Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 22:00 (GMT +7)
Kiểm tra hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên biển: "Đụng" đâu, sai đó
Chủ nhật, 13/08/2017 | 12:53:00 [GMT +7] A A
Vẫn nghe thông tin về tình hình khai thác nguồn lợi thủy sản trên địa bàn xảy ra nhiều vi phạm, song có tham gia đoàn thanh kiểm tra liên ngành đột xuất tại vùng biển Cẩm Phả và Vân Đồn do Sở NN&PTNT tổ chức mới đây, chúng tôi mới thấy thực tế còn “nóng” hơn tưởng tượng.
Ngư dân tàng trữ dây điện để sử dụng nghề khai thác cấm |
Trong chuyến hành trình, đoàn đã phát hiện và xử lý 4 trường hợp ngư dân vi phạm quy định khai thác thủy sản. Trong đó, bắt quả tang 1 trường hợp đang sử dụng 180 bộ lồng bát quái để đánh bắt thủy sản, để tăng hiệu quả, chủ tàu còn dùng công cụ tời máy để rải và thu lồng - đây đều là các phương tiện đánh bắt thủy sản đang bị cấm do có tính tận diệt nguồn lợi thủy sản cao.
3 trường hợp còn lại đoàn liên ngành tiếp cận nhằm mục đích kiểm tra hành chính, tuy nhiên các hiện vật mà đoàn phát hiện được tại tàu như kích điện, máng cào, lưới mắt nhỏ gắn dây điện, dây dẫn điện, nhiều các thùng xốp đựng cá, tôm nhỏ… đã "tố cáo" chủ tàu sử dụng các phương tiện thuộc danh mục nghề cấm trong khai thác thủy sản.
Loại lưới mắt nhỏ, đầu lưới gắn dây điện gây hủy diệt cho các loại thủy sản |
Khai báo với đoàn kiểm tra, một chủ tàu thừa nhận làm nghề te xiệc để tăng thu nhập đồng thời cho biết tất cả tàu các “đồng nghiệp” của mình đều có kích điện. Theo chủ tàu trên, kích điện nhỏ gọn, dễ mua, giá rẻ, dễ cất giấu và sử dụng, đặc biệt hiệu quả sử dụng cao, có thể thu bắt, giết chết hầu hết thủy hải sản lớn bé, kể cả trứng, ấu trùng trong vùng ảnh hưởng của dòng điện, làm suy kiệt nghiêm trọng sự sinh sản và phát triển của các loài thủy sản.
Tìm hiểu thêm qua con số thống kê các vụ vi phạm mà Chi Cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) phát hiện và xử lý từ đầu năm đến nay, cho thấy số tàu không đăng ký đăng kiểm chiếm đến gần 30%. Điều này là rất nghiêm trọng bởi số tàu thuyền này đang nằm ngoài diện quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, trong khi đó theo quy định đối với các trường hợp vi phạm về khai thác thủy sản không được tịch thu phương tiện tàu cá nên rất khó xử lý.
Ngư dân sử dụng nghề cấm khai thác tận diệt tất cả các loại cá, tôm nhỏ |
Cũng theo cơ quan chức năng, việc kiểm tra các vi phạm trên biển đã khó khăn do vùng biển rộng, nguồn nhân lực của các địa phương hạn chế, tuy nhiên, khi kiểm tra phát hiện vi phạm thì xử lý cũng không đơn giản. Bởi đa số các ngư dân đều lấy lý do có hoàn cảnh khó khăn để không thi hành mức phạt ngay. Theo đúng trình tự, lực lượng chức năng sẽ phải áp tải tàu vi phạm vào bờ, tìm cách để phương tiện đậu đỗ cũng như cử nhân lực để trông coi, trong khi đơn vị chức năng không được bố trí kho bãi cũng như con người để làm việc này. Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn thừa nhận, tình trạng ngư dân trên địa bàn khai thác sử dụng các dụng cụ kích điện, lưới mắt nhỏ để khai thác thủy sản trên vùng biển Vân Đồn hiện nay rất nhiều. Trong đó, ngư dân ở 2 xã: Bản Sen và Thắng Lợi của huyện là 2 địa bàn có số tượng "vào nghề" rất đông. Huyện Vân Đồn đã triển khai nhiều đợt thanh kiểm tra, xử lý, song do khó về kinh phí, con người nên kết quả không cao.
Cũng qua kiểm tra cho thấy, nhận thức và hiểu biết của ngư dân về những quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực khai thác nguồn lợi thủy sản của ngư dân rất hạn chế. Điều này xuất phát từ nhiều lý do, đứng ở góc độ quản lý nhà nước thì có thể thấy công tác tuyên truyền của các địa phương vẫn chưa tới được với ngư dân, mặc dù đã có những quy định, chỉ đạo của tỉnh rất rõ ràng, cụ thể.
Ngư dân đang sử dụng lồng bát quái để khai thác thủy sản |
Từ thực tế này cho thấy trách nhiệm của các địa phương cần phải tăng cường hơn công tác thanh kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân. Bên cạnh đó, các cấp các ngành cần thiết phải có giải pháp thật sự hữu hiệu trong việc định hướng, hỗ trợ ngư dân bám biển, khai thác nguồn lợi thủy sản một cách bền vững hơn, bởi, đại đa số ngư dân đang hành nghề khai thác thủy sản có tính chất tận diệt đều là những hộ gia đình tương đối khó khăn.
Ông Đinh Công Hiển, Trưởng Phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Thủy sản, cho biết: Tính từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh phát hiện và xử lý gần 2.200 trường hợp vi phạm, bằng con số của 5 năm trước đó gộp lại. Chỉ tính riêng 7 tháng qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý khoảng 500 vụ, cao hơn 10% so với cùng kỳ 2016. Trong đó số vụ vi phạm được phát hiện và xử lý tại vùng biển Vân Đồn, Cẩm phả khá cao. Đặc trưng chung là các vụ vi phạm đều sử dụng ngư lưới cụ cấm hoặc hành nghề khái thác thủy sản, đồng thời thiếu các loại giấy tờ liên quan, đặc biệt là tình trạng tàu không đăng ký đăng kiểm rất nhiều.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()