Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 13:03 (GMT +7)
Khởi nghiệp từ sản phẩm len móc thủ công xuất khẩu
Chủ nhật, 30/06/2024 | 19:03:18 [GMT +7] A A
Quyết định rời bỏ nghề giáo viên, Đỗ Thùy Linh (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) dồn hết đam mê, tâm sức vào nghề móc len thủ công mỹ nghệ và tìm được hướng đi xuất khẩu, đem lại niềm vui cho mình và nhiều người yếu thế ở địa phương.
Tìm lối đi riêng
Trung tuần tháng 5/2024, tình cờ tôi phát hiện ra những sản phẩm móc len tinh xảo khi tham gia Phiên chợ ký ức, trưng bày các sản phẩm gợi nhớ về thời bao cấp khó khăn và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của tỉnh ở khuôn viên Bảo tàng Quảng Ninh dịp cuối tuần.
Khi tôi tò mò hỏi về những sản phẩm thủ công đẹp mắt này, anh Lê Minh Thứ, Chánh văn phòng Hội Cổ vật tỉnh, tác giả của Phiên chợ ký ức, bảo: Đây là những sản phẩm len móc thủ công xuất khẩu Châu Âu. Đặc biệt không kém là sản phẩm do những thợ móc len vốn là người yếu thế, như người khuyết tật, già cả làm ra. Họ muốn giới thiệu, quảng bá tới du khách quốc tế khi tới thăm Bảo tàng.
Muốn "mục sở thị" những sản phẩm này, tôi mày mò lên xưởng sản xuất. Phải mất khá nhiều thời gian, chúng tôi mới tới được xưởng sản xuất của đơn vị ở thôn Đồng Chanh, xã Thượng Yên Công. Xưởng sản xuất nằm gọn trong một căn nhà rộng chừng 50-60m2. Chủ nhân của những sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt này là Đỗ Thùy Linh (SN 1993), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại L&T Crochet.
Linh có gương mặt sáng, thông minh, lanh lợi. Vừa ngồi máy tính thiết kế mẫu, nghiên cứu công thức móc len cho từng sản phẩm, Linh vừa tâm sự: Em tới với nghề hết sức tình cờ. Sau khi rời ghế giảng đường Đại học Sư phạm, em gắn bó với việc dạy Tiếng Anh ở ngôi trường THCS tại Thượng Yên Công. Nhiệt huyết và tình yêu nghề của cô giáo mới đôi mươi dồn hết vào mỗi tiết học nên ngoài trau dồi kiến thức em đã tự đan, móc các loại quả, con vật... làm giáo cụ để cô trò thực hành trong mỗi giờ học”.
Thế nhưng, cuộc sống luôn có những thử thách khiến mỗi người chúng ta phải quyết định những lối rẽ riêng. “Cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác được mở ra”, Linh rời trường học để theo đuổi con đường riêng của mình. Bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời người phụ nữ nhiều đam mê ấy là vào năm 2021, khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn nước rút chuẩn bị cho SEA Games 31, trong đó có nhiều môn thi đấu tại Quảng Ninh. Thời điểm này, Bộ Công Thương tổ chức Chương trình Sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ cho hoạt động bên lề, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến bè bạn bốn phương.
Được một người bạn giới thiệu, Linh đã biết đến chương trình này và quyết định tham gia để thử sức. Cô gái nhỏ bé nhưng mạnh mẽ đã tự tay sáng tạo nhiều sản phẩm như búp bê mặc áo dài truyền thống, thú bông cầm Quốc kì, đặc biệt tự tay đan, móc linh vật Sao La SEA Games 31 trên chất liệu len.
Từng đường kim, mũi chỉ đều được Linh thực hiện bằng tâm huyết, sự quyết tâm. May mắn đã mỉm cười khi những sản phẩm của Linh được Bộ Công thương lựa chọn tham gia vào Hội chợ phục vụ SEA Games. Sản phẩm đan, móc bằng len của Linh được đoàn vận động viên, khách nước ngoài đánh giá cao, yêu thích. Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, Linh kể: “Ngày diễn ra hội chợ, em ngồi tại gian hàng, tự tay thao tác đan, móc từng sản phẩm rồi trò chuyện cùng với khách để họ hiểu thêm về những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc, nét văn hóa của người Việt”.
Hành trình xuất khẩu gian nan
Từ đây, Linh có cơ hội để gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm tại nhiều hội chợ quốc tế của Bộ Công Thương tổ chức cũng như kết nối với nhiều đối tác, bạn hàng quốc tế. Một số bạn hàng đã nhập thử một số mặt hàng của Linh về bán.
Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì doanh nghiệp non trẻ của Linh lại bị thử thách. Hành trình xuất khẩu các sản phẩm lại vấp phải khó khăn mới. "Lý do rất đơn giản, bởi các nước Âu, Mỹ đặt yêu cầu rất cao với đồ mỹ nghệ, đồ chơi trẻ con, yêu cầu gắt gao về sợi len, các phụ kiện gắn vào đồ chơi, đồ thủ công móc len. Không chỉ mất công, những mẫu đó bị trả về khiến công ty thiệt hại đáng kể, “ăn lẹm” vào số vốn khởi nghiệp ít ỏi. Đó chưa kể một số đối tác yêu cầu rất cao về thiết kế mẫu, phải đạt yêu cầu thẩm mỹ, dễ thương, phù hợp với đồ chơi cho trẻ con" - Linh kể.
Khó khăn tưởng như khó gượng được, thế nhưng, Linh vẫn quyết tâm theo đuổi. Vừa dẫn chúng tôi tham quan khu vực để len và các phụ kiện trang trí đồ len móc thủ công, Linh vừa kể: Sau giai đoạn đó, chúng em phải tìm tòi khắp nơi để có được các vật liệu phù hợp, phải nhập khẩu các loại len chất lượng cao, không sờn, không gây ra bụi hay sợi len nhỏ, gây ảnh hưởng tới hô hấp trẻ nhỏ, ô nhiễm không khí.
Cùng với đó, Công ty của Linh phải liên tục cải tiến các mẫu thiết kế. Đề cao tính an toàn, xưởng phải thiết kế và gắn các bộ phận như mắt, miệng thú bông bằng vật liệu an toàn, gắn sâu đảm bảo không bong, rơi khi trẻ nghịch. Âm thanh ở các đồ chơi trẻ nhỏ cũng không được để to...
Nhờ đổi thay, Linh đã ký kết và có nhiều đơn hàng xuất khẩu đi nhiều nước, như: Anh, Pháp, Mỹ, Úc… Đơn hàng tại nhiều nước châu Âu ổn định theo tháng. Ở thị trường còn lại như ở Đông Nam Á, Linh ký được nhiều hợp đồng bán hàng nhỏ lẻ.
Chị Nguyễn Vũ Thu Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, chia sẻ: Mô hình móc len xuất khẩu của chị Đỗ Thùy Linh cho sản phẩm chất lượng tốt, có thể xuất khẩu mà còn tạo nhiều công ăn việc làm cho phụ nữ yếu thế ở nông thôn. Đây là mô hình cần khuyến khích, được giới thiệu và được Hội Phụ nữ Việt Nam chọn là dự án khởi nghiệp tiêu biểu.
Hiện nay, số lượng đơn hàng ổn định, Công ty của Linh đã tạo công ăn việc làm cho gần 40 lao động. Lương trung bình của các thợ móc là từ 3-5 triệu/tháng, tùy theo sản phẩm.
"Cứu cánh" cho người già, khuyết tật
Sau khi tình hình kinh doanh đi vào bài bản, số lượng đơn hàng ổn định thì việc đầu tiên Linh suy nghĩ, đó là đào tạo đội ngũ lao động lành nghề. Tuy nhiên, tính chất công việc và thu nhập chưa cao nên phần nhiều lao động là phụ nữ, trong đó có không ít là người già, khuyết tật. "Dạy người khuyết tật tốn thời gian và khó khăn hơn rất nhiều so với người khác. Thông thường, hướng dẫn người thường chỉ mất 5-10 ngày, người khuyết tật phải mất cả tháng. Thế nhưng khi thạo việc thì năng suất, chất lượng công việc và thu nhập của họ lại cao hơn" - Linh chia sẻ.
Việc làm mà Linh tạo ra đã là "cứu cánh" cho nhiều hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử như với bà Lý Thị Hải (thôn Đồng Chanh), đã ngoài 50 tuổi, dân tộc Dao Thanh Y, bị khuyết tật ở chân, gia cảnh khó khăn, một mình nuôi con. "Trong 2 năm nay tham gia vào Công ty, tôi lạc quan, có niềm tin hơn vào cuộc sống. Nguồn thu nhập đều từ công việc ở đây thực sự là "cứu cánh", giúp trang trải cuộc sống thường ngày của tôi" - bà Hải tâm sự.
Còn bà Nguyễn Thị Thanh, 78 tuổi (thôn Đồng Chanh) đến với Công ty Linh từ những ngày đầu khó khăn. Bà có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt khi chồng bị chứng rối loạn tâm thần. Nhờ khoản thu nhập từ việc đan móc len của bà Thanh mà cuộc sống của ông bà bớt phần vất vả.
Hay như chị Ngô Thị Linh (37 tuổi, phường Vàng Danh) bị câm điếc bẩm sinh, được Linh nhận vào Công ty năm 2021. Những ngày đầu mới học nghề, thao tác của Linh chậm nhưng sau quá trình được đào tạo, tay nghề được nâng cao, năng suất lao động của chị được cải thiện đáng kể. Với chị Linh, đây là nơi để những người khuyết tật được lao động, hòa nhập cộng đồng, tạo tâm lý ổn định.
Hiện nay, với việc đan móc len thủ công, Đỗ Thuỳ Linh đã tạo công ăn việc làm cho gần 40 lao động, trong đó phần nhiều là phụ nữ và đối tượng yếu thế tại địa phương. Không chỉ tạo thu nhập, ổn định cuộc sống, công việc khiến họ cảm thấy có ích, hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()