Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 19:17 (GMT +7)
Khi trẻ là trung tâm
Thứ 4, 22/02/2023 | 08:28:47 [GMT +7] A A
Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, chất lượng chăm sóc, giáo dục ở bậc mầm non tại nhiều địa phương của Quảng Ninh đã có sự chuyển biến tích cực. Một số trường còn đẩy mạnh xã hội hóa để vận động sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Ghi nhận tại Trường Mầm non Đường Hoa (xã Đường Hoa, huyện Hải Hà), phóng viên nhận thấy từ khi thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, môi trường giáo dục tại đây có nhiều đổi thay. Các phòng học đều được cô giáo bày trí đẹp mắt, gọn gàng, thân thiện với học sinh. Ở ngoài sân trường được sắp xếp thành các góc để trẻ trải nghiệm, hoạt động và chơi bằng những nguyên vật liệu địa phương. Cô giáo Đinh Thị Lan, giáo viên dạy lớp 5 tuổi, Trường Mầm non Đường Hoa, chia sẻ: Bên cạnh các đồ chơi được trang cấp, chúng tôi còn tự làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Vật liệu chúng tôi sử dụng rất dễ kiếm, dễ tìm và có sẵn ở địa phương như lá mít, nắp chai, viên đá, sỏi, hộp xốp...
Tại Trường Mầm non Phong Dụ (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên), chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” được nhà trường thực hiện mềm dẻo. Từ thiết kế bài dạy, đến tổ chức các hoạt động học và chơi, giáo viên chủ yếu đóng vai trò là người hướng dẫn, tổ chức, giám sát và giúp đỡ; trẻ được thực hành, trải nghiệm để phát triển cá nhân. Các tiết học của trẻ hiện nay được xây dựng sáng tạo, linh hoạt, chủ động, tạo hứng thú cho trẻ khi đến trường, đến lớp.
Cô giáo Sầm Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phong Dụ cho biết: Những đổi mới trong tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm của nhà trường đã giúp trẻ sớm hình thành các kỹ năng cần thiết như tự phục vụ, tự bảo vệ, giao tiếp xã hội... để trẻ có được hành trang cần thiết khi chuẩn bị bước vào lớp 1, giúp trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý một cách nhẹ nhàng.
Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 224 trường mầm non (192 trường công lập, 32 trường tư thục) và 371 nhóm lớp độc lập tư thục; huy động được 78.446 trẻ em mầm non đến lớp. Từ chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, các trường mầm non đã được xây dựng theo hướng chuẩn hóa, xanh, sạch, đẹp, an toàn, đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Đa số trường còn có khu phát triển thể chất ngoài trời, khu chơi với cát, nước, vườn cổ tích, quy hoạch vườn trồng rau phù hợp với thực tế.
Đến nay, tỷ lệ trường mầm non của Quảng Ninh đạt chuẩn quốc gia là 85,3%; 95% nhóm, lớp có đủ công trình vệ sinh đảm bảo yêu cầu; 85% sân chơi có đồ chơi ngoài trời theo đúng quy định; tỷ lệ trường học kiên cố đạt 94,6%; 100% lớp 5 tuổi và 85% nhóm, lớp dưới 5 tuổi có đủ đồ dùng, đồ chơi theo quy định. 100% cơ sở giáo dục mầm non thường xuyên ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Lương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Sơn (phường Kim Sơn, TX Đông Triều) cho biết: Với tiêu chí lấy trẻ làm trung tâm, các cô giáo của nhà trường phát huy tối đa những sản phẩm, đồ dùng sẵn có ở địa phương, hoặc hướng dẫn trẻ tự làm đồ chơi, để trẻ học dưới hình thức chơi, học bằng trải nghiệm. Giáo viên chuẩn bị bài học tuy có vất vả hơn, công phu hơn nhưng hiệu quả mang lại cao hơn, trẻ học vui hơn.
Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đã có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm cho tất cả trẻ mầm non đều được tiếp cận với môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. Trẻ được học thông qua chơi, thực hành, trải nghiệm giúp trẻ hình thành, phát triển các kỹ năng cần thiết phù hợp với lứa tuổi, cần thiết trong cuộc sống.
Theo Quyết định số 1609/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/12/2022 phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030”, mục tiêu đến năm 2030 là cả nước có ít nhất 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non. Trong đó có ít nhất 80% các tỉnh tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.
Chương trình cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non của các địa phương; bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới và phòng học mới do tăng quy mô...
|
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()