Cẩm Tiến, xã Cẩm La, nơi mà sự cũ kỹ quá vãng vẫn hiện diện trên từng nếp gỗ, bậc cửa. Căn nhà có tuổi đời trên dưới 300 năm, được nhiều thế hệ cha ông của gia đình ông Tăng gìn giữ nguyên vẹn qua nhiều đời. Bên trong tuy đồ đạc không nhiều nhưng vẫn giữ nguyên được những đồ nội thất cổ như sập gỗ, hương án, cùng với đó là hệ thống 6 cột cái và 8 cột quân, mái chồng 3 con, lợp ngói đốt bằng cỏ.
Đặc biệt, hệ thống cửa liệt bản bằng gỗ được đục công phu. Ông Toại say mê nói về từng chi tiết của ngôi nhà: "Đây là 1 trong những căn nhà cổ nhất ở đảo Hà Nam, mà lần nào đến đây tôi cũng đều khuyên chủ nhà phải tôn tạo tu bổ chứ quý thế này nhất định không được phá bỏ".
Hành trình đi thăm những căn nhà gỗ của chúng tôi tiếp tục với căn nhà của ông Dương Văn Hăng ở thôn Cẩm Thành. Ở đây, chúng tôi gặp ông Dương Văn Chuyển, một trong những người thợ mộc cao tuổi nhất ở vùng Hà Nam, người hiếm hoi lưu truyền và tiếp nối nghề xây sửa những căn nhà gỗ cổ. Căn nhà hơn 200 năm tuổi của ông Hăng cũng từng được chính tay ông Chuyển tu sửa hồi những năm 2000. Người thợ mộc già vẫn nhớ như in từng chi tiết xà soi kẻ nạm, hệ thống mái giữa chồng ba hai bên chồng năm, những cánh cửa gỗ, hàng hiên với phù điêu gỗ và những lỗ thoáng có chấn song lục bình… Dù ngôi nhà đã được cải tạo nhưng tất cả đều lưu giữ khá nguyên bản nhà gỗ xưa. Theo thời gian, từng thớ gỗ đã sáng bóng lên, lấp lóa những thăng trầm. Hương gỗ và “mùi” cổ kính cứ lẩn khuất trong không gian, cảm giác yên bình và dịu dàng khiến người ta cứ muốn ở lại mãi trong những căn nhà cổ, nơi mà thời gian như dừng chân.
Đa số nhà gỗ ở làng đảo Hà Nam có tuổi đời trên dưới 100 năm, cá biệt có những ngôi nhà được xây dựng từ thế kỷ 18. Nhà gỗ ở vùng này thể hiện tinh hoa nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc và chế tác đồ gỗ, phản ánh sự trù phú của một vùng đất sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản và giao thương đường thủy. Mỗi căn nhà cổ ở Hà Nam đều được chủ nhân chăm chút như thể giữ gìn nền nếp gia phong và truyền thống văn hóa quê hương. Không chỉ giữ được những nét kiến trúc cổ độc đáo của ngôi nhà, các thế hệ thừa hưởng những căn nhà cổ đa số vẫn lưu giữ những hiện vật gắn bó với đời sống, sinh hoạt của bà con nông dân hay các dụng cụ đồ đồng, gốm, sứ qua các thời kỳ. Những hiện vật ấy đã tái hiện sinh động về đời sống sinh hoạt, sản xuất của vùng làng đảo với nơm, dậm, cối, chày, cày bừa, cuốc, xẻng hay những kỷ vật của chiến tranh... Tất cả đều thể hiện sự tôn trọng đối với những thế hệ tiền nhân.
Trân quý những giá trị xưa
Thời kỳ đầu, những nhà gỗ cổ đều là nhà của những gia đình quyền quý, quan lại giàu có. Ngày đó, những gia đình giàu sang xây dựng nhà gỗ thường để tiếp khách hay là nơi thờ cúng tổ tiên. Vào những năm chiến tranh, những ngày đầu đất nước mới giành lại độc lập, đời sống kinh tế người dân còn nhiều khó khăn, những ngôi nhà gỗ cũng bị mai một.
Trước những biến thiên của lịch sử cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết, đã làm nhiều ngôi nhà xuống cấp, biến dạng. Việc giữ gìn, bảo tồn những ngôi nhà cổ đang là nỗi trăn trở của nhiều người dân nơi đây. Bảo tồn đi liền với phát triển thích ứng với cuộc sống đương đại nên nhiều gia đình đã tu sửa nhà theo hướng vừa giữ lại nét kiến trúc cổ vừa phù hợp với công năng sử dụng hiện tại.
Theo ông Dương Phượng Toại, việc bảo tồn kiến trúc nhà cổ ở Hà Nam chỉ nằm rải rác trong nhiều dự án văn hoá nhiều năm qua nhưng hiện vẫn chưa có một dự án riêng biệt nào về nội dung này. Một trong những khó khăn lớn nhất vẫn là về nguồn vốn.
“Việc bảo tồn kiến trúc nhà cổ ở Hà Nam chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của nhân dân và may mắn là nhiều hộ dân ở Hà Nam hiện nay có ý thức rất cao trong việc giữ gìn nhà cổ của gia đình, dòng họ” - ông Toại chia sẻ.
Chính căn nhà của ông Toại ở thôn Cẩm Thành, xã Cẩm La cũng có tuổi đời lên tới hàng trăm năm và ông vẫn luôn dặn dò con cố gắng bằng mọi giá giữ lại ngôi nhà, bởi đó là minh chứng cho những nét văn hóa truyền thống và là niềm tự hào về thành tựu của cha ông.
Tồn tại lặng lẽ như những nốt trầm trong dòng chảy đô thị ồn ào, những ngôi nhà cổ vùng đảo Hà Nam gợi cho người ta nhớ về những ký ức xa xưa, những hoài niệm cũ với sự an yên đến lạ kỳ. Biết bao thế hệ đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ những mái nhà cổ xưa thân thương ấy. Và dù vào Nam, ra Bắc, đi xa hay về gần; cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, những lớp con cháu lại trở về quây quần, đầm ấm dưới mái nhà xưa, cùng gói bánh chưng, dâng hương lên bàn thờ tiên tổ, chia sẻ yêu thương và trân quý hơn những giá trị đạo - hiếu của gia đình, cộng đồng.
Mai Linh
Liên kết website
Ý kiến ()