Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 08:28 (GMT +7)
Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh tại Kỳ họp XXI - HĐND tỉnh khóa XII
Thứ 4, 15/07/2015 | 21:30:11 [GMT +7] A A
Trong phiên họp HĐND tỉnh lần thứ XXI, chiều 15/7, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy , Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểulàm rõ hơn kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm. Báo Quảng Ninh trân trọng đăng bài phát biểu của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại kỳ họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long phát biểu tại kỳ họp. |
Theo Chương trình kỳ họp, tại ngày làm việc thứ nhất (ngày 13-7-2015), UBND tỉnh đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và công tác điều hành của UBND tỉnh trong 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015. Qua thảo luận tại tổ, tại hội trường vào nội dung các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh tại kỳ họp, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã có nhiều ý kiến phát biểu sâu sắc và bày tỏ sự đồng tình cao và có nhiều ý kiến đóng góp, tham gia, phân tích sâu sắc thêm những nội dung, kết quả mà tỉnh đã đạt được trong điều hành kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời đề xuất các giải pháp hết sức cụ thể để UBND tỉnh điều hành trong 6 tháng cuối năm 2015 để đạt kết quả cao nhất, hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu đề ra cho năm 2015.
Thay mặt UBND tỉnh, với trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh, tôi xin nghiêm túc tiếp thu và xin chân thành cảm ơn các vị đại biểu HĐND tỉnh đã tham gia đóng góp về nhiều nội dung để làm rõ thêm những kết quả trong điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng. Đồng thời cũng đề xuất, gợi ý một số nội dung để UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm.
Bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, bên cạnh những thuận lợi hết sức cơ bản như kinh tế cả nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng tiếp tục trên đà tăng trưởng, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được nâng cao vào tốp 5 tỉnh, thành phố đứng đầu trong cả nước, đã hoàn thiện và công bố 7 quy hoạch chiến lược, hoàn thiện các quy hoạch ngành, các quy hoạch địa phương. Đồng thời cũng thống nhất cao trong cấp ủy đến hệ thống chính trị đẩy mạnh xây dựng Đề án 25 về nâng cao năng lực, sức chiến đấu, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy biên chế v.v… Điều này thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong chỉ đạo điều hành nói chung với tất cả các lĩnh vực. Trong 6 tháng qua, tỉnh cũng phải đối mặt với những khó khăn riêng như tiêu thụ xuất khẩu than khó khăn do Chính phủ chỉ đạo không xuất khẩu than cám; hoạt động kinh tế biên mậu tạm, nhập tái xuất qua cửa khẩu với Trung Quốc khó khăn, suy giảm do chính sách biên mậu; thuế suất nhập khẩu xăng, dầu giảm mạnh theo cam kết ASEAN; thời tiết nắng nóng, dịch bệnh diễn biến phức tạp v.v... Tuy nhiên, với sự cố gắng cao của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp, sự ủng hộ của Trung ương, của các bộ, ngành nên kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tỉnh đạt được là hết sức phấn khởi.
- Về kinh tế:
+ GDP tăng trưởng 8,9%, cao nhất trong 3 năm gần đây (2012: +7,1%; 2013: +6,5%, 2014: +6,9%), đứng thứ hai trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội: +7,8%; Hải Phòng: +9,1%; Bắc Ninh: +4,3%; Hải Dương: +7,8%; Vĩnh Phúc: +7,3%; Hưng Yên: +7,6%). GDP cả nước trong 6 tháng tăng trưởng 6,28%.
+ Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 17.940 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ; đặc biệt thu nội địa đạt 10.307 tỷ đồng, tăng trên 30% so với cùng kỳ. Đây là chỉ tiêu thể hiện ổn định phát triển sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, đồng thời là chỉ tiêu sẽ đóng góp cho thu, chi, đặc biệt dự báo cho tăng vượt thu kế hoạch của Trung ương đối với thu nội địa trong đầu tư phát triển.
+ Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2015 xấp xỉ 18.850 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Trong đó nhiều dự án lớn đang rất tích cực được triển khai như: Công viên Đại dương (Thành phố Hạ Long); Sân bay Vân Đồn; Khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao Vinpearl (Đảo Rều); Khu phức hợp ở phía Tây TP Hạ Long; Đường cao tốc (BOT) Hạ Long – Vân Đồn và nâng cấp quốc lộ 18A (Hạ Long - Mông Dương);
+ Hoạt động thu hút đầu tư: 6 tháng đầu năm đã điều chỉnh, cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư 65 dự án, với tổng mức đầu tư 28.031 tỷ đồng, tương đương 1,334 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ.
+ Phát triển doanh nghiệp: 6 tháng đầu năm có 442 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 40,3% so với cùng kỳ và vốn đăng ký 6.179 tỷ đồng, tăng 87,8% so với cùng kỳ. Số vốn vay ngân hàng cho sản xuất kinh doanh chiếm trên 85% tổng số vay, dư nợ cho vay tăng 7,3% so với 31-12-2014.
- Về văn hóa - xã hội: Mặc dù tỉnh tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm để có sức lan tỏa, song tỉnh cũng dành ngân sách tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, y tế theo chuẩn quốc gia, phù hợp với tình hình địa phương. Chi cho đảm bảo an sinh xã hội 6 tháng đầu năm 2015 đạt 373,4 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.
- Quốc phòng, an ninh, đối ngoại: Đảm bảo chủ quyền quốc gia biên giới, biển đảo; tăng cường công tác đối ngoại với các nước đã có quan hệ với tỉnh, nhất là với các địa phương của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, giữ vững môi trường đầu tư, tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tập trung đông người, phục vụ tốt cho Đại hội Đảng bộ cơ sở thành công với không khí dân chủ, trong tháng 7 cố gắng hoàn thành xong Đại hội Đảng cấp huyện, tạo điều kiện xây dựng môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.
- Tập trung cho cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành hính gắn với hoàn thiện xây dựng đề án chính quyền điện tử và công dân điện tử. Đến nay, đã đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và 14 Trung tâm phục vụ hành chính công cấp huyện, đồng thời tiếp tục đào tạo công dân điện tử để khai thác hiệu quả chính quyền điện tử mà tỉnh đã đầu tư. Đến nay, giảm bình quân 40% so với quy định của Trung ương. Đây là 1 trong 3 đột phá chiến lược của tỉnh.
- Tiếp tục dành nguồn lực cho đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đào tạo trong và ngoài nước. Tích cực chuẩn bị đủ điều kiện cho tuyển sinh Đại học Hạ Long năm học đầu tiên bậc học Đại học năm học 2015.
Tích cực triển khai chủ đề năm 2015, tập trung vào thực hiện Đề án 25 thuộc thẩm quyền quyết định của tỉnh, từng bước được cụ thể hóa bằng Quyết định của UBND tỉnh như sắp xếp phòng, ban, đơn vị sự nghiệp. Đang rà soát tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/NĐ-CP của Chính phủ đảm bảo ổn định, quyết liệt, lộ trình, bước đi chắc chắn, không để nảy sinh những bất cập ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ chính trị. Triển khai tích cực triển khai xây dựng thương hiệu, nâng cao môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ. Đồng hành cùng doanh nghiệp đi vào thực hiện thiết thực, hiệu quả (Tỉnh đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại 2 kỳ trong 6 tháng đầu năm với doanh nghiệp), thường xuyên gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chuyên đề, với đại biểu hiệp hội doanh nghiệp, các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty v.v....
Tiếp tục cải tiến lề lối làm việc, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh: Trong 6 tháng đầu năm 2015, tuy có sự thay đổi công tác của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, song công việc điều hành của UBND tỉnh vẫn diễn ra theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra cho công tác tháng, quý, năm. Tỉnh đã nghiêm túc triển khai theo chức, năng, nhiệm vụ của mình theo Luật định, triển khai có kết quả các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành. Trong đó ưu tiên cho tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho đầu tư phát triển theo hình thức hợp tác công tư; Tập trung chỉ đạo điều hành thu - chi ngân sách trong tình hình hụt thu thuế xuất nhập khẩu; tiết kiệm chi thường xuyên, dành tối đa cho đầu tư phát triển. Quan tâm lĩnh vực an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh; tăng cường đối ngoại. Phối hợp tốt với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xa hội để tham gia xây dựng chính quyền, giám sát hoạt động của bộ máy chính quyền, thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
*Bên cạnh những kết quả đã đạt được trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng qua, kinh tế - xã hội tỉnh ta còn có một số khó khăn, hạn chế: Tiêu thụ sản phẩm (nhất là than cám chất lượng tốt) còn khó khăn, tồn kho còn lớn; hoạt động xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất còn nhiều khó khăn; thời tiết nắng nóng, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng đến sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp tăng trưởng thấp. Cải cách hành chính chưa được như mong muốn, doanh nghiệp và người dân còn chưa hài lòng; phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi; một số vụ việc khiếu nại, kiến nghị của nhân dân còn kéo dài, diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự; tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp, tăng số người chết so với cùng kỳ,...
Để hoàn thành với kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2015 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, trong báo cáo của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đã đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm. Tôi xin nhấn mạnh vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
1. Tập trung đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thực sự có hiệu quả trên các ngành, lĩnh vực, trong đó ưu tiên cho khâu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất công nghiệp, nông – lâm – ngư nghiệp (Như xuất khẩu than cám chất lượng tốt; sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, các ngành sản xuất cơ khí, công nghiệp chế biến, sản phẩm trong nông – lâm nghiệp – thủy sản,.v.v...). Tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ để các dự án của nhà đầu tư triển khai nhanh, đưa vào sử dụng. Phát huy hiệu quả đầu tư chính quyền điện tử và hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công, đào tạo công dân điện tử, đảm bảo 100% thủ tục hành chính được giải quyết tại Trung tâm phục vụ hành hính công, phấn đấu giảm ít nhất 50% thời gian giải quyết theo quy định đảm bảo công khai, minh bạch, thân thiện giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp. Thường xuyên tiếp xúc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục kiến nghị với Trung ương về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là tăng cường phân cấp cho tỉnh giải quyết thủ tục hành chính.
2. Tập trung chỉ đạo bằng các giải pháp cụ thể trong điều hành thu - chi ngân sách 6 tháng cuối năm với mục tiêu:
- Phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 cao nhất theo mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành trong năm 2015. Trong điều kiện dự báo thuế XNK bị ảnh hưởng sẽ hụt thu 5.500 tỷ đồng trong năm 2015. Vừa qua, UBND tỉnh đã làm việc với các ngành trong đó có làm việc trực tiếp với Cục Hải quan tỉnh để tìm cách tháo gỡ các khó khăn, trong đó tập trung vào các giải pháp cụ thể để có thể thu tăng thuế XNK như: Vừa rồi đã ký văn bản chính thức với Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc cùng một số nhà đầu tư lớn khi triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh khi nhập máy móc, thiết bị sẽ đi qua cửa khẩu Móng Cái, nếu đi bằng đường bộ, và cảng Cái Lân nếu đi bằng đường biển, tỉnh Quảng Ninh cùng các cơ quan chức năng cam kết với các doanh nghiệp và nhà đầu tư giải quyết thủ tục hành chính thông quan nhanh nhất, chi phí nhập khẩu khi đi qua cửa khẩu của Quảng Ninh sẽ không cao hơn so với các cửa khẩu của địa phương khác. Tỉnh sẽ làm việc cụ thể với các cơ quan chức năng ở cảng Cái Lân cùng chủ hàng và chủ tàu để giải quyết vướng mắc thủ tục liên quan đến đăng kiểm ô tô nhập khẩu, kiểm định an toàn thực phẩm đối với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu qua cảng...để thuận lợi cho chủ hàng, hãng tàu, qua đó để đẩy mạnh nhập khẩu qua cảng Cái Lân. Đồng thời, tới đây, tỉnh sẽ làm việc với Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty dầu PV Oil để điều chỉnh tăng lượng xăng dầu do nhập qua cảng dầu B12, đề nghị các doanh nghiệp tiêu thụ dầu trên địa bàn tỉnh cố gắng tiêu thụ dầu của Công ty xăng dầu B12 để chúng ta tăng nguồn thu thuế đối với bảo vệ môi trường trong giá xăng... Đối với khoản nợ thuế XNK của các doanh nghiệp tỉnh sẽ cương quyết có các giải pháp thu hồi, thậm chí dùng biện pháp điều tra để khởi kiện đối với một số doanh nghiệp. Đối với thuế nội địa, phấn đấu thu nội địa năm 2015 đạt từ 19.050 tỷ đồng trở lên để có nguồn vượt thu cho đầu tư phát triển, bù phần hụt thu thuế XNK xăng dầu và than bị hụt so với dự kiến. Vì vậy mong 14 địa phương phấn đấu cao nhất cho thu ngân sách trong 6 tháng còn lại của năm 2015. Đồng thời tăng cường thanh tra công tác thuế của thanh tra nhà nước đối với các doanh nghiệp nộp thuế, tập trung các lĩnh vực nhà hàng, tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, khách sạn để tăng thu, chống thất thu ngân sách nhà nước.
- Tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên: Thực hiện theo đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tạm giữ 10% chi thường xuyên phần không tự chủ trong 8 tháng cuối năm, chi không quá 50% dự phòng ngân sách; dành cho đầu tư phát triển 50% tổng chi ngân sách địa phương. Tập trung điều hành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giải ngân XDCB, nhất là các công trình trọng điểm, kiên quyết không khởi công mới công trình không bố trí kế hoạch, vốn để không làm phát sinh nợ đọng XDCB. Qua xem lại, một số công trình trọng điểm triển khai chậm, công tác chuẩn bị đầu tư cũng còn kéo dài, vừa qua, tỉnh chỉ đạo hết 30-6-2015, nếu không triển khai khởi công sẽ điều hòa vốn đợt 1 và hết tháng 10-2015 sẽ điều hòa vốn đợt 2, do đó các địa phương và chủ đầu tư cần hết sức lưu ý vấn đề này.
Phấn đấu cơ bản thanh toán nợ đọng XDCB theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 (không để nợ đọng XDCB phát sinh sau ngày 31/12/2014). Do đó, Giám đốc các sở, Chủ tịch UBND các địa phương và chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính và Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó chỉ khởi công mới những công trình bố trí được vốn và không làm phát sinh nợ XDCB.
- Điều hành linh hoạt chi ngân sách, nhất là chi cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án hợp tác công tư (Đường cao tốc, Khu kinh tế Vân Đồn,...). Tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính phát hành Trái phiếu chính quyền địa phương, khi được Chính phủ đồng ý thì UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh.
3. Tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn lực ngoài ngân sách (Tư nhân và đầu tư nước ngoài) cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội theo hình thức hợp tác công – tư mà tỉnh Quảng Ninh đã đi đầu trong việc hình thức đầu tư này. Đây là giải pháp quyết định có tính động lực hết sức quan trọng cho đầu tư phát triển theo hướng ngân sách chỉ đầu tư những công trình, vùng khó khăn không huy động được đầu tư xã hội (Giao thông, thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế,...). Đặc biệt, đối với 2 ngành giáo dục và y tế từ trước đến nay đều trông chờ vào ngân sách nhiều nhất, thì đến nay, đã tập trung huy động nguồn ngoài ngân sách, kêu gọi nhiều doanh nghiệp vào đầu tư.
Để huy động được nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư thiết thực, hiệu quả, chuyên nghiệp. Tỉnh dành ngân sách cho công tác giải phóng mặt bằng, xem xét hỗ trợ một phần lãi suất vay ngân hàng thương mại cho nhà đầu tư theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 15/NĐ-CP và Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành. Do vậy, đề nghị các ngành, địa phương cần chủ động lựa chọn những công trình, không chỉ trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước.
4. Tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù và các nội dung công việc theo Thông báo số 235/TB-VPCP ngày 18/6/2014 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ khi làm việc với lãnh đạo tỉnh và Quyết định số 2428/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh và Khu kinh tế Vân Đồn. Để ra kết quả cụ thể, tỉnh tiếp tục kiên trì làm việc với các cơ quan Bộ, ngành Trung ương, mặc dù không phải là dễ dàng. UBND tỉnh sẽ thường xuyên kiểm điểm đánh giá kết quả để có chỉ đạo kịp thời.
5. Tiếp tục quan tâm triển khai hết sức cụ thể, nhất là những tiêu chí còn thấp để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ. Trong 2 năm vừa rồi, PCI của Quảng Ninh đứng trong top 5 cả nước, tuy nhiên một số chỉ tiêu hiện nay cần phải tiếp tục cải thiện. PCI là chỉ số năng lực cạnh tranh mà doanh nghiệp đánh giá đối với chính quyền, trên tinh thần đó, tỉnh đang triển khai đánh giá PCI của các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố hàng năm để khắc phục tồn tại, yếu kém, giữ vững PCI của tỉnh trong tốp đầu các tỉnh, thành phố trong cả nước, qua đó tạo ra môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Có kế hoạch và triển khai quyết liệt để cải thiện nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). PAPI là chỉ số đánh giá của người dân đối với cấp chính quyền trong việc giải quyết vấn đề giữa chính quyền và nhân dân. Song song với đó cũng nâng cao chỉ số cải cách hành chính Par Index của tỉnh. Hai chỉ số này của tỉnh ta còn thấp trong năm 2014. Trong 6 tháng cuối năm, sẽ tập trung giải quyết, triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao 2 chỉ số này.
6. Tăng cường công tác quản lý nhà nước từ cơ sở đến tỉnh trên các lĩnh vực, nhất là: quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, tài nguyên môi trường. Riêng quy hoạch, tỉnh yêu cầu một số địa phương chậm nhất trong tháng 7-2015 phải hoàn thành xong; đồng thời sắp tới đây, sau khi hoàn thành xong Cung quy hoạch triển lãm, các quy hoạch sẽ đưa vào đây để người dân giám sát cũng như để xây dựng thành một sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, điều chỉnh quy hoạch các dự án “treo”, lãng phí đất đai kéo dài; sớm triển khai quy hoạch các Nhà máy xử lý rác thải, hoàn nguyên môi trường các mỏ than, xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất than, nhất là môi trường Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng theo cam kết với tỉnh, điện, xi măng, môi trường trong nông thôn, Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long...đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn để xây dựng Quảng Ninh là nơi các nhà đầu tư tin tưởng đến đầu tư sản xuất kinh doanh; các du khách trong và ngoài nước đến Quảng Ninh ngày càng tăng; nhân dân phấn khởi, tự hào cùng nhau xây dựng vùng đất này ngày càng giàu đẹp, văn minh.
7. Các cấp chính quyền, nhất là người đứng đầu tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, người dân để giải quyết dứt điểm những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ cơ sở; không để khiếu nại, kiến nghị vượt cấp, kéo dài, nhất là trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, chuẩn bị Đại hội toàn quốc của Đảng vào quý I/2016.
Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ và đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, UBND tỉnh điều hành quyết liệt, linh hoạt, trọng tâm, trọng điểm theo mục tiêu đã đề ra, phấn đấu đạt kết quả cao nhất về kinh tế - xã hội năm 2015, góp phần quan trọng vào hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015.
Tôi thay mặt UBND tỉnh, các Sở, ngành và UBND các địa phương xin chân thành cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, của Tỉnh ủy, sự giám sát của các cơ quan HĐND các cấp, của các vị Đại biểu HĐND, của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong thời gian qua. Tôi cũng rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới để UBND tỉnh hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình.
Liên kết website
Ý kiến ()