Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 07:13 (GMT +7)
Khẳng định vai trò làm chủ của nông dân
Thứ 7, 13/07/2024 | 15:47:56 [GMT +7] A A
Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh có sự chuyển dịch rất tích cực. Đóng góp vào thành công này là những người nông dân năng động, sáng tạo, thay đổi tư duy và hành động, thực sự phát huy vai trò người làm chủ kinh tế nông nghiệp bền vững, giá trị cao.
Tại TP Uông Bí, người nông dân ngày càng bắt nhịp với xu hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Không có thế mạnh về diện tích canh tác, chị Nguyễn Thị Mai Phương, trú tại phường Quang Trung chọn cách cải tạo không gian trong nhà mình để làm nơi nuôi cấy và chế biến sản phẩm đông trùng hạ thảo.
Để làm được điều này, chị Mai Phương đã mạnh tay đầu tư hệ thống thiết bị làm lạnh và thiết bị vô trùng hiện đại, đồng thời nhận chuyển giao công nghệ và phôi nấm từ một đơn vị nghiên cứu cấp bộ để về sản xuất trực tiếp. Với sự mạnh dạn và những nỗ lực rất lớn của mình, chị Phương đã cho ra đời hàng chục sản phẩm đông trùng hạ thảo có chất lượng cao. Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của chị Phương được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3-4 sao, giúp chị trở thành một trong những nông dân tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh.
Hiện nay cơ sở nuôi cấy, chế biến đông trùng hạ thảo của Phương đã được mở rộng hơn tại phường Bắc Sơn, TP Uông Bí, tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục lao động. Sản phẩm làm ra của cơ sở đạt số lượng lớn, được thị trường chấp nhận và tin dùng.
Trong bối cảnh đô thị hoá, công nghiệp hoá ngày càng cao, diện tích đất canh tác nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, giống như chị Mai Phương, rất nhiều người nông dân Quảng Ninh đã chọn những mô hình sản xuất nông nghiệp mới mẻ, đòi hỏi có đầu tư sâu vào công nghệ, ứng dụng thiết bị sản xuất tiên tiến, quy trình sản xuất hiện đại. Họ là lứa những nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tạo ra sản phẩm và giá trị cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
Trang trại gà Tân An, TX Quảng Yên lâu nay chuyên về sản phẩm trứng gà Tân An. Chủ cơ sở này là nông dân tiêu biểu Phạm Thị Nguyệt Dung. Đầu năm 2024, từ đàn gà nuôi tại trang trại, chị Dung đã mạnh dạn đưa ra thị trường gà ủ muối hoa tiêu. Cái hay trong sản phẩm gà ủ muối hoa tiêu của chị Dung là hương vị đặc biệt, do được áp dụng công thức chế biến của đầu bếp nổi tiếng trong nước. Cùng với đó là hệ thống thiết bị chế biến gà hiện đại, sạch, đẹp, tự động theo từng khâu. Với sản phẩm mới này, chị Dung tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhiều người dân ở địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trên cơ sở chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh, kể từ năm 2021 đến nay, ngành nông nghiệp Quảng Ninh lần lượt ban hành những chương trình, kế hoạch về phát triển lâm nghiệp bền vững. Bám sát định hướng này, những người nông dân Ba Chẽ đã đi đầu trong việc trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa, trồng rừng lim, giổi, lát đồng thời phát triển kinh tế dưới tán rừng.
Anh Nịnh Văn Năm là một trong những nông dân tiên phong trồng xen cây lim trong diện tích rừng sản xuất của gia đình. Hiện nay những cánh rừng lim xanh xen canh của anh Năm đã bước sang năm thứ 3, cây xanh tốt, phát triển đều, không bị nhiễm sâu bệnh, được coi là của để dành, bởi giá trị của cây lim rất lớn. Cùng với cây lim, anh Năm tiếp tục trồng rừng keo theo hướng chuyển từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Tức là thay vì 5 năm khai thác như trước kia, giờ đây rừng keo của anh được để sang độ tuổi trên 10 năm mới khai thác. Như vậy sản lượng và giá trị gỗ keo tăng rất cao, gấp trên 3 lần so với khai thác rừng gỗ nhỏ.
Nhằm gia tăng giá trị cho rừng, hiện anh Năm trồng xen canh cây dược liệu dưới tán rừng, tạo ra nguồn thu ngắn hạn, lấy đây là nguồn lực để đầu tư cho những mục tiêu dài hạn. Từ rừng, gia đình anh Năm có nhà mới, xe mới, có vốn tích luỹ, đời sống gia đình ổn định, khấm khá.
Cùng với anh Năm, đời sống hàng ngàn nông dân khu vực vùng cao, miền núi, biên giới Quảng Ninh đều khấm khá lên từ rừng. Chính những nông dân gắn bó với rừng đã đưa kinh tế lâm nghiệp Quảng Ninh từng bước phát triển bền vững, đa giá trị, gắn phát triển rừng với bảo vệ môi sinh môi trường, không chỉ thúc đẩy phát triển chung cho toàn ngành nông nghiệp mà còn tạo bệ đỡ cho các ngành kinh tế khác phát triển.
Thực tế nông dân Quảng Ninh đã và đang phát huy khả năng bản thân để làm chủ các mô hình kinh tế nông nghiệp. Họ năng động, sáng tạo, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, biết phát huy lợi thế của địa phương; biết chuyển đổi tư duy sản xuất, theo hướng từ coi trọng sản lượng sang chất lượng; sản xuất những sản phẩm thị trường cần; sản xuất theo hướng liên kết, theo tổ, nhóm thay vì riêng lẻ, cá thể.
Nông dân Quảng Ninh hôm nay tự tin làm chủ những mô hình nông nghiệp hiện đại, hàm lượng khoa học công nghệ cao, những mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ xanh sạch, làm chủ mô hình nông nghiệp đô thị, mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch. Nông sản của người nông dân làm ra trở thành nông sản hàng hóa, có mặt trong các kênh phân phối uy tín, kênh thương mại điện tử, tiến đến những cơ hội xuất khẩu nước ngoài.
Việt Hoa
- Duy trì đà tăng trưởng ngành nông nghiệp
- Địa phương có được ban hành hướng dẫn cải tạo, khai hoang đất nông nghiệp?
- Đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp
- Phát triển nông nghiệp bền vững
- Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp
- Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch
- Khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp
Liên kết website
Ý kiến ()