Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 17:36 (GMT +7)
Không chủ quan khi chóng mặt kéo dài
Thứ 5, 29/08/2013 | 09:04:02 [GMT +7] A A
Hỏi: Xin hỏi bác sỹ bệnh rối loạn tiền đình có những triệu chứng nào? Bệnh này có thể chữa trị như thế nào ? Xin cảm ơn ( Lê Văn Minh, Đông Triều)
Trả lời:
Tiền đình là vùng nằm ở phía sau ốc tai hai bên, đó là hệ thống có vai trò quan trọng sự duy trì thăng bằng, phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình.
Rối loạn tiền đình là bệnh lý biểu hiện một trạng thái mất cân bằng về tư thế, làm cho người bệnh thấy chóng mặt, quay cuồng, đồ vật nghiêng ngả hoặc quay tròn, ù tai, buồn nôn và nôn, đi lại loạng choạng, gây cho người bệnh cảm giác khó chịu hoặc sợ hãi. Bệnh rất hay tái phát nên làm giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng tới công việc .
Đây là một hội chứng biểu hiện của nhiều loại bệnh khác nhau. Nó xảy ra khi tiền đình gặp một kích thích vật lý hay sinh lý nào đó của cơ thể như : lạnh đột ngột, thiếu máu não hệ thân nền..v v.
Tiền đình - Ốc tai (Ảnh minh họa) |
Có hai loại rối loạn tiền đình:
Rối loạn tiền đình ngoại biên:
Chóng mặt có hệ thống: các vật xoay xung quanh người bệnh hoặc người bệnh quay xung quanh các vật, thường kèm theo rối loạn thần kinh thực vật (mặt tái, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, buồn nôn và nôn mức độ nặng).
- Mất thăng bằng, nếu ngồi hoặc đứng sẽ ngã, thường ngã theo tư thế của đầu.
- Diễn biến từng cơn, nhanh đỡ. Kèm theo có nghe kém, có tiếng vo ve trong tai.
- Hiếm gặp các triệu chứng khiếm khuyết về thần kinh.
Nguyên nhân : Viêm tai xương chũm, nhiễm độc Strepomycin, Quinin.
Rối loạn tiền đình trung ương:
- Chóng mặt không có hệ thống, cảm giác rập rình trên sóng, buồn nôn và nôn mức độ trung bình.
- Rối loạn thăng bằng nặng.
- Triệu chứng khiếm khuyết thần kinh hay gặp.
Nguyên nhân: Do tổn thương ở tiểu não, tăng áp lực nội sọ, bệnh xơ cứng rải rác, bệnh rỗng hành não.
Điều trị rối loạn tiền đình
- Trước tiên phải để bệnh nhân ở tư thế nằm đầu thấp, cố định đầu, nơi ít ánh sáng, tránh thay đổi tư thế .
- Nếu bệnh nhân có nôn nhiều phải cho thuốc chống nôn đường tiêm như primperan 10 mg tiêm bắp hoặc tĩnh mạch
- Truyền dịch bù nước, điện giải nếu có điều kiện.
- Chống chóng mặt bằng các nhóm thuốc:
+ Acetylleucin(Taganin): 1.000 – 1.500mg/ ngày. Có cả dạng viên và tiêm tĩnh mạch, dạng tiêm tĩnh mạch nên tiêm chậm vì nếu tiêm nhanh có thể gây hồi hộp, trống ngực, mạch nhanh. Thường được dùng ở giai đoạn cấp tính.
+ Nhóm ức chế calci chọn lọc mạch máu não: các biệt dược của flunarizine, viên 5mg, dùng từ 5 -10mg (1-2viên)/ngày, nên uống trước khi ngủ vì cũng có tác dụng an thần nhẹ.
Các thuốc khác có thể dùng như: cinnarizin 50-100mg/ngày.
+ Nhóm benzodiazepin ( valium, diazepam): Đây là các thuốc trấn tĩnh nhẹ, có thể dùng trong trường hợp bệnh nhân quá lo lắng vì chóng mặt. Tuy nhiên có thể gây quen và lệ thuộc thuốc nên phải có hướng dẫn kỹ, tránh lạm dụng thuốc.
+ Nhóm tăng tuần hoàn tiền đình, tuần hoàn não: nhóm này thường được sử dụng sau giai đoạn cấp, thường để điều trị duy trì, sử dụng lâu dài. Nhóm này có rất nhiều các nhóm nhỏ như:
Betahistin: tác dụng chính vào nhân tiền đình, dùng từ 24- 48mg/ngày chia 3 lần.
Ginkgo biloba 40 mg dùng 3 viên/ngày.
Piracetam 1.200 – 2.400mg/ngày.
Ngoài ra còn rất nhiều thuốc khác.
- Tập bù trừ tiền đình: thường tập khi nghĩ tới chóng mặt tư thế lành tính. Nếu chóng mặt do thiểu năng động mạch đốt sống thân nền thì không nên tập vì có thể gây thiếu máu não. Nên tập có sự hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa. Có thể áp dụng cách tập sau:
+ Khi cấp tính: tập ở tư thế nằm: đưa mắt sang hai bên, lên xuống, thực hiện động tác chậm rồi nhanh dần. Nhìn một vật di chuyển qua lại trước mắt 20cm. Khi có thể thì gập, ngửa, quay đầu sang hai bên từ từ và nhanh dần. Nếu đỡ có thể tập ở tư thế ngồi hoặc đứng.
+ Khi qua giai đoạn cấp: tập ở tư thế đứng, đang ngồi, từ từ đứng dậy sau đó đi, lên xuống cầu thang, xoay người kết hợp mở mắt và nhắm mắt.
Tóm lại, khi có triệu chứng chóng mặt, nhất là thời gian kéo dài, chưa rõ nguyên nhân, bệnh nhân cần đến các cơ sở chuyên khoa tai, thần kinh để khám, phát hiện các nguyên nhân từ đó có sự tư vấn và phương pháp điều trị hiệu quả. Không nên tự điều trị tại nhà, lạm dụng thuốc để tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh
Trưởng khoa Thần kinh – Lão khoa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh
Mọi thắc mắc của độc giả về vấn đề sức khỏe có thể gửi vào địa chỉ email: baoquangninh@gmail.com hoặc thanhnguyentphl@gmail.com.
Độc giả cũng có thể liên hệ trực tiếp theo số điện thoại 0915.969329 để được giải đáp.
Liên kết website
Ý kiến ()