Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 19:02 (GMT +7)
Bài 1: "Cuộc cách mạng xanh" trên Vịnh Hạ Long
Chủ nhật, 15/10/2017 | 18:48:05 [GMT +7] A A
Tháng 8/2014, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 1798/QĐ-UBND phê duyệt “Quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trong đó chú trọng công tác bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long gắn với nâng cao, chuyển biến nhận thức của cộng đồng dân cư có tác động đến khu vực Vịnh Hạ Long nhằm bảo tồn, phát huy, nâng cao giá trị của Vịnh Hạ Long, đảm bảo phát triển bền vững.
Thực hiện Quyết định đó, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực vào cuộc, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, trong việc bảo vệ, quản lý giữ gìn di sản Vịnh Hạ Long…
-----------------------------------------------
Quyết sách mà tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long đó là chủ trương di dời các nhà bè trên Vịnh Hạ Long, quy hoạch, sắp xếp lại khu vực nuôi trồng thuỷ sản trên Vịnh và chuyển toàn bộ các ngư dân sinh sống tại 7 làng chài trên Vịnh lên bờ sinh sống; đổi mới mô hình quản lý Vịnh Hạ Long, quản lý tàu du lịch, bến cảng tạo môi trường kinh doanh du lịch văn minh… Những việc làm đó của tỉnh được ví như cuộc cách mạng làm xanh hóa môi trường kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long, cho một tương lai lâu dài, bền vững.
Đề án di dân lên bờ - đảm bảo an sinh cho ngư dân
Theo số liệu thống kê, cuối năm 2012, trên Vịnh Hạ Long có 7 làng chài với trên 614 nhà bè, trong đó tập trung nhiều nhất ở phường Hùng Thắng gồm các làng chài: Cửa Vạn, Ba Hang, Cặp Dè và Vông Viêng. Với nhiều nhà bè nuôi trồng hải sản, giao dịch, kinh doanh nhà hàng, nên lượng tàu và khách ra vào khu vực nhiều đã tác động đến hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa, gây cản trở luồng tàu chạy trên biển, ô nhiễm môi trường nước; người dân, nhất là trẻ em khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục… gây áp lực cho công tác bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long.
Cuộc sống của cư dân làng chài trước khi được chuyển đến khu tái định cư trên đất liền (Ảnh chụp năm 2013 tại làng chài ven biển Cột 5) |
Từ thực tế đó, tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương di dời người dân làng chài lên bờ sinh sống, đem lại cho họ cuộc sống an cư và cơ hội thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội của nhà nước. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, TP Hạ Long đã xây dựng Đề án di dời, xử lý nhà bè, làng chài trên Vịnh và sắp xếp ổn định dân cư.
Theo báo cáo của TP Hạ Long, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Đề án di dời nhà bè và làng chài trên vịnh, thành phố đã bàn giao được 344 hộ dân lên bờ sinh sống; tổ chức tuyên truyền, vận động và cưỡng chế di dời 287 nhà bè, góp phần nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị Vịnh Hạ Long và đảm bảo cuộc sống ổn định, bền vững cho cư dân làng chài. Đến nay 364 hộ dân làng chài đã an cư trên đất mới tại Khu tái định cư phường Hà Phong, hàng trăm đứa bé làng chài mù chữ đã được cắp sách đến trường, TP Hạ Long đã và đang tổ chức các lớp học đào tạo nghề cho ngư dân, bố trí việc làm phù hợp cho họ.
Có thể khẳng định, Đề án Di dân lên bờ của tỉnh thực sự là bước ngoặt quan trọng khi vừa giải quyết ổn định cuộc sống của hàng nghìn người dân làng chài, vừa góp phần bảo tồn và phát triển bền vững môi trường vịnh Hạ Long. Từ đó, giải quyết được những vấn đề “nóng” trên Vịnh liên quan đến các nhà bè, như kinh doanh, nuôi trồng thuỷ sản trái phép, tình trạng “chặt chém” du khách trên Vịnh đã giảm đi nhiều.
Song song với đó, thành phố đã và đang tích cực triển khai xây dựng các hạ tầng thiết yếu như cảng, bến, luồng lạch phục vụ nhân dân đi lại, đánh bắt và kinh doanh trên vịnh; tổ chức lập đề án xây dựng sản phẩm du lịch mới phục vụ khách du lịch trên vịnh và giải quyết việc làm cho nhân dân; tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục và quan tâm hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.
Diện mạo mới cho Vịnh Hạ Long
Những năm trước đây, tình trạng hoạt động kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long rất lộn xộn, chụp giật, chặt chém, mạnh ai nấy làm; nhiều tàu chở khách không đảm bảo an toàn, nhếch nhác và nhiều vụ cháy tàu, đắm tàu đã xảy ra ảnh hưởng đến môi trường du lịch của tỉnh.
Tàu hoạt động vận chuyển khách trên vịnh Hạ Long được sơn trắng, hiện đại. |
Nhằm giữ gìn, phát huy và nâng cao giá trị di sản Vịnh Hạ Long, trong những năm qua, tỉnh đã ra nhiều văn bản có tính định hướng cao đối với công tác quản lý, phát huy giá trị Vịnh Hạ Long. (Quyết định 1139/QĐ-UBND (ngày 27-4-2015) “Phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long đến năm 2020” ; Quyết định 4088 về việc nâng cao chất lượng quản lý đội tàu du lịch trên vịnh; Văn bản số 3736 chỉ đạo chuyển chức năng quản lý nhà nước từ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long về UBND TP Hạ Long)…
Thực hiện chủ trương của tỉnh, toàn bộ hệ thống chính trị đã nỗ lực với nhiều cuộc “cách mạng” tạo nên sắc thái diện mạo mới cho Vịnh Hạ Long.
Đầu tiên là việc siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh trên Vịnh bằng Quy chế quản lý kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long. Theo đó nghiêm cấm việc bán hàng rong, chèo kéo khách, ăn xin; cấm việc nâng giá tuỳ tiện và ép khách mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ với giá cao hơn giá đã kê khai, đăng ký và niêm yết.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên Vịnh Hạ Long khi đưa khách đi tham quan phải tuân thủ đúng các hành trình, tuyến, điểm tham quan đã được ghi trong giấy phép rời cảng. Khi cho khách thuê tàu phải có hợp đồng bằng văn bản cụ thể với khách hoặc hình thức vé cước theo quy định; phải kê khai, niêm yết giá cước rõ ràng trên từng tàu du lịch; không được để phương tiện khác bám vào phương tiện của mình để mu bán, hàng hóa, dịch vụ.
Nếu các cá nhân, hoặc tổ chức vi phạm Quy chế có thể phải chịu hình thức xử lý từ tạm dừng kinh doanh từ 5 hoặc 10 ngày đến chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ, hay bị tước giấy phép kinh doanh.
Tiếp đó, để phát triển du lịch một cách bền vững, đảm bảo hài hoà giữa khai thác và bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư, hoàn thiện cảng bến và hạ tầng du lịch, công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đã được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm.
Theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh, đến nay 100% tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đã được sơn màu trắng tạo nên nét đẹp riêng có của biển Hạ Long, tạo được sức hấp dẫn mới lạ cho du khách. Bên cạnh đó nhiều tàu vỏ gỗ đã được thay thế bằng tàu sắt, lắp đặt thiết bị định vị, thiết bị lọc nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường, nhờ đó đội tàu khách trên Vịnh Hạ Long cũng ngày càng hiện đại, đảm bảo an toàn hơn.
Vấn đề giữ gìn môi trường Vịnh cũng được đặc biệt quan tâm với hàng loạt giải pháp như tuyên truyền, giáo dục cộng đồng; kiểm tra xử lý; thực hiện các dự án, đề tài, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến để cải thiện môi trường Vịnh Hạ Long với sự tham gia với tổ chức JICA ; di chuyển các hoạt động khai thác, sàng tuyển, bóc rót than ra khỏi vùng lõi Vịnh, siết chặt quản lý bốc, rót clinke trên biển…
Đặc biệt, từ ngày 25/11/2015 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3736/QĐ-UBND về việc chuyển chức năng quản lý nhà nước Vịnh Hạ Long từ Ban quản lý Vịnh Hạ Long sang UBND TP Hạ Long. Việc chuyển giao này nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, tổ chức hiệu quả các hoạt động trên Vịnh Hạ Long.Từ đó, công tác quản lý thu phí tham quan vịnh Hạ Long đã được tổ chức khoa học và hiệu quả hơn. Theo báo cáo của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, thu phí 9 tháng đầu năm đạt hơn 801 tỷ đồng và cả năm 2017 ước đạt 1.000 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách Vịnh Hạ Long đạt mức kỷ lục như vậy.
Có thể thấy “cuộc cách mạng xanh” trên Vịnh Hạ Long đã mang lại những thành công tốt đẹp. Đề án di dân, đưa ngư dân làng chài lên bờ đã góp phần lớn trong việc giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường, bảo tồn nguyên trạng các giá trị cốt lõi của vịnh Hạ Long, đặc biệt là đảm bảo an sinh cho người dân nghèo trên biển. Tình trạng bất cập, lộn xộn trong kinh doanh du lịch, thiếu an toàn của các tàu du lịch cũng như ô nhiễm môi trường trên Vịnh Hạ Long đã được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Đặng Nhung
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()