Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 18:16 (GMT +7)
Khúc dân ca của người Sán Dìu
Chủ nhật, 14/01/2024 | 09:22:00 [GMT +7] A A
Dân ca soọng cô là một dạng hát ví, hát giao duyên độc đáo, đặc sắc gắn liền với đời sống tinh thần của người Sán Dìu.
"Soọng cô" phát âm theo tiếng Sán Dìu nghĩa là ca hát. Mỗi bài ca là một bài thơ được viết theo thể "thất ngôn tứ tuyệt". Soọng cô bắt nguồn từ chính cuộc sống bình dị, chất phác, thể hiện tâm tư, tình cảm, ước vọng của người dân lao động được ứng tác, lưu truyền trong dân gian qua nhiều thể loại, như: Hát ru, hát đồng dao, hát giao duyên, hát trong đám cưới, hát chúc thọ, hát mừng nhà mới, hát chúc tết…
Soọng cô được hát theo sách, có bài sẵn. Trước khi đi hát, người ta phải thuộc các sách hát. Thông thường, họ dẫn các câu hát trong sách ra để thách đố. Người hát cũng nhờ thuộc sách mà trích dẫn các câu hát cho hợp cảnh, hợp tình để hát đáp câu đối phương hát hỏi. Soọng cô thường do hai nhóm nam, nữ hát đối đáp nhau, mỗi một nhóm có một trưởng đoàn.
Môi trường diễn xướng trong soọng cô khá rộng. Nghệ nhân có thể hát trong lao động sản xuất (tiếng Sán Dìu gọi là trụ công cô), hát trong đám cưới (sênh ca chíu cô), hát khi đi chơi làng (hị son cô), hát chúc tết (tạo nen cô), hát ru con (ếnh rảy cô). Người hát có thể bắt cặp hát đôi hay hát theo nhóm. Trong những dịp ấy, họ rủ khoảng gần chục anh em hoặc gần chục cô gái đi cùng. Các nhóm đều có một người làm trưởng đoàn am hiểu về phong tục tập quán, hát giỏi. Thường là thành viên cả hai nhóm đều chưa có vợ hoặc chồng. Họ thường hát ở nhà ngang, nhà bếp mà kiêng ở nhà chính.
Trước đây, thời gian diễn xướng thường kéo dài đến tận 7, 8 hôm, có khi thi hát không phân thắng bại thì cả chục đêm. Họ thường hát thăm hỏi nhau, theo sách, đố nhau về những kiến thức cuộc sống. Nếu bên nào hát lại câu đã hát thì bị coi là thua cuộc, nếu đã thua cuộc thì họ tự chán và giải tán. Hiện nay, đồng bào Sán Dìu thường tổ chức các cuộc hát vào ban ngày. Trong khi hát, người ta không đùa cợt, không vì mến nhau vì tài mà đưa nhau đi tỏ tình riêng.
Soọng cô thường hát theo kiểu hát đối đáp và hát cộc không có nhạc đệm. Nội dung các cuộc hát phong phú và đa dạng, qua những tiếng hát thể hiện lòng tự hào dân tộc, truyền thống đoàn kết, lòng mến khách, thương yêu đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau, cần cù chịu khó, chịu khổ xây dựng quê hương bằng cả ý chí và nghị lực, quyết tâm vượt qua những khắc nghiệt của thiên nhiên, sự tàn phá của kẻ xâm lược trong lịch sử.
Mỗi đêm hát thường diễn ra theo trình tự thời gian như sau: Vào khoảng chập tối hát gọi, mời ngồi xuống chiếu, mời nước, mời trầu, hát hỏi, hát đố, hát giao duyên. Mở đầu cuộc hát, người ta thường hát những câu hát soọng cô mộc mạc nhưng lại gửi gắm cả những tâm tình thầm kín, như: "Chiếu hoa em trải giữa nhà/ Hình hoa nở rộ đón ta với mình/ Cùng nhau hát đến bình minh/ Gửi anh tiếng hát tâm tình của em"…
Trong cuộc hát, trai gái hai bên nhìn nhau qua ánh mắt, nụ cười, cùng ước hẹn. Đến canh ba, nhà chủ mời ăn lót dạ xôi hoặc chè cháo rồi tiếp tục đến màn hát chào, hát xin về, hát níu giữ nhau, kẻ ở, người đi, hát thề, hát tiễn. Sáng ra thì họ tiễn nhau ra cổng và hát hẹn hò cuộc hát tới, cuộc hát tạm thời kết thúc, nhưng tình cảm thì còn dài rộng như biển cả, sông núi của quê hương. Những người hát còn tặng kỷ vật cho nhà chủ làm niềm tin và hẹn ngày gặp lại, hát tiếp những bài soọng cô còn đang dang dở.
Có thể nói rằng, hát dân ca “Soọng cô” là một di sản độc đáo, là một món quà, một món ăn tinh thần đặc biệt, là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng tinh tế và lắng đọng trong tâm hồn người Sán Dìu. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, loại hình dân ca này lại đang đứng trước nguy cơ mai một. Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh, lo ngại: Lớp người lưu giữ văn hóa dân gian ngày càng cao tuổi rồi sẽ già yếu và không còn nữa. Trong khi đó, thanh niên dân tộc Sán Dìu hiện nay không có nhiều người thực sự say mê tìm hiểu, lưu giữ vốn cổ dân tộc...
Rất may mắn là một số cộng đồng người Sán Dìu ở Quảng Ninh hiện nay còn duy trì được tục hát soọng cô với các CLB, như các xã Dương Huy, Cộng Hoà, phường Quang Hanh, Cẩm Thịnh của TP Cẩm Phả, xã Thống Nhất, phường Hà Phong của TP Hạ Long, các xã Bình Dân và xã Đoàn Kết của huyện Vân Đồn, xã Hải Lạng của huyện Tiên Yên. Một số nơi đã có những đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc Sán Dìu, trong đó có hát soọng cô như ở Đoàn Kết (Vân Đồn) hay như ở Hải Lạng (Tiên Yên).
Có thể nói, những bài hát giao duyên trong soọng cô chính là sợi dây tơ hồng kết nối và dệt nên những câu chuyện tình yêu, quan hệ vợ chồng thủy chung, son sắt và rộng hơn là sự cố kết cộng đồng gia đình, dòng tộc, làng bản của người Sán Dìu, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.
Huỳnh Đăng
- Góp phần bảo tồn văn hoá phi vật thể
- Bảo tồn "kho báu" văn hóa phi vật thể ở Hạ Long
- Tiên Yên phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể
- Di sản văn hoá phi vật thể Quảng Ninh có gì?
- Di sản văn hóa phi vật thể: Gìn giữ để phát triển
- 12 - là số di sản văn hoá phi vật thể quốc gia hiện có của tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Hát soóng cọ của người Sán Chỉ, Quảng Ninh, được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Công bố thêm nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Liên kết website
Ý kiến ()