Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:49 (GMT +7)
Kích thích năng lượng sáng tạo của văn nghệ sĩ
Thứ 3, 20/12/2022 | 14:00:54 [GMT +7] A A
Văn học - nghệ thuật là lĩnh vực quan trọng và đặc biệt tinh tế, cao quý, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người.
Ngày 19-12 tại Hà Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị "Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới".
Hệ giá trị văn hóa Việt Nam
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nhìn lại chặng đường 15 năm qua với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự cống hiến, tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, lĩnh vực văn học - nghệ thuật đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các lĩnh vực văn học - nghệ thuật đều có những tác phẩm với chất lượng tốt, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, khơi dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước.
Tuy nhiên, nền văn học - nghệ thuật Việt Nam đến nay đang bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Đội ngũ người làm văn học - nghệ thuật ngày càng thiếu vắng những tài năng thực thụ. Các tác phẩm mới xuất hiện nhiều hơn nhưng chất lượng chưa tương xứng với số lượng. Công tác lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật vẫn còn không ít hạn chế.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp nghiêm túc tổ chức tổng kết nghị quyết nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý về bản chất, đặc trưng, vị trí, vai trò của văn học - nghệ thuật đối với sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Văn học - nghệ thuật phải được xem là một nguồn lực quan trọng trong sự phát triển, đồng thời là sức mạnh nội sinh của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cần tập trung đẩy mạnh thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng về văn học - nghệ thuật thành luật, cơ chế, chính sách và các quy định phù hợp với thực tiễn. Huy động nguồn lực để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, bổ sung hoàn thiện hệ thống lý luận văn học - nghệ thuật của Việt Nam. Cải thiện môi trường sáng tạo, làm nghề của văn nghệ sĩ, trong đó vấn đề tự do sáng tạo cần được thể chế hóa, góp phần giải phóng tư tưởng, tiềm năng, kích thích năng lượng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Các văn nghệ sĩ phải là lực lượng tiên phong gánh vác sứ mệnh vẻ vang, chăm lo, bồi dưỡng nhân cách, góp phần xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong tình hình mới.
Tăng đầu tư cho văn học - nghệ thuật
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ - Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật trung ương - cho rằng nhu cầu xã hội đối với văn học - nghệ thuật luôn thay đổi, luôn đòi hỏi mới mẻ, sản phẩm văn học - nghệ thuật cũng có "chu kỳ sống", vì thế tạo áp lực cho văn học - nghệ thuật phải luôn đổi mới. Các sản phẩm văn học - nghệ thuật được tạo ra từ sự sáng tạo của con người, đó là tài nguyên vô tận và vô giá. Sản phẩm văn học - nghệ thuật trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa, sẽ góp phần nâng cao vị thế quốc gia, trở thành "sức mạnh mềm" ảnh hưởng lên toàn cầu.
Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, văn học - nghệ thuật không đơn thuần là một lĩnh vực giải trí mà có thể đóng góp vào kinh tế đất nước. Theo thống kê, các sản phẩm văn hóa đem lại nguồn thu cho nước Mỹ nhiều hơn xuất khẩu vũ khí, vốn là thế mạnh của quốc gia này. Tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế sáng tạo luôn cao hơn 1,5 lần so với tốc độ trung bình của các quốc gia.
PGS-TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cho rằng việc thể chế hóa các nội dung Nghị quyết 23 bằng pháp luật, cơ chế, chính sách còn chậm, nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, chậm đi vào cuộc sống. Một số luật và nghị định đã bộc lộ những bất cập so với tình hình thực tế. Một số chính sách đầu tư kinh phí, ngân sách cho lĩnh vực văn học - nghệ thuật còn thấp. Chưa chú trọng trong công tác đào tạo, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về văn học - nghệ thuật.
Cũng chung quan điểm này, nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, cho hay mức đầu tư cho văn học hiện nay là chưa tương xứng.
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật trung ương, kiến nghị: "Việc đầu tư kinh phí cho các hoạt động sáng tạo nghệ thuật là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững. Cần xây dựng đề án và cơ chế bảo tồn, truyền bá các loại hình văn học - nghệ thuật cổ truyền... Chế độ lương, nhuận bút và đãi ngộ tài năng cũng cần chú trọng hơn nữa".
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ nhấn mạnh việc đa dạng hóa các hình thức đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật.
Quyền tự do sáng tác phải gắn với trách nhiệm công dân
TS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Kiến trúc sư Việt Nam, trăn trở: "Số lượng tác phẩm văn học - nghệ thuật ngày càng nhiều nhưng lại ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật. Sản phẩm yếu kém chất lượng đã gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng, nhất là giới trẻ". Nhiều nhà chuyên môn cũng bức xúc tình trạng một bộ phận văn nghệ sĩ bất chấp tất cả, chấp nhận cả sự thị phi, cấm kỵ để đạt được danh tiếng.
Trước những hạn chế nói trên, các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt quản lý bằng chế tài cụ thể và nghiêm khắc. Cần hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan đến văn học - nghệ thuật. Sự tôn trọng quyền tự do sáng tác của văn nghệ sĩ phải gắn với trách nhiệm công dân, kỷ cương xã hội và trên hết là thượng tôn pháp luật.
Theo Người lao động
Liên kết website
Ý kiến ()