Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:32 (GMT +7)
Khơi thông nguồn lực và tạo động lực mới cho phát triển KT-XH trong điều kiện thích ứng an toàn
Thứ 2, 28/03/2022 | 18:07:08 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 28/3, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển KT-XH trong điều kiện thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19- Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương” tiếp tục với các phiên thảo luận và bế mạc hội thảo. Các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chủ trì hội thảo.
Bước vào phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu tập trung thảo luận về nội dung khơi thông, giải phóng nguồn lực và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn - nhìn từ phương diện quản trị địa phương. Chia sẻ kinh nghiệm của Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Nguồn lực và động lực cho phát triển là vấn đề rất rộng lớn, có quan hệ chặt chẽ, chuyển hoá cho nhau. Từ thực tiễn quản trị địa phương, Quảng Ninh nhận thấy nguồn lực chỉ được khơi thông, biến tiềm năng thành hiện thực khi nhận diện được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, mâu thuẫn, thách thức, định vị lại Quảng Ninh trong mối tương quan quốc gia, quốc tế.
Trên cơ sở đó, tỉnh rất coi trọng việc lập quy hoạch chiến lược, can thiệp thể chế để tổ chức lại không gian lãnh thổ, kiến tạo hành lang phát triển mới, thúc đẩy hợp tác và liên kết lãnh thổ; xác định các đột phá chiến lược, các trọng tâm, trọng điểm với tầm nhìn dài hạn để huy động nguồn lực cho đầu tư; đổi mới tư duy phát triển nhanh, bền vững, đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia; tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” thúc đẩy tăng trưởng xanh theo hướng bền vững; xác định con người vừa là nguồn lực, vừa là động lực, bảo đảm cho nguồn lực chuyển thành động lực cho phát triển; gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người dân - nhà nước - nhà đầu tư trong tất cả các quyết sách phát triển, không ngừng kiến tạo, củng cố niềm tin của Nhân dân.
Chính nhờ khai thác, phát huy và tối ưu hóa hiệu quả nguồn lực và động lực, tỉnh Quảng Ninh giành được những kết quả quan trọng, tạo được những thành tựu bứt phá, ấn tượng trong thời gian qua. Đặc biệt, năm 2020 và 2021, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, Quảng Ninh đã nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, quản trị địa phương, năng lực thích ứng với sự thay đổi, lãnh đạo, quản trị rủi ro, chuyển nhanh từ nhận thức đến hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực thi chính sách, pháp luật bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, ứng phó kịp thời, linh hoạt, nhạy bén, quyết đoán, kịp thời và xử lý có hiệu quả với mọi tình huống nảy sinh, hoàn thành “mục tiêu kép”; giữ vững đà tăng trưởng GRDP trên hai con số trong 6 năm liên tiếp (2016 - 2021) và vai trò, vị trí của cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc.
Cùng với tỉnh Quảng Ninh, nhiều địa phương cũng nêu bật kinh nghiệm đa dạng, phong phú của địa phương mình trong khai thác, phát huy và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực vì sự phát triển bền vững, từ kinh nghiệm phát huy, kết nối các nguồn lực. Các bộ, ban, ngành và các nhà khoa học cũng có nhiều gợi mở, đề xuất có giá trị với tỉnh Quảng Ninh nói riêng và các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung trong việc khơi thông, giải phóng nguồn lực và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội như: Phát triển kinh tế là động lực tăng trưởng quan trọng; tạo đột phá thể chế về quản lý, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới ở Quảng Ninh; tổ chức lại không gian lãnh thổ, kiến tạo hành lang phát triển, thúc đẩy hợp tác và liên kết lãnh thổ để sử dụng hiệu quả nguồn lực – một số đề xuất và bài học kinh nghiệm của Quảng Ninh; khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ cho công nghiệp hóa, đô thị hóa, đẩy nhanh phát triển các kết cấu hạ tầng kỹ thuật then chốt – bài học của Quảng Ninh...
Từ kinh nghiệm cụ thể trên, bước đầu có thể tìm được những mẫu số chung của quản trị địa phương trong khơi thông, giải phóng nguồn lực và tạo động lực mới cho phát triển, đó là vai trò quan trọng của liên kết vùng và tư duy cục bộ, chủ nghĩa địa phương, cát cứ sẽ luôn là một cản lực rất lớn đòi hỏi các địa phương phải vượt qua; cần xác định nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài, đồng thời tranh thủ các nguồn ngoại lực, coi nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; việc chuẩn bị các nguồn lực đa dạng tại chỗ có vai trò rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh xảy ra những khủng hoảng lớn, trên diện rộng; sự tham gia của đông đảo các chủ thể giúp huy động các nguồn lực thuận lợi, “lực lượng của dân rất đông, trí tuệ của dân là vô tận”, dựa vào dân, biết huy động sức mạnh trong nhân dân không chỉ giúp hóa giải bộn bề khó khăn, mà còn có thể mở ra những không gian phát triển mới, dư địa phát triển mới ngay trong những biến cố, thách thức...
Kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao những kết quả đạt được của hội thảo. Qua nội dung thảo luận, đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung xác định rõ nguồn lực và động lực cho phát triển KT-XH trong tình hình mới; phải phân tích đánh giá sâu việc ưu tiên, lựa chọn nguồn lực cho phát triển. Cùng với đó, việc chuyển đổi trạng thái, kiểm soát dịch hiện nay rất tốt tuy nhiên dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều biến chủng mới vì vậy phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đi đôi với phục hồi phát triển KT-XH trong điều kiện thích ứng linh hoạt.
Ghi nhận những trăn trở các ngành, địa phương trong việc phân tích, đưa ra các giải pháp phát huy được nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển KT-XH trong điều kiện thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Muốn phát triển được đầu tiên phải có quy hoạch chiến lược; phải kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bằng những cơ chế chính sách kịp thời; chú trọng đến đổi mới sáng tạo trong thể chế; tổ chức lại không gian phát triển; quan tâm đến phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết vùng để giải quyết các điểm “nghẽn” về hạ tầng, về chính sách; khơi dậy, phát huy sức mạnh văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam...
Sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ lĩnh hội, tiếp thu và báo cáo các nội dung có liên quan về việc khai thác, phân bổ, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực và tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tiếng nói từ các địa phương tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan chức năng có liên quan. Hệ thống bài viết của hội thảo có chất lượng cao, sẽ được biên tập xuất bản thành sách; chọn lọc đăng tải trên các cơ quan báo chí để lan tỏa tinh thần và những nội dung của hội thảo đến đông đảo độc giả, góp phần tạo nên những phong trào thi đua, hành động cách mạng thiết thực, hiệu quả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Hội thảo “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển KT-XH trong điều kiện thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19- Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương” đã thành công tốt đẹp. Những mô hình hay, những cách làm sáng tạo đã được chia sẻ, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mỗi địa phương. Đối với tỉnh Quảng Ninh, hội thảo đã bổ sung cho Quảng Ninh những tầm nhìn mới, góc nhìn mới, hiểu biết mới về nguồn lực và động lực phát triển, về mối quan hệ giữa nguồn lực và động lực, nhất là những biểu hiện mới của các loại nguồn lực và động lực trong nền kinh tế thị trường hiện đại, toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quản trị hiệu quả nguồn lực và động lực gắn với đổi mới, hoàn thiện quản trị địa phương, phục vụ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()