Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 10:42 (GMT +7)
Khi doanh nghiệp cùng người dân vào cuộc
Chủ nhật, 13/09/2020 | 07:24:05 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có rất nhiều công trình thiết chế văn hoá, thể thao đã được đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đầu tư của ngân sách nhà nước, có sự chung tay, vào cuộc của rất nhiều doanh nghiệp và người dân.
Theo thống kê của Sở Văn hoá – Thể thao, tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 58/177 (32,7%) xã, phường, thị trấn; 1.530/1.543 (99,1%) thôn, bản, khu phố có nhà văn hoá, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hoá, văn nghệ, thể thao của nhân dân.
Trong số các nhà văn hoá xã trên địa bàn tỉnh, có những nhà văn hoá được đầu tư quy mô, hiện đại như: Nhà văn hoá xã Đại Dực (Tiên Yên), Nhà văn hoá xã Lục Hồn (Bình Liêu), Nhà văn hoá xã Bằng Cả (TP Hạ Long)… Toàn tỉnh hiện có gần 100 sân vận động, nhà thi đấu đa năng, hàng trăm sân bóng đá, sân quần vợt, hàng nghìn sân bóng chuyền và sân cầu lông... phát huy vai trò, hoạt động hiệu quả.
Có được kết quả đó, ngoài sự quan tâm, đầu tư từ nguồn vốn ngân sách của Trung ương, của tỉnh còn có sự chung tay hỗ trợ kinh phí của rất nhiều doanh nghiệp; đóng góp hàng vạn ngày công của người dân. Tính ra, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các doanh nghiệp, tiêu biểu như: Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và các đơn vị trực thuộc, Tổng Công ty Đông Bắc, các đơn vị lực lượng vũ trang đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng để xây mới, sửa chữa các nhà văn hoá, trang sắm thiết bị, các công trình phụ trợ, các khu vui chơi thể thao cho thanh thiếu nhi.
Bên cạnh hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp cũng đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng các công trình văn hoá, thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt của công nhân và nhân dân địa phương nơi đứng chân và phục vụ khách du lịch. Nhiều công trình đạt đẳng cấp trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn như Tổ hợp Vui chơi giải trí Sun World Halong Park gồm công viên nước, cáp treo Nữ hoàng, vòng quay Mặt trời do Tập đoàn Sun Group đầu tư, sân golf của Tập đoàn FLC, Công viên nước Hà Lan của Công ty TNHH Hà Lan, Khu vui chơi Quảng Ninh Gate của Tập đoàn Hoàng Hà.
Ngoài ra còn phải kể đến rất nhiều nhà văn hoá, thể thao đa năng của các đơn vị ngành than như Núi Béo, Hà Tu, Vàng Danh, Cửa Ông; các sân cỏ nhân tạo, phòng tập thể thao của các doanh nghiệp, cơ sở đầu tư ở khắp các địa phương.
Cùng với đóng góp, đầu tư của các doanh nghiệp, người dân Quảng Ninh cùng chung tay vào cuộc mạnh mẽ. Ngoài đóng góp ngày công, hiến đất, dịch tường rào để xây nhà văn hoá, khu vui chơi thể thao cộng đồng, nhiều người dân còn tự đầu tư xây dựng các bảo tàng tư nhân, sân chơi thể thao cho cộng đồng.
Cụ Phạm Văn Tuyển (đã mất tháng 8/2020) ở phường Cẩm Thành (Cẩm Phả) đã tự đầu tư xây dựng câu lạc bộ thể thao “tại gia” đào tạo nên nhiều vận động viên cờ làm rạng danh Đất mỏ. Cụ còn lập thư viện phục vụ nhu cầu đọc sách cho nhân dân, nhất là các cháu học sinh.
Ông Đặng Quốc Biên, ở khu 1, phường Yên Thanh (Uông Bí) đã bỏ công sưu tầm trên 300 nông cụ, thành lập phòng trưng bày tại nhà để giúp mọi người có cơ hội hiểu về nghề nông truyền thống của cha ông.
Tại thôn 1, xã Sông Khoai (TX Quảng Yên), ông Lại Minh Yến – một người dân của thôn đã hiến gần 400m2 đất sản xuất của gia đình cho thôn làm mặt bằng xây dựng nhà văn hoá. Nhà văn hoá khánh thành, trị giá 800 triệu đồng, trong đó người dân trong thôn đóng góp 300 triệu đồng.
Còn rất nhiều những tấm gương, những việc làm tiêu biểu như vậy tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Hiệu quả của việc huy động các nguồn lực đầu tư thiết chế văn hoá, thể thao trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh những năm qua đã thấy rõ. Qua đó đã mang đến những chuyển biến tích cực trong nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt văn hoá, tinh thần, rèn luyện thể dục, thể thao của người dân và du khách. Đó là cơ sở để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nâng cao các giá trị văn hoá, thể chất, nguồn lực con người để xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp, ngày càng phát triển.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()