Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 18:44 (GMT +7)
Bài 3: Cần có giải pháp lâu dài, bền vững
Thứ 4, 18/10/2017 | 13:07:40 [GMT +7] A A
Nỗ lực đưa ngư dân lên bờ, quản lý hoạt động kinh doanh trên Vịnh Hạ Long, cấm đánh bắt, khai thác thủy sản trong vùng lõi di sản, tất cả đều chung mục tiêu vì một tương lai vững bền cho đời sau. Và để cho những nỗ lực đó có một kết quả vững chắc, rất cần có những giải pháp lâu dài bền vững.
[links()]
Kiến tạo cuộc sống mới cho ngư dân
Năm 2012, trong một chuyến đi khảo sát đời sống của cư dân làng chài trên Vịnh Hạ Long, một cô bé làng chài đã nói với tôi về ước mơ của em “chỉ mong được đến trường trên một chiếc xe đạp và được nô đùa chạy nhảy mà không lo trượt chân xuống nước”.
Khu tái định cư của làng chài tại phường Hà Phong. Ảnh: Thu Trang |
Uớc mơ đó tưởng chừng xa vời với một cô bé làng chài quanh năm lênh đênh trên sóng nước. Nhưng giờ đây, khi đến làng chài Hà Phong ( Khu tái định cư cho ngư dân làng chài tại phường Hà Phong, TP Hạ Long) ngắm những ngôi nhà trắng màu vôi mới, vững chãi trên mặt đất, trên những con đường bê tông bằng phẳng những đứa trẻ đạp xe, nô đùa tung tăng, tôi chợt thấy lòng vui vui. Vậy là giấc mơ của đứa bé làng chài năm xưa đã thành hiện thực. Bao nhiêu cuộc đời, gia đình cuối cùng cũng đã tìm được bến đỗ bình yên, chấm dứt những ngày lênh đênh trên biển, vật lộn mưu sinh, đối mặt với bão gió, bệnh tật, thất học, nghèo đói…
Sau nhiều nỗ lực, năm 2014, dự án khu tái định cư tại phường Hà Phong, TP Hạ Long với tổng kinh phí 167 tỷ đồng được hoàn thành. Trên diện tích 8ha, 364 căn nhà đã trở thành mái ấm bình yên của hàng nghìn dân chài trên Vịnh Hạ Long.
Dẫu rằng rời xa tập quán cũ, làm quen với môi trường mới ban đầu không ít những khó khăn nhưng dần dần người dân ở đây đã quen với cuộc sống mới, công việc mới. Nhiều gia đình đã đầu tư mở quán bán hàng, kinh doanh hàng hóa, thanh niên thì đi học nghề…
Ở khu làng chài Hà Phong bây giờ không chỉ các em nhỏ đến tuổi đi học được cắp sách tới trường, mà cả những thanh niên trưởng thành cũng theo các lớp bổ túc nâng cao trình độ; còn những người lớn tuổi không biết chữ thì tham gia học các lớp học xoá mù vào buổi tối...
Theo lãnh đạo TP Hạ Long cho biết, với mong muốn giúp bà con có việc làm ổn định, gắn bó với cuộc sống trên bờ, ngoài việc lo chỗ ở cho bà con, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đơn vị trên địa bàn đã vào cuộc cùng giải quyết. Thành phố đã mở các lớp đào tạo nghề như: Nuôi trồng thuỷ sản, đan lưới, lái xe ô tô... Phối hợp với Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng thực hiện Dự án “Hỗ trợ thanh thiếu niên khó khăn vùng ven biển tiếp cận công nghệ thông tin cải thiện cuộc sống” do Microsoft tài trợ; Kêu gọi tập đoàn Coca-Cola hỗ trợ lắp đặt một Trung tâm EKOCENTER tại khu 8 phường Hà Phong, nhằm giúp các cộng đồng dân cư còn đang khó khăn trong việc tiếp cận những nhu cầu sinh hoạt cơ bản như nước sạch, tiện ích dân sinh; tham vấn ý kiến các chuyên gia đầu ngành cho Kế hoạch quản lý di sản vịnh Hạ Long giai đoạn 2017-2021...
Cùng với đó là phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức phiên chợ việc làm nhằm tuyển sinh đào tạo nghề mới và giải quyết việc làm cho người dân trong độ tuổi lao động tuổi…
Mặt khác, để người dân có vốn sản xuất, tuỳ theo nhu cầu của các hộ dân, UBND TP Hạ Long đã thống nhất cùng Ngân hàng Chính sách xã hội ưu tiên hỗ trợ cho vay vốn đối với các hộ nghèo thuộc đối tượng di dời nhà bè hoặc vốn phát triển sản xuất.
Đối với những hộ dân có hộ khẩu tại TP Hạ Long có nhu cầu tiếp tục nuôi trồng thuỷ sản, UBND thành phố cho phép được tiếp tục nuôi trồng tại các điểm nuôi trồng theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Xây dựng Khu neo đậu tàu thuyền và nạo vét luồng Cái Xà Cong đảm bảo tàu thuyền ra vào. Đồng thời tổ chức lập đề án tạo ra các sản phẩm du lịch mới phục vụ khách du lịch trên Vịnh, giải quyết việc làm cho các hộ nhà bè di dời lên đất liền sớm ổn định cuộc sống.
Dù người dân làng chài đã lên bờ định cư nhưng vẫn được tạo điều kiện bám biển, bám vịnh bằng việc duy trì mô hình hợp tác xã dịch vụ du lịch vận tải trên Vịnh Hạ Long. Đây là một cách làm hay, vừa tạo việc làm, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho ngư dân vừa góp phần làm phong phú các tuyến tham quan trên Vịnh Hạ Long, bảo tồn văn hóa vùng biển ở địa phương.
Cần một giải pháp lâu dài bền vững
Dù chưa phải đã hoàn toàn tốt đẹp như mong muốn nhưng cuộc sống của ngư dân làng chài tại Khu tái định cư như vậy là đã tạm ổn. Tuy nhiên, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vẫn đang tiếp tục giải quyết những vấn đề mới phát sinh, đó là việc chuyển đổi nghề cho hàng nghìn ngư dân đang đánh bắt gần bờ trong vùng Vịnh Hạ Long.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, hiện nay có khoảng 5.000 tàu, thuyền đánh bắt, khai thác thủy sản trên Vịnh Hạ Long. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về việc cấm khai thác thủy sản trong vùng lõi di sản những chủ tàu này sẽ phải chuyển đổi nghề hoặc đầu tư nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ.
Thực tế trong điều kiện nguồn lợi thuỷ sản ngày càng khan hiếm, sự cạnh tranh giữa các tàu khai thác lớn, việc khai thác ven bờ với những ngư cụ đơn giản thực sự không mang lại nguồn thu nhập lớn cho ngư dân. Tuy nhiên, do không có nghề trong tay, nên điều kiện kinh tế khó khăn, thậm chí biết khai thác huỷ diệt là vi phạm pháp luật, nhưng vì mưu sinh, miếng cơm, manh áo nên nhiều ngư dân vẫn cứ làm liều. Vì vậy để giải quyết tận gốc vấn đề ngoài việc nâng cao nhận thức của ngư dân cần phải có những chính sách phù hợp, thuận lợi để ngư dân chuyển đổi nghề, nâng cấp phương tiện.
Những khó khăn bất cập của ngư dân làng chài tái định cư như không có đất để sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi phục vụ cuộc sống tối thiểu hằng ngày của gia đình; Trình độ hạn chế nên khó tìm được công việc có thu nhập ổn định sẽ là những khó khăn mà lớp ngư dân mới này sẽ gặp phải. Bài toán đặt ra là giải pháp nào để tạo công ăn việc làm phù hợp với ngư dân, để ngư dân và những người khác không quay lại "tái chiếm biển”?
Mô hình nuôi cá lồng bè ở làng chài Vung Viêng. Ảnh: Thu Hương |
Được biết, để giải quyết khó khăn của người dân khu tái định cư làng chài Hà Phong, thời gian qua, tỉnh đã tích cực tìm kiếm nhiều giải pháp để tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống cho ngư dân. Ngày 24/6/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1180/QĐ-UBND phê duyệt “Phương án thí điểm nuôi trồng thuỷ sản bền vững kết hợp với du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long tại khu vực Vung Viêng”, thực hiện từ năm 2016 đến 2018.
Theo mục tiêu, tại đây sẽ hình thành vùng nuôi trồng thuỷ sản bền vững, tạo sản phẩm phục vụ khách du lịch tại chỗ với các loại cá có giá trị kinh tế cao. Mô hình thí điểm nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường gắn với du lịch có trách nhiệm trên vịnh Hạ Long bước đầu đã hình thành sản phẩm du lịch mới, vừa góp phần thiết thực tạo sinh kế mới, tăng thu nhập cho người dân làng chài sau tái định cư, vừa gia tăng sức hút về du lịch, hỗ trợ cải thiện quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên vịnh Hạ Long.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết: Để tạo điều kiện cho người dân khu tái định cư Hà Phong có cuộc sống ổn định lâu dài, ngoài các giải pháp trên, thành phố đã và đang phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề, tổ chức các lớp học nghề, phối hợp với đơn vị, cơ sở sản xuất trên địa bàn để ký hợp đồng lao động, bố trí việc làm cho thanh niên… Sắp tới thành phố sẽ tổ chức gặp gỡ những ngư dân đang hoạt động đánh bắt trên Vịnh Hạ Long để nắm bắt tâm tư, tìm hướng đi phù hợp cho cuộc sống của họ.
Còn ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT cũng cho biết: Ngành sẽ làm hết sức mình để giải quyết vấn đề an sinh cho ngư dân, từ việc hỗ trợ thủ tục chuyển đổi nâng cấp phương tiện đến giải quyết vấn đề đào tạo nghề cho ngư dân, Trước mắt ngành sẽ tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân, về lâu dài sẽ quy hoạch những vùng NTTS tập trung bền vững, tạo điều kiện cho ngư dân có việc làm ổn định…
Tin rằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, những giá trị của Vịnh Hạ Long sẽ mãi vững bền.
Đặng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()