Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 06:33 (GMT +7)
Kích hoạt trạm y tế lưu động tham gia chống dịch
Thứ 4, 10/11/2021 | 09:11:53 [GMT +7] A A
Trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, dự kiến Hà Nội sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, trong đó có 20 trạm y tế xã được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Hiện tại, 30/30 quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai mô hình trạm y tế lưu động. Việc kích hoạt các trạm y tế lưu động góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Nhiều trạm y tế được thiết lập tại khu dân cư, khu công nghiệp
Nhằm chủ động, sẵn sàng ứng phó với các cấp độ của dịch Covid-19, UBND huyện Đông Anh đã ban hành quyết định thành lập 29 trạm y tế lưu động, trong đó có trạm y tế lưu động tại Khu công nghiệp Thăng Long và các trạm y tế lưu động tại các cụm công nghiệp trên địa bàn, bảo đảm nguyên tắc, mỗi địa bàn xã, thị trấn có ít nhất 1 trạm y tế lưu động.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, huyện luôn coi công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ cấp bách. Để chủ động phòng, chống dịch trong tình hình mới, huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc vận hành trạm y tế lưu động.
“Huyện Đông Anh đã thiết lập trạm y tế lưu động tại Khu công nghiệp Thăng Long. Với các trang thiết bị thiết yếu, như: Tủ thuốc, giường bệnh, bình ô xy, mặt nạ thở... cùng 5 nhân viên y tế; trạm y tế lưu động này sẽ giúp cho mỗi cán bộ, công nhân khu công nghiệp được tiếp cận y tế mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh nhất, đồng thời xử lý kịp thời bệnh nhân triệu chứng nặng; xét nghiệm nhanh Covid-19 để tách F0 ra khỏi cộng đồng”, ông Nguyễn Xuân Linh cho biết.
Hiện tại, 14/14 phường của quận Ba Đình cũng đã thiết lập trạm y tế lưu động với tối thiểu 5 nhân viên/trạm; được bố trí đầy đủ các trang thiết bị và phòng, khu vực làm việc, như: Bàn tiếp đón, khu vực xét nghiệm Covid-19, khu vực cấp cứu, khu vực khám bệnh, phòng cách ly tạm thời, phòng trực, phòng nghỉ của cán bộ. Trạm Y tế lưu động của phường Giảng Võ (quận Ba Đình) cũng đã đáp ứng 5 nhiệm vụ chính: Quản lý, theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà và cộng đồng; lấy mẫu xét nghiệm Covid-19; tiêm chủng vắc xin; truyền thông về công tác phòng, chống dịch bệnh, khám điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác.
Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, UBND quận Thanh Xuân quyết định thành lập trạm y tế lưu động tại 11 phường. Bác sĩ Ngô Phương, Trạm Y tế lưu động phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc thiết lập trạm y tế lưu động là rất cần thiết, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
“Cánh tay nối dài” của các cơ sở y tế
Dự kiến, Hà Nội sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, trong đó có 20 trạm y tế xã được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong tuần qua, nhiều trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố đã được kích hoạt và tổ chức diễn tập với các tình huống giả định khi xuất hiện các chùm ca Covid-19 trong khu dân cư và khu công nghiệp trên địa bàn.
Với các tình huống giả định được đặt ra, các buổi diễn tập đã diễn ra thành công, đáp ứng được các yêu cầu về quản lý, theo dõi và chăm sóc người nhiễm Covid-19; đáp ứng khi công nhân có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19; phản ứng khi người dân mắc vi rút SARS-CoV-2 có diễn biến nặng cần xử lý kịp thời; khám, chữa bệnh thông thường cho người dân…
Tham gia các buổi diễn tập, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đã đánh giá cao tinh thần chủ động của các quận, huyện, thị xã trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ trong một thời gian chuẩn bị rất ngắn, nhưng các trạm y tế lưu động tại nhiều quận, huyện đã bảo đảm đầy đủ về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ các bình ô xy, thuốc theo danh mục…, tất cả đều đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả, một số trạm y tế lưu động cần phải xây dựng quy chế làm việc, phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ, đồng thời niêm yết lịch trực, đường dây nóng, có biển hiệu, biển chỉ dẫn đặt ở nơi dễ nhìn.
Ông Trần Văn Chung cũng lưu ý, các địa phương cần quan tâm đến địa điểm đặt trạm y tế lưu động; nên bố trí trạm y tế ở những nơi có giao thông thuận tiện. Ngoài ra, mỗi trạm y tế cần có ít nhất 5 phòng riêng biệt, bảo đảm thu nhận được 100 người F0. Khi mô hình trạm y tế lưu động phát triển mạnh sẽ trở thành “cánh tay nối dài” cho các cơ sở y tế. Cụ thể là giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại cơ sở, góp phần giảm gánh nặng cho các cơ sở điều trị Covid-19.
Theo Hà Nội Mới
Liên kết website
Ý kiến ()