Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:36 (GMT +7)
Chào mừng ngày KH&CN Việt Nam 18/5: KHCN và đổi mới sáng tạo - Đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển KT-XH
Thứ 2, 16/05/2022 | 13:36:32 [GMT +7] A A
Ngày 18/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật KH&CN được thông qua, thống nhất chọn ngày 18/5 hằng năm là Ngày KH&CN Việt Nam. Đây là ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy ứng dụng KHCN vào sản xuất. Chủ đề Ngày KH&CN Việt Nam năm 2022 là “KHCN và đổi mới sáng tạo - Đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển KT-XH”. Liên quan đến chủ đề này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Đài, Giám đốc Sở KH&CN.
- Xin ông cho biết về ý nghĩa của chủ đề Ngày KH&CN Việt Nam năm nay?
+ Ngày KH&CN Việt Nam năm 2022 được Bộ KH&CN thống nhất chủ đề là “KHCN và đổi mới sáng tạo - Đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển KT-XH”. Có thể khẳng định, chủ đề này rất thích hợp với bối cảnh chung của nước ta hiện nay, khi đại dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát và đang tập trung cho việc phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển KT-XH.
Không chỉ là dịp để tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KHCN; tuyên truyền cơ chế, chính sách nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KHCN, mà thông qua sự kiện này tạo khí thế thi đua lao động sáng tạo sôi nổi, khơi dậy những ý tưởng, sự sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh hoạt động ứng dụng KHCN vào phục vụ phát triển KT-XH.
Tại Quảng Ninh, chủ trương gia tăng hàm lượng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng đang được tỉnh tập trung, nhằm tạo sức bật cho nền kinh tế nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung sau đại dịch Covid-19.
- Thời gian qua, tỉnh đã có những chương trình, giải pháp nào để thúc đẩy hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực, thưa ông?
+ Không chỉ 2 năm xảy ra đại dịch, từ trước đến nay Quảng Ninh luôn coi KHCN là động lực để dẫn dắt KT-XH phát triển bền vững. Từ quan điểm này, 2 nhiệm kỳ gần đây tỉnh đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU năm 2012 và Nghị quyết 07-NQ/TU năm 2017 về phát triển KHCN đến năm 2020, cùng với đó là nhiều kế hoạch, chương trình, đề án liên quan. Nhờ đó, hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của tỉnh đã có những dấu ấn nhất định, từ y tế, giáo dục, cải cách hành chính, nông nghiệp, kinh tế, quốc phòng, an ninh…
Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại vào hoạt động, qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh. Từ chỗ chỉ sản xuất manh mún đến nay, hàm lượng KHCN trong hoạt động lao động, sản xuất ngày càng gia tăng. Theo ước tính, đến nay, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt 45,24% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, gần đây, tỉnh đang đẩy mạnh mục tiêu chuyển đổi số, hướng tới phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xã hội số.
Cũng từ các chủ trương này, nhiều công nghệ tiến bộ đã được triển khai, áp dụng, mang lại những khởi sắc ban đầu tại các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, y tế, an ninh, trật tự… Minh chứng rõ nét nhất là những người nông dân lao động của Quảng Ninh cũng đang thích nghi dần với việc áp dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh, đem lại năng suất lớn, giá trị cao cho cây trồng, vật nuôi và thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số cũng chính là tiền đề quan trọng để các ngành, lĩnh vực bắt nhịp nhanh, kịp thời với xu thế phát triển 4.0 của thế giới, tạo ra các giá trị tăng trưởng mới.
- Với vai trò là cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực quản lý hoạt động KHCN, Sở KH&CN sẽ có những tham mưu, giải pháp như thế nào để thúc đẩy hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo tại tỉnh, thưa ông?
+ Sở KH&CN hiện đang tham mưu cho UBND tỉnh, trình Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu nghị quyết hướng đến là tiếp tục phát triển mạnh mẽ KHCN và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững, kết hợp với hợp tác, hội nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong đó có 4 nhóm giải pháp sẽ được đẩy mạnh trong giai đoạn tới để tăng cường hơn nữa vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo trong phát triển KT-XH.
Thứ nhất là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội về KHCN và đổi mới sáng tạo. Gắn nhiệm vụ phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, của các ngành, đơn vị. Từ đó, tăng cường tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò, trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào phát triển KT-XH; hoàn thiện các quy định quản lý về KHCN đảm bảo thông thoáng, dễ tiếp cận.
Thứ hai là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo trong phát triển KT-XH. Thúc đẩy phong trào thi đua sáng tạo, ứng dụng KHCN, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong các lĩnh vực.
Thứ ba là huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, phấn đấu tỷ trọng chi cho nghiên cứu khoa học không dưới 1% GRDP. Phát huy tối đa nguồn vốn đầu tư cho KHCN của các doanh nghiệp, cá nhân, trong đó, sử dụng vốn ngân sách như là vốn mồi để kích cầu doanh nghiệp đầu tư cho KHCN; quan tâm đầu tư để tăng cường tiềm lực KHCN cho các cơ quan quản lý nhà nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển KHCN, tăng quy mô nguồn quỹ, mở rộng phạm vi, đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là đổi mới cơ chế quản lý, ưu tiên các lĩnh vực chế biến, chế tạo, kinh tế biển, nông nghiệp, y tế, giáo dục, dịch vụ, du lịch…
Cuối cùng là đẩy mạnh hợp tác, mở rộng hội nhập quốc tế về KHCN và đổi mới sáng tạo.
Ngoài các giải pháp chính, thời gian tới Sở KH&CN cũng sẽ tham mưu cho tỉnh chú trọng hơn đến phát triển nguồn nhân lực KHCN theo chiến lược đào tạo tại chỗ, nhập cư lao động và hợp tác chuyên gia. Cùng với đó là phát triển hạ tầng KHCN đảm bảo đồng bộ, thông suốt; tiếp tục làm tốt công tác quản lý nhà nước về KHCN, nhất là kiểm soát chặt chẽ việc chuyển giao, đầu tư công nghệ, kiên quyết không chấp thuận các công nghệ cũ, lạc hậu. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, tạo môi trường để khích lệ, thu hút người dân, cộng đồng doanh nghiệp tham gia mạnh dạn hơn nữa trong lĩnh vực này.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nguyên Ngọc (T/h)
Liên kết website
Ý kiến ()