Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 06:30 (GMT +7)
Chủ động tìm tòi, nắm bắt KHCN
Thứ 7, 27/08/2022 | 10:02:00 [GMT +7] A A
Qua nhiều phong trào thi đua do LĐLĐ tỉnh phát động đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, say mê lao động, thi đua sáng tạo, có nhiều sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, không ngừng vươn lên làm chủ công nghệ, góp phần nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống người lao động.
Những điển hình tiên tiến
Ở ngành Y tế, việc làm chủ khoa học công nghệ luôn là tất yếu để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời đại y học tiến bộ như hiện nay.
Vì thế, nhiều năm qua, bác sĩ Nguyễn Thị Thoa, Trưởng khoa Nội Tim mạch đã cùng các đồng nghiệp phát triển nhiều kỹ thuật mới, các kỹ thuật đặc biệt khó mà trước đây chỉ thực hiện được ở các tuyến trung ương như: Chụp, nong và đặt stent mạch vành, chụp và đặt stent mạch chi, mạch cảnh, chụp động mạch thận, thăm dò điện sinh lý và điều trị rối loạn nhịp bằng sóng cao tần (RF), đặt máy tạo nhịp cấp cứu ngoài lồng ngực, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, điều trị laser nội tĩnh mạch...
Bác sĩ Thoa cũng luôn là người tiên phong đi đầu để đưa các kỹ thuật mới triển khai và áp dụng trong khoa, trực tiếp thực hiện nhiều kỹ thuật cao trong thăm dò, chẩn đoán và điều trị bệnh như: Ghi và đọc các kết quả hệ thống holter huyết áp, holter điện tim, điện tim gắng sức thảm chạy, siêu âm tim, trực tiếp làm xạ hình tưới máu cơ tim (Spect tim).
Cũng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ Đặng Thị Thúy đã thực hiện thành công đề tài “Ứng dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy trong điều trị bệnh nhân hôn mê sâu ngừng tuần hoàn, hô hấp” có giá trị làm lợi trên 250 triệu đồng/năm.
Theo bác sĩ Thúy, ở nước ta, kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy áp dụng đầu tiên tại Bệnh viện Bạch Mai năm 2015. Cho đến nay, chỉ có một số bệnh viện tuyến trung ương áp dụng được kỹ thuật này. Tại Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh là đơn vị y tế đầu tiên trên địa bàn tỉnh áp dụng thành công kỹ thuật này. Đề tài, giải pháp của chúng tôi đã giải quyết và khắc phục được các hậu quả, di chứng của bệnh nhân hôn mê sau ngừng tuần hoàn hô hấp.
Tại các nhà máy sản xuất, việc cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ luôn được ưu tiên. Là một đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, Tổ hợp Công ty Gốm Đất Việt đã vững vàng phát triển nhờ sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ. Công ty đã dành hẳn quỹ phát triển riêng cho sự nghiệp khoa học sáng tạo của đơn vị. Nhờ đó, phát huy được tinh thần tiên phong của CNVLĐ trong việc phát huy các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
Điển hình như “sáng chế hệ thống nạp khay ngói mộc đơn động vào kệ ngói tự động” có giá trị làm lợi trên 1 tỷ đồng 1 năm của anh Vũ Lương Hưng, Phó Quản đốc Phân xưởng Cơ điện, Công ty CP Gạch ngói Đất Việt (Tổ hợp Công ty Gốm Đất Việt). Anh Hưng cho biết: Với kinh nghiệm, kiến thức của bản thân, sự hỗ trợ của đồng nghiệp, anh đã đưa ra giải pháp hệ thống nạp khay ngói đơn động vào kệ ngói tự động theo sáng chế đã giúp đảm bảo được chất lượng nạp khay ngói có ngói mộc ổn định với công suất nâng cao; hoàn toàn tương thích và phù hợp khi triển khai kết nối với các hệ thống, thiết bị sẵn có, góp phần tăng năng suất, giải phóng sức lao động của công nhân.
Phát huy tính tiên phong, sáng tạo của CBCNVCLĐ
Những năm qua, LĐLĐ tỉnh đã triển khai nhiều phong trào thi đua trong CNVCLĐ. Điển hình như các phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động; phong trào “Công nhân tiên tiến tiêu biểu” trong CNVCLĐ...
Đặc biệt, thời gian qua, chương trình “75.000 sáng kiến - vượt khó - phát triển”; chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động đã được LĐLĐ tỉnh triển khai hiệu quả đến các cấp công đoàn.
Đây là chương trình rất thiết thực và ý nghĩa, nhằm phát huy khả năng sáng tạo của đoàn viên, người lao động trong lao động, sản xuất, vượt khó. Thông qua đó, đã có nhiều sáng kiến khoa học, công nghệ, cải tiến kỹ thuật của CNVCLĐ toàn tỉnh được ứng dụng vào công việc, sản xuất. Phấn đấu trong 2 năm 2022 và 2023, đội ngũ CNVCLĐ Quảng Ninh đóng góp ít nhất 12.000 sáng kiến trong công tác phòng, chống dịch, phát triển SXKD, tăng năng suất lao động và đổi mới tổ chức, hoạt động của tổ chức Công đoàn. Hết giai đoạn I (từ tháng 9/2021 đến hết tháng 5/2022), các cấp công đoàn đã có 4.288 sáng kiến (122,5% kế hoạch giai đoạn I, bằng 36,3% kế hoạch toàn chương trình). 12/18 đơn vị đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch giai đoạn I.
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh, Đỗ Cao Thượng, cho biết: Để đạt những kết quả tích cực trong phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, Công đoàn các cấp đã đề ra nội dung, mục tiêu thi đua sát với nhiệm vụ của từng đơn vị, từng ngành; phải nuôi dưỡng, thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra đôn đốc phong trào, hướng dẫn, giúp đỡ việc thử nghiệm, áp dụng phù hợp, hiệu quả những ý tưởng sáng tạo.
Đặc biệt, thường xuyên chú ý phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, biểu dương, khen thưởng kịp thời, tạo động lực để phong trào phát triển bền vững, hiệu quả.
Cùng với đó, gắn hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xác định hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là một biện pháp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, là nội dung, chỉ tiêu đăng ký danh hiệu thi đua của tập thể, cá nhân, là một trong các tiêu chí để xét khen thưởng hàng năm, nhất là đối với danh hiệu "Chiến sĩ thi đua".
Công tác sơ kết, tổng kết phong trào; biểu dương khen thưởng phải được thực hiện kịp thời, công khai, dân chủ. Cán bộ công đoàn các cấp phải là người tâm huyết với phong trào, có khả năng vận động, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của CNVCLĐ.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()