Người bệnh đái tháo đường nên ăn 300-400 gram rau mỗi ngày, chọn trái cây ít ngọt để hạn chế tăng đường huyết, cung cấp vitamin và khoáng chất.
Theo BS.CKI Đào Thị Yến Thủy, khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, ngoài các thực phẩm giàu bột đường, giàu đạm, chất béo trong bữa ăn chính thì người trưởng thành cần ăn khoảng 300 gram rau và 200 gram trái cây mỗi ngày. Riêng người bệnh đái tháo đường nên ăn nhiều hơn lượng rau đã khuyến cáo là 300-400 gram, trái cây chọn loại ít ngọt. Chất xơ trong rau và trái cây có thể giúp kiểm soát đường huyết.
Chọn trái cây dựa vào chỉ số đường huyết
Với bệnh nhân đái tháo đường, cách chọn trái cây, các loại thực phẩm giàu carb an toàn và phù hợp là kiểm tra chỉ số đường huyết (GI) của thực phẩm. Đây là chỉ số đánh giá khả năng thực phẩm làm tăng đường huyết khi ăn vào cơ thể, trên thang điểm từ một (làm tăng đường huyết rất ít) đến 100 (làm tăng đường huyết cao và nhanh như uống đường glucose). Nhóm thực phẩm có chỉ số GI cao được xác định là trên 70, người bệnh đái tháo đường cần hạn chế ăn nhóm thực phẩm này, chỉ nên ăn số lượng ít và thỉnh thoảng.
Một số loại trái cây có mức độ GI thấp (20-49) như táo, bơ, cherry, bưởi, đào, lê, mận, dâu tây... Mức độ GI trung bình (50-69) như quả sung, nho, trái kiwi, xoài, cam, nho khô, chuối có vỏ còn xanh...
Bác sĩ Yến Thủy cho biết, người bị đái tháo đường không cần kiêng ăn trái cây, vì chúng đóng vai trò quan trọng của chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, là nguồn cung cấp vitamin C chủ yếu cho cơ thể. Nhóm trái cây có chỉ số GI cao như chuối quá chín, dưa hấu, trái thơm, chà là khô... vẫn có thể sử dụng cho người bệnh đái tháo đường nhưng cũng nên hạn chế hoặc ăn ở mức vừa phải. Trái cây đã qua chế biến, đóng hộp, sấy khô có thêm đường cũng nên tránh sử dụng.
Người mắc bệnh đái tháo đường cần tuân theo chế độ ăn vừa đủ carb nhằm kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Theo bác sĩ Yến Thủy, nhóm trái cây dù có hàm lượng carb cao vẫn có ít carb hơn các loại đồ ăn nhẹ. Ví dụ như, một quả chuối già 150 gram chứa khoảng 30 gram carbohydrate nhưng một cái bánh muffin socola chứa khoảng 55 gram. Do đó, người mắc bệnh đái tháo đường nên hạn chế các loại thực phẩm giàu carb khác trước khi cắt giảm nhóm trái cây nhiều carb.
Trái cây và rau nên chiếm 50% trong bữa ăn
Các khuyến cáo về "đĩa thức ăn" cho mỗi bữa ăn của người lớn là 25% thực phẩm giàu bột đường, 25% thực phẩm giàu đạm, 50% là rau và trái cây. Như vậy trong mỗi bữa ăn chính, người bệnh đái tháo đường nên có ít nhất một chén rau (không tính nước) và một phần trái cây hoặc phần trái cây này được dời vào bữa phụ. Phần tinh bột nên chọn loại có nhiều chất xơ như cơm gạo lứt nâu (không phải gạo lứt huyết rồng), mì sợi to, bánh mì nguyên hạt, các loại đậu (đậu đỏ, đậu đen), khoai, bắp... Trong mỗi bữa ăn cũng nên có chất béo lành mạnh như dầu ôliu, dầu mè, mỡ cá... để tạo cảm giác no và tăng cường hấp thụ vitamin A, D, E, K.
Người bệnh có thể lựa chọn nhóm trái cây ít tinh bột, chứa khoảng 15 gram bột đường cho mỗi suất thực phẩm. Các suất trái cây tương đương nhau nên ăn vào các bữa xế hoặc sau bữa ăn chính, 0,5-1 suất mỗi lần ăn, không ăn quá hai suất trong ngày. Người bệnh có thể lựa chọn một trong những khẩu phần như: bốn múi bưởi (200 gram), hai trái quýt (200 gram), nửa trái táo tây (150 gram), bốn trái mận (400 gram), nửa trái thanh long (200 gram), một trái chuối (100 gram).
Trái cây đã qua chế biến như nước ép trái cây thì khẩu phần là nửa ly. Khẩu phần trái cây khô như nho khô, anh đào... là hai muỗng canh. Với nhóm rau, bác sĩ Yến Thủy khuyên người bệnh đái tháo đường nên chọn đa dạng, chứa ít tinh bột và không ảnh hưởng nhiều lên đường huyết. Nhóm thực phẩm chứa nhiều chất xơ này giúp giảm hấp thu nhanh đường vào máu sau ăn. Vì vậy, người bệnh nên ăn nhiều rau hơn, từ hai loại rau trở lên cho bữa ăn chính và có thể dùng thêm vào bữa xế. Nhóm thịt cá, tôm, trứng... cung cấp chủ yếu là đạm không ảnh hưởng nhiều lên đường huyết sau ăn và cũng giúp người bệnh no lâu hơn so với bữa ăn không có thịt cá.
Các suất thực phẩm có lượng đạm tương đương nhau thì người bệnh nên ăn 1-1,5 suất trong bữa ăn chính (50-75 gram), có thể là 50 gram thịt nạc, 60 gram cá nục (một khúc), một bìa đậu hũ 90 gram hay một quả trứng gà.
Nhóm dầu mỡ và các hạt giàu chất béo, chứa nhiều năng lượng và không ảnh hưởng trực tiếp lên đường huyết sau ăn có thể giúp tăng cân ở người gầy nhưng có liên quan đến chất béo bão hòa - yếu tố nguy cơ về bệnh tim mạch. Do đó, người bệnh chỉ nên ăn với số lượng vừa đủ, 1-2 suất cho mỗi bữa ăn chính (5-10 gram) và tránh ăn thêm vào các bữa ăn xế.
Người bệnh nên sử dụng những loại dầu thực vật hoặc các loại hạt giàu béo như ôliu, đậu phộng, hạt óc chó, hạt hạnh nhân, hạt điều, hạt mè... Chúng sẽ có lợi hơn cho sức khỏe vì các thực phẩm này đa số chứa thành phần chất béo tốt (omega 6, 9) và không có cholesterol.
Những người mắc bệnh đái tháo đường nên có chế độ ăn uống cân bằng để cung cấp đủ năng lượng và duy trì cân nặng hợp lý. Trái cây cũng có thể thay thế cho kẹo (với những người thích ăn kẹo ngọt) và các loại thực phẩm khác có giá trị dinh dưỡng thấp. Hầu hết các loại trái cây đều có nhiều chất dinh dưỡng, ít chất béo và natri.
Trái cây cũng chứa các chất dinh dưỡng mà các loại thực phẩm khác không có. Chuối chứa kali và tryptophan - một axit amin quan trọng. Trái cây họ cam quýt, chẳng hạn như cam và bưởi rất giàu vitamin A và C, là những chất chống oxy hóa mạnh.
Bác sĩ Yến Thủy lưu ý thêm, trái cây vẫn là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh vì đóng góp các chất dinh dưỡng quan trọng. Do đó, lời khuyên vẫn là người đái tháo đường nên cắt giảm các loại thực phẩm có đường khác trước khi giảm lượng trái cây tiêu thụ.
Ý kiến ()