Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:22 (GMT +7)
Khi dân bản làm du lịch
Thứ 2, 29/04/2024 | 09:53:29 [GMT +7] A A
Hình ảnh nông dân vùng cao chân chất, gắn bó với nương rẫy, ruộng vườn, tự tin và chuyên nghiệp làm du lịch đã trở nên quen thuộc với du khách. Khó khăn nhiều, thử thách không ít, nhưng bằng tình yêu, tâm huyết, mong muốn được giới thiệu, lan tỏa những giá trị, vẻ đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, họ đã mang đến “làn gió mới” cho phát triển du lịch bền vững, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Người tiên phong ở thôn Khe Phương
Sau 2 năm đi vào hoạt động, khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp farm (thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long) luôn thu hút du khách bởi không khí mát lành, êm ả giữa những thanh âm núi rừng đặc trưng của miền sơn cước. Vốn là địa bàn khó khăn, xa xôi nhất của Hạ Long, 100% người dân tộc Dao sinh sống, nhưng chỉ khoảng hơn 2 năm trở lại đây, Khe Phương, Kỳ Thượng trở thành điểm đến du lịch khám phá thiên nhiên, văn hóa độc đáo, hấp dẫn.
Bên ngôi nhà cộng đồng của khu du lịch với thiết kế nhà sàn cách điệu dựa theo kiến trúc của người Dao bản địa, chúng tôi lắng nghe câu chuyện của anh Lý Tài Ngân (SN 1986), Giám đốc Công ty CP Am Váp farm, về hành trình cùng người dân Khe Phương làm du lịch.
Xác định tạo một mô hình du lịch cộng đồng đúng nghĩa là phải gắn với bảo tồn văn hóa, phát huy vai trò chủ thể của người dân bản địa, để chính người dân tham gia, thụ hưởng từ hoạt động du lịch, anh Ngân hiểu rõ cái khó là làm sao có thể thuyết phục bà con, những người cả đời gắn bó với nương rẫy.
“Có lẽ ít ai hiểu được văn hóa và đời sống cộng đồng bằng chính các thành viên đang sinh sống trong cộng đồng ấy. May mắn là một người con của thôn bản, "bén duyên" với du lịch sớm hơn, được học hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng, nên tôi kiên trì tuyên truyền, vận động, “cầm tay chỉ việc” cho bà con. Mưa dầm thấm lâu, bà con thấy được hiệu quả việc mình làm cũng tự nguyện học theo, làm theo” - Anh Ngân chia sẻ.
Đó cũng chính là động lực để Khe Phương đổi thay từng ngày, khoác lên mình màu áo mới đẹp đẽ hài hòa giữa bản sắc văn hóa vẹn nguyên và phong cách du lịch hiện đại, chuyên nghiệp. Tại Am Váp farm, 100% nhân viên phục vụ là người dân bản địa. Trong bộ trang phục truyền thống của đồng bào Dao ai cũng tự tin, mạnh dạn, niềm nở đón chào, giới thiệu với du khách về văn hóa bản địa, nghề thêu thổ cẩm truyền thống, những bài thuốc lá Dao tốt cho sức khỏe... Ẩm thực phục vụ du khách là nông sản địa phương mùa nào thức nấy, như gà bản, ếch đồng, khoai sọ nương, rau cải được bà con nuôi trồng, chăm sóc quanh năm.
Những người dân thôn từ người già đến trẻ nhỏ chưa từng nghĩ đến một ngày rừng trúc, nhà cổ, dòng suối ven rừng dung dị quen thuộc nay trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, được nhiều du khách yêu thích đến thế. Vì vậy giờ đây hộ dân nào cũng chú ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ từ nhà ra ngõ để đón du khách vào thăm bất cứ lúc nào. Du lịch đã mang đến “làn gió mới”, sức sống mới cho thôn bản vùng cao, song điều anh Ngân tâm đắc hơn là sự thay đổi trong tư duy của người dân, là ý chí vươn lên tạo dựng cuộc sống thêm tươi đẹp, ấm no.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Tiền làm nhà đón khách
Với những người yêu du lịch, nhất là ưa thích khám phá, trải nghiệm, thì Bình Liêu là điểm đến không thể bỏ lỡ. Lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ đã được người dân huyện từng bước khai thác hiệu quả để phát triển du lịch.
Từ một thôn biên giới xa xôi, cách thị trấn Bình Liêu hơn 30km, Khe Tiền (xã Đồng Văn) như “nàng công chúa ngủ say" của núi rừng nay được đánh thức. Không gian thiên nhiên khoáng đạt, thơ mộng, yên bình với bốn mùa mây phủ mơ màng, hương quế, hương hồi thoang thoảng, khiến du khách muốn khám phá, tận hưởng.
Thấy được những lợi thế nay, anh Dường Phúc Thím, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Tiền, đã sớm làm du lịch. Anh xây dựng điểm đón du khách dừng chân, vui chơi, ngắm cảnh, thưởng thức đặc sản ẩm thực địa phương. Anh lắp đặt mạng wifi, sử dụng mạng xã hội để giới thiệu, lan tỏa cảnh đẹp bản làng, dịch vụ du lịch của gia đình. Nhờ đó ngày càng có nhiều khách biết, tìm đến Khe Tiền, Đồng Văn. Từ cuối năm 2023 anh Thím xây dựng điểm lưu trú để giữ chân du khách lâu hơn khi đến Khe Tiền.
Đau đáu với suy nghĩ cần bảo tồn những ngôi nhà trình tường của người Dao trong phát triển du lịch, anh Thím cải tạo vật liệu xây nhà để giữ được ưu điểm của phương pháp làm nhà cũ, đồng thời có độ bền, khả năng chống chịu thời tiết tốt hơn. Được sự hỗ trợ của Công ty TNHH du lịch Anytrails, anh Thím cùng bà con thôn bản đang xây dựng 2 căn homestay nhà trình tường đầu tiên bằng công nghệ mới.
Anh Thím chia sẻ: "Du khách đến Bình Liêu bởi yêu nét đẹp văn hóa của đồng bào nơi đây. Vì vậy tôi muốn homestay của mình phải mang dấu ấn, thật sự như ngôi nhà truyền thống ấm cúng của người Dao, tạo không gian cho du khách trải nghiệm văn hóa bản địa. Đây cũng là nỗ lực tâm huyết của tôi để cùng địa phương chung tay bảo tồn những ngôi nhà cổ, xây dựng những bản văn hóa của đồng bào Tày, Dao, Sán Chỉ phục vụ phát triển du lịch".
Mỗi người một cách nghĩ, cách làm, mô hình quy mô to, nhỏ khác nhau, những người như anh Ngân, anh Thím đang trở thành người tiên phong trong phát triển du lịch, với quyết tâm thay đổi cuộc sống của gia đình, bản làng, để sắc màu của no ấm, hạnh phúc luôn lấp lánh, hiện hữu tựa như sắc hoa thắm, sắc xanh bạt ngàn của núi rừng vùng cao.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()