Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 10:51 (GMT +7)
Khuyến khích, thúc đẩy xã hội hoá đầu tư các lĩnh vực văn hoá - xã hội
Thứ 7, 11/07/2015 | 13:57:47 [GMT +7] A A
Nhằm huy động các nguồn lực và phát huy trách nhiệm cộng đồng đối với sự phát triển của tỉnh, năm 2006, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 05/2006/NQ-HĐND về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường, giám định tư pháp (sau đây gọi tắt là lĩnh vực văn hoá - xã hội) trên địa bàn tỉnh. Sau nhiều năm triển khai, việc thực hiện chính sách này đã đạt được kết quả nhất định, góp phần tích cực trong việc phát triển các cơ sở giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao ngoài công lập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; giảm đầu tư từ ngân sách.
Nổi bật là trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, từ năm 2006 đến nay, thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích, hệ thống các trường ngoài công lập của tỉnh đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân trong tỉnh, giảm áp lực và sự quá tải cho các trường công lập. Đến nay, toàn tỉnh có 41 trường dân lập đang hoạt động, với 1.080 lớp học và trên 21.700 học sinh ở các cấp học. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện còn có 21 trung tâm tin học, ngoại ngữ tham gia công tác xã hội hoá giáo dục. Trong số các trường ngoài công lập, đến năm 2014 có 4 trường được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, các trường ngoài công lập hiện nay có tổng số 1.598 người.
Trường Đoàn Thị Điểm Hạ Long là một trong những mô hình xã hội hoá giáo dục thành công. Ảnh: Giờ học thể dục của cô, trò nhà trường. Ảnh: Nguyễn Hoà |
Đối với lĩnh vực y tế, đến nay, đã có 217 cơ sở, phòng khám, chữa bệnh và 14 công ty dược tư nhân được thành lập. 19 đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh xây dựng đề án thực hiện mô hình liên kết đặt trang thiết bị y tế với các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, để tổ chức dịch vụ và bước đầu triển khai có hiệu quả, với tổng số tiền đầu tư liên doanh là trên 91 tỷ đồng. Cùng với đó, các cơ sở y tế thuộc Sở Y tế đã triển khai mô hình khám chữa bệnh chất lượng cao tại 17 đơn vị với tổng số tiền trên 71 tỷ đồng từ nguồn vốn của các nhà đầu tư và vốn huy động của cán bộ, công nhân viên… Nhiều mô hình khám chữa bệnh ngoài công lập được thành lập đã góp phần đa dạng hoá các dịch vụ y tế, giảm tải cho các bệnh viện công lập, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Trong lĩnh vực dạy nghề, theo cơ chế khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã có 43 cơ sở dạy nghề được thành lập, hàng năm, đào tạo nghề cho trên 30.000 lượt người… Qua đó, bước đầu đã phát huy hiệu quả trong việc dạy nghề cho thanh niên, đặc biệt là dạy nghề cho lao động trẻ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh.
Đối với lĩnh vực văn hoá, thể thao, thông qua các chính sách ưu đãi về đất, về thuế, từ năm 2006 đến nay, đã khuyến khích tốt các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho văn hoá, thể dục thể thao. Hiện toàn tỉnh có 1.400 sân cầu lông, 150 sân quần vợt, 140 sân bóng đá… do tư nhân đầu tư với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, nhiều cơ sở thể thao ngoài công lập được quản lý và vận hành khá tốt, có khả năng tổ chức được các giải thể thao cấp tỉnh, cấp quốc gia và đào tạo nguồn vận động viên thành tích cao.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy xã hội hoá các lĩnh văn hoá - xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế. Đó là, chính sách chỉ thu hút được các nhà đầu tư các dự án xã hội hoá ở một số lĩnh vực; chưa đủ mạnh để thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư các dự án chất lượng cao; còn khó khăn trong việc huy động vốn, hỗ trợ lãi suất kích cầu, về miễn, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng... Để khắc phục những hạn chế này, HĐND tỉnh khoá XII, trong kỳ họp thứ 12 đã ban hành Nghị quyết về chấm dứt hiệu lực thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐND. Đồng thời, giao UBND tỉnh nghiên cứu đề xuất xây dựng nghị quyết mới thay thế nghị quyết nói trên để phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật.
Theo yêu cầu của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng Tờ trình số 3471/TTr-UBND đề nghị ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy xã hội hoá các lĩnh vực văn hoá - xã hội trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, ngoài việc được hưởng các ưu đãi theo quy định của Trung ương, các tổ chức, cá nhân trong nước đầu tư vào lĩnh vực văn hoá - xã hội trên địa bàn các xã, phường, các địa phương thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, sẽ được tỉnh hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng; được hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào như: Đường giao thông đấu nối, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước... Đối với các nhà đầu tư vào các lĩnh vực nêu trên thuộc các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố không thuộc địa bàn khó khăn, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể có thể sẽ được UBND tỉnh xem xét cho hưởng một phần mức hỗ trợ sau khi thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh.
Nguyễn Chiến
Liên kết website
Ý kiến ()