Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 23:17 (GMT +7)
Bảo tồn "kho báu" văn hóa phi vật thể ở Hạ Long
Chủ nhật, 10/12/2023 | 06:26:36 [GMT +7] A A
Những năm qua, TP Hạ Long đã tích cực bảo tồn một số loại hình văn hóa phi vật thể, khôi phục và phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống đặc trưng, văn hóa các dân tộc thiểu số, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế.
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, hằng năm UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng VH-TT phối hợp với UBND các xã, phường tích cực sưu tầm, thống kê các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Theo thống kê từ cuốn sách “Lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, đến nay trên địa bàn TP Hạ Long có trên 70 di sản văn hóa phi vật thể tồn tại ở 33 xã, phường. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, UBND thành phố chỉ đạo bộ phận chuyên môn tham mưu phối hợp với UBND các xã, phường tích cực sưu tầm, thống kê các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Năm 2022, phối hợp với Sở VH-TT kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Trên địa bàn hiện có 10 lễ hội truyền thống, bao gồm: Lễ hội đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn (phường Hồng Gai); lễ hội đình Giang Võng (phường Hà Khánh); lễ hội đình Yên Cư, lễ hội đình Đại Đán (phường Đại Yên); lễ hội đình Vạn Yên (phường Việt Hưng); lễ hội đền thờ vua Lê (xã Lê Lợi); lễ hội đình Trới (phường Hoành Bồ); hội làng xã Bằng Cả; lễ hội đền Bà Men trên Vịnh Hạ Long; lễ hội đình Lộ Phong (phường Hà Phong). Bên cạnh đó còn có một số lễ hội tôn giáo, lễ hội văn hóa, du lịch khác diễn ra trên địa bàn.
Trong đó, Hội làng Bằng Cả của người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả) là di sản văn hóa phi vật thể có giá trị, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Lễ hội được tổ chức vào ngày 1/2 âm lịch hằng năm, là lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Dao với nhiều nghi lễ cầu cho năm mới tốt đẹp, mưa thuận gió hòa… Lễ hội Bằng Cả được tổ chức theo đúng tính chất ngày hội với rất nhiều các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao, trình diễn sản phẩm thủ công mỹ nghệ, văn hóa ẩm thực, nghề truyền thống…
Nét đặc sắc của hội làng Bằng Cả khiến cho sự kiện này có sức hút không chỉ đối với người Dao Thanh Y Bằng Cả, mà cả ở các xã khác cùng các dân tộc anh em. Hội làng Bằng Cả đã trở thành ngày hội văn hóa, đoàn kết chung của các dân tộc anh em. Tại Bằng Cả đã xây dựng được mô hình làng bản trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch.
Để chuẩn bị cho công tác tổ chức và quản lý lễ hội hằng năm, UBND thành phố đã ban hành các văn bản yêu cầu UBND các xã, phường và ban quản lý các di tích thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở VH-TT về việc quản lý và tổ chức tốt các lễ hội. Các ban quản lý xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, bố trí điểm trông giữ phương tiện và niêm yết giá theo quy định, bố trí hợp lý các hòm công đức, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh khi đi lễ hội, Do đó, tại các lễ hội trên địa bàn TP Hạ Long trong những năm qua đã diễn ra trang trọng, tiết kiệm, an toàn và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhiều nghệ nhân dân gian đang nỗ lực thực hành di sản văn hoá phi vật thể, góp phần vào việc gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc. Trên địa bàn thành phố cũng có 8 cá nhân được Chủ tịch nước tôn vinh danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì những đóng góp cho sự phát triển của văn hoá Việt. Những nghệ nhân này hiện đang nắm giữ, truyền dạy các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể như: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian…
Một số nghệ nhân có sức khỏe tốt đã rất tích cực phối hợp cùng với Trung tâm Học tập cộng đồng tổ chức các lớp học, như: Lớp thêu hoạ tiết hoa văn truyền thống của dân tộc, lớp học chữ Nôm Dao, lớp dạy các làn điệu dân ca, hát giao duyên, hát soọng cô, hát đối, các lớp dân vũ, lớp học nhảy múa cấp sắc… Các lớp học đã cung cấp tri thức và kỹ năng biểu diễn ban đầu cho các thế hệ là con em vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn, đặc biệt là thế hệ trẻ, điển hình như nghệ nhân tại các xã Bằng Cả, Quảng La và phường Hà Phong.
Phạm Học
- Tiên Yên phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể
- Di sản văn hoá phi vật thể Quảng Ninh có gì?
- Di sản văn hóa phi vật thể: Gìn giữ để phát triển
- Quảng Ninh có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Hát soóng cọ của người Sán Chỉ, Quảng Ninh, được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Lễ hội đình Vạn Ninh (TP Móng Cái) được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- 7 - là số Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia của Quảng Ninh
- Công bố thêm nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Liên kết website
Ý kiến ()