Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 17:19 (GMT +7)
Khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP
Thứ 6, 15/12/2023 | 06:42:19 [GMT +7] A A
Tỉnh Quảng Ninh có nhiều nông sản đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP bền vững.
Đa dạng sản vật địa phương
Huyện Đầm Hà đang phấn đấu trở thành vùng trọng điểm sản xuất, chế biến, cung cấp nông sản cho tỉnh. Thời gian qua huyện tập trung phát triển sản phẩm OCOP chủ lực theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị.
Một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng của huyện là gà bản. Đây là giống gà lâu đời, chăn thả tự nhiên, ăn ngô, thóc; thân hình tròn, gọn, cổ ngắn, chân thấp, màu vàng; thịt chắc, dai, ngon, vị ngọt đậm đà. Sản phẩm gà bản Đầm Hà đã được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh 3 sao.
HTX Tuyền Hiền (xã Quảng Tân) là đơn vị chọn lọc, sản xuất thành công giống gà bản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. HTX còn liên kết theo chuỗi trong chăn nuôi gà bản, tạo ra nông sản sạch, chất lượng cao. Quy trình sản xuất khép kín từ con giống, thức ăn, đến bao tiêu sản phẩm. HTX đang liên kết với hàng trăm hộ nông dân phát triển, chăn nuôi giống gà này. Sản lượng tiêu thụ của HTX đạt 100.000 con/năm, giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm là cách để nước mắm Cái Rồng (huyện Vân Đồn) có chỗ đứng trên thị trường như hiện nay. Năm 2019 nước mắm sá sùng Cái Rồng được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh 4 sao. Với phương pháp sản xuất truyền thống, nước mắm Cái Rồng luôn có hương vị tự nhiên, độ đạm cao, chứa đầy đủ các axit amin và khoáng chất bồi bổ sức khỏe, có vị mặn đặc trưng và an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Đào Đức Yêm, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cái Rồng, cho biết: Đáp ứng nhu cầu của thị trường, Công ty chú trọng nâng cao chất lượng, sản phẩm. Cụ thể là nguồn nguyên liệu đầu vào phải tươi; thứ hai là khâu chế biến, tăng cường phơi đánh, tạo hương thơm cho nước mắm. Đối với nước mắm sá sùng, Công ty có công nghệ riêng tạo mùi vị, màu sắc, độ đạm cao, được nhiều khách hàng tin tưởng và chọn lựa trong các bữa ăn của gia đình.
Các sản phẩm phong phú đã tạo nên nhiều lợi thế để tỉnh hình thành, phát triển các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã vươn ra thị trường tỉnh ngoài, được đưa vào các siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử...
“Chắp cánh” cho các sản phẩm OCOP
Tỉnh hiện có 4 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, gồm 3 sản phẩm ngọc trai của Công ty CP Ngọc trai Hạ Long và sản phẩm trà hoa vàng Quy Hoa của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Xuất nhập khẩu Quy Hoa (huyện Hải Hà). Để các sản phẩm OCOP ngày phát triển, tỉnh đã có những chính sách, cơ chế phù hợp, tạo thuận lợi cho từng địa phương phát triển các sản phẩm chủ lực.
Ông Lê Mạnh Quy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Xuất nhập khẩu Quy Hoa, cho biết: Sản phẩm trà hoa vàng của Công ty đã được xếp hạng OCOP 5 sao cấp quốc gia. Có được thành quả đó là nhờ sự hỗ trợ tích cực của tỉnh và sở, ngành, địa phương. Tham gia chương trình OCOP, Công ty nhận được sự hỗ trợ từ xây dựng thương hiệu, ứng dụng KHCN vào sản xuất đến tạo điều kiện tham gia hội chợ trong và ngoài nước. Từ đó không những giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Hội Nông dân tỉnh vừa tổ chức hội nghị tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Trên cơ sở 53 nông sản do các đơn vị đề cử, Hội đồng bình chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh năm 2023 do Hội Nông dân tỉnh chủ trì, đã thực hiện việc đánh giá nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định. Theo đó đã tôn vinh 35 nông sản tiêu biểu thuộc nhóm sản phẩm thực phẩm, đồ uống, nông nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Dược Y Võ (TP Uông Bí), cho biết: Năm 2023 Công ty vinh dự có 2 sản phẩm là Cao Thiên Đông và Cao Lạc Tiên An Thần được vinh danh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Đây là sản phẩm thảo dược được sản xuất từ nguồn nguyên liệu địa phương, xếp hạng OCOP 3 sao và 4 sao của tỉnh, phân phối tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn về chu trình OCOP. Theo đó yêu cầu tất cả các sản phẩm tham gia chu trình OCOP phải có kế hoạch, lộ trình thực hiện chuyển đổi số; đặc biệt là hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội, trang bán hàng điện tử để giới thiệu sản phẩm vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ các trung tâm OCOP. Nhiều đơn vị sản xuất đã tăng cường liên kết với các hộ để mở rộng sản xuất, thu mua nguyên liệu cho người dân...; tiếp tục hoàn thiện điều kiện về tổ chức để tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm.
Hằng năm tỉnh bố trí ít nhất 4% ngân sách chi thường xuyên để ưu tiên phát triển KHCN vào những lĩnh vực trọng tâm, như: Dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại, sản xuất, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin... Qua đó góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP.
Đến nay toàn tỉnh có 336 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt 3-5 sao (245 sản phẩm đạt 3 sao, 87 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 5 sao); có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP (54 doanh nghiệp, 87 HTX, 78 hộ sản xuất). 100% sản phẩm OCOP đạt chuẩn (3-5 sao) đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử.
Vân Anh
- Sản phẩm OCOP sẵn sàng phục vụ thị trường Tết
- Cô Tô: Phát triển thương hiệu OCOP từ thế mạnh địa phương
- Phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP
- Thúc đẩy chuyển đổi số, xúc tiến thương mại số cho các sản phẩm OCOP
- Chắp cánh cho sản phẩm OCOP
- Khơi sức sống mạnh mẽ cho sản phẩm OCOP
- Mở rộng giao thương sản phẩm OCOP
Liên kết website
Ý kiến ()