Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 13:23 (GMT +7)
Kịp thời có những chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển KT-XH
Thứ 4, 11/05/2022 | 17:09:37 [GMT +7] A A
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phòng, chống dịch COVID-19; điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ...
Sáng 11/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Phiên họp thứ 11, với sự sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày và cho ý kiến về các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra do Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính-Ngân sách chủ trì, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc cập nhật, bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021. Trong đó, đặc biệt lưu ý về những thay đổi trong nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu đạt được so với Báo cáo của Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đánh giá rõ chất lượng công tác dự báo, phân tích, đánh giá dự báo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan. Việc xem xét, đánh giá cần đặt năm 2021 trong bối cảnh là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm…
Những thay đổi tích cực
Theo báo cáo của Chính phủ, so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều chỉ tiêu sau khi đánh giá bổ sung đã đạt được kết quả tích cực hơn, tuy nhiên một số chỉ tiêu không đạt được như mức đã dự kiến.
Những thay đổi tích cực như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2021 chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 (số đã báo cáo Quốc hội là dưới 4%); thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 1.568.400 tỷ đồng, tăng 202.900 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; bội chi ngân sách Nhà nước thấp hơn dự toán là 4%; xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD (số đã báo cáo là nhập siêu khoảng 2 tỷ USD); thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao 25,2%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng đạt cao hơn mức đã báo cáo.
Một số chỉ tiêu không đạt được mức dự kiến đã báo cáo Quốc hội như có 5/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra (số đã báo cáo Quốc hội là 4 chỉ tiêu) do có thêm chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71%, thấp hơn mục tiêu đề ra (4,8%). Năng suất lao động đạt thấp do tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt 2,58%, thấp hơn mức phấn đấu đã báo cáo Quốc hội (3-3,5%).
Về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai để bảo đảm nguồn cung, ổn định giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá…
Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đây là nền tảng để triển khai hiệu quả lộ trình mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ giữa tháng 3/2022, mở cửa trường học, dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật…
Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội tháng Tư và 4 tháng/2022 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, GDP quý 1 ước tăng 5,03% so với cùng kỳ.
Kịp thời có những chính sách hỗ trợ, phục hồi, phát triển
Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và trong các tháng đầu năm 2022. Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm phân tích, đánh giá, làm rõ.
Việc thực hiện, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm. Chỉ số CPI 4 tháng tăng 2,1%, không cao hơn so với cùng kỳ các năm 2018-2020; trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao kỷ lục, cầu trong nước có xu hướng hồi phục sẽ gây sức ép lớn đến lạm phát.
Tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm đạt 18,48%, tương đương cùng kỳ năm 2021, trong đó 17 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm giải ngân; lưu ý năm 2022, nhiệm vụ giải ngân là rất nặng nề, đề nghị báo cáo rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn, hoàn thành kế hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng thị trường chứng khoán đã xuất hiện hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm. Số lượng lớn các nhà đầu tư mới không chuyên tham gia thị trường nhưng thiếu kiến thức về tài chính hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định.
Ủy ban Kinh tế đề nghị cần báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi. Hiện tượng môi giới bất động sản, liên kết làm giá, gây sốt đất, làm bất ổn thị trường. Việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát cho ngân sách nhà nước. Hiệu quả sử dụng đất của các dự án. Ủy ban Kinh tế đồng thời đề nghị cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các giao dịch bất động sản chưa đạt chuẩn; có giải pháp phù hợp để xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế.
Liên quan đến kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2021 vượt khá cao so với dự toán (tăng 16,8%), song cũng cần lưu ý đến công tác dự báo kết quả thu ngân sách Nhà nước năm 2021 phục vụ việc lập dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 chưa sát thực tiễn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường, tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn hạn chế: nguồn vốn chưa đi vào thực tế; chưa phân bổ vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Việc thực hiện điều hòa nguồn vốn giữa các dự án chậm. Các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá, tình hình chính trị, kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, dịch bệnh kéo dài, giá dầu và lạm phát tăng cao. Các ngành kinh tế lớn đang thu hẹp quy mô, điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại… Trong nước cũng có nhiều khó khăn, thách thức nhưng Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời có những chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, dịch bệnh được kiểm soát.
Các ngành kinh tế thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, dần dần vào quỹ đạo phục hồi. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đang tăng trưởng trở lại. Hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người dân, các mặt kinh tế-xã hội cơ bản ổn định trong trạng thái bình thường.
Quý 1/2022, GDP ước tăng 5,03%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối được đảm bảo, thu ngân sách tăng, các chính sách an sinh xã hội được triển khai, lao động có việc làm, công tác kiểm soát dịch COVID-19, tiêm vaccine phòng COVID-19 được triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ bùng phát dịch, các biến chủng mới còn hiện hữu, giá dầu tăng cao tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu…
Một số vấn đề về văn hóa, giáo dục, trẻ em… còn bất cập, giải ngân vốn đầu tư công vẫn trì trệ, các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ để thực hiện chính sách tài khóa tiền tệ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội triển khai chậm…
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, dự báo từ nay đến cuối năm 2022, kinh tế-xã hội còn gặp nhiều thách thức, nhất là để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đầu năm cộng với tác động của chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội thì mục tiêu GDP đạt khoảng từ 8-8,5%. Đây là một thách thức rất lớn…
Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phòng, chống dịch COVID-19, bao phủ tiêm vaccine phù hợp, nâng cao năng lực phòng, chống dịch, điều trị bệnh, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ việc mua, sử dụng thuốc, vật tư y tế cho phòng, chống dịch; điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác, bám sát diễn biến dịch COVID-19, tình hình thế giới…, kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay ở mức hợp lý, quản lý nợ xấu, có giải pháp căn cơ, bền vững, hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản cùng với giải pháp ổn định, phục hồi niềm tin của nhà đầu tư, có chính sách bảo đảm cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa, nhất là điện, than, xăng, dầu, vật tư nông nghiệp…
Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện chương trình xây dựng pháp luật, tập trung vào một số luật quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các ý kiến thẩm tra… hoàn thiện báo cáo gửi Quốc hội, cơ quan thẩm tra. Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính-Ngân sách thẩm tra chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV…/.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()