Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:22 (GMT +7)
Nâng cao ứng dụng AI trong báo chí
Thứ 6, 24/05/2024 | 15:15:47 [GMT +7] A A
Hội thảo "Radio hòa nhập kỷ nguyên AI" được Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tổ chức sáng ngày 24/5, tại TP Hạ Long, có sự tham gia của đại diện 12 Đài PT-TH trong cả nước. Tại hội thảo này, các đại biểu đã cùng nhìn lại việc ứng dụng công nghệ AI trong báo chí nói chung, sản xuất phát thanh nói riêng và đưa ra nhiều ý kiến thảo luận xung quanh vấn đề này.
Nhà báo Nguyễn Thị Minh Nhâm, Giám đốc Đài PT-TH và Báo Bình Phước: Không dừng bước trong kỷ nguyên AI.
Khi bắt tay vào làm, những điều chúng tôi lo lắng nhất là về công nghệ, nhân sự và tài chính. Những vấn đề này, chúng tôi cố gắng tìm ra những giải pháp để giải quyết từng bước một. Thuận lợi nhất của chúng tôi là được lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm đến việc đầu tư công nghệ để đáp ứng được yêu cầu công việc mới. Về nhân sự, chúng tôi ưu tiên những người trẻ để tiên phong và làm mới đội ngũ bằng cách tuyển CTV, đây cũng là cách để những người có sức ỳ phải tự thay đổi mình, làm quen với thời cuộc, bởi kết quả sẽ quyết định đến thu nhập của chính bản thân mỗi người.
Cho đến nay, chúng tôi đã sẵn sàng với chuyển đổi số; đã ứng dụng phát thanh viên AI trong giới thiệu chương trình, giới thiệu phim, làm nhạc, làm trailer và đang ứng dụng để làm các chương trình khoa giáo; bởi chỉ cần nhập từ khóa mình muốn, với đầy đủ thông tin, sẽ vô cùng thuận lợi. Tôi thấy rằng, để thành công trong việc ứng dụng AI trong sản xuất phát thanh nói riêng và truyền thông báo chí nói chung, vai trò của người đứng đầu, của lãnh đạo cơ quan báo chí là vô cùng quan trọng, bởi chính sự mạnh dạn, bình tĩnh của họ sẽ có thể tìm ra các giải pháp một cách triệt để; đồng thời, cần đào tạo, tập huấn đội ngũ để có phương án truyền tải chất lượng nhất, trong đó, con người phải thông minh hơn để ra lệnh được cho AI phục vụ cho quá trình sản xuất sản phẩm báo chí của mình. Hội thảo được tổ chức có ý nghĩa rất lớn và chúng tôi đã tiếp thu được nhiều điều bổ ích từ các anh chị em đồng nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Thế Lãm, Phó Tổng Biên tập, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh: Cần coi trọng song song cả hai mặt nội dung và công nghệ trong sản xuất tác phẩm báo chí.
Hội thảo này rất có ý nghĩa với những người làm báo, đặc biệt là trong lĩnh vực báo phát thanh. Hội thảo mang tính chất chuyên sâu, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay khi mọi người vẫn nói nội dung là vua, công nghệ là hoàng hậu. Điều đó cho thấy chúng ta phải luôn cân bằng và phát triển đều ở 2 mảng công việc này để đáp ứng nhu cầu của công chúng cũng như việc vận hành của cơ quan báo chí, đặc biệt là quy trình sản xuất phát thanh.
Đối với báo chí Quảng Ninh, cụ thể là Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian qua, chúng tôi đã bước đầu ứng dụng được AI trong hoạt động tác nghiệp báo chí, cụ thể là đã tích hợp và tối ưu hóa việc quản lý, điều phối nội dung; chuyển đổi văn bản sang giọng nói. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiện ích mà AI có thể hỗ trợ trong quá trình hoạt động báo chí, nhưng chúng tôi chưa thực hiện được; đặc biệt là hỗ trợ cho các công đoạn, quy trình sản xuất tác phẩm báo chí. Thứ 2, AI sẽ hỗ trợ cơ quan báo chí trong việc hiểu công chúng, về nhu cầu, thói quen, sở thích của công chúng đối với các sản phẩm thông tin truyền thông, để nhà báo có thể sản xuất các tác phẩm báo chí đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng.
Nhà báo Lưu Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Đài PT-TH Hải Phòng: Ứng dụng AI như thế nào cho hiệu quả, đồng bộ là điều băn khoăn nhất.
Những năm gần đây có nhiều biến đổi trong cơ chế, sản xuất các tác phẩm báo chí; đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ. Theo như phân tích của các chuyên gia, trong quá trình sản xuất chương trình, việc ứng dụng AI có nhiều điểm tích cực (như rút ngắn quy trình sản xuất, tối ưu hóa, tiết kiệm chi phí, thời gian). Tuy nhiên, xét thực tế ở Đài PT-TH Hải Phòng, chúng tôi hiện đang vận hành 2 kênh phát thanh, 2 kênh truyền hình, đội ngũ nhân lực đông. Ứng dụng AI, đây là xu thế bắt buộc, tuy nhiên, cũng là vấn đề thách thức.
Hiện tại, chúng tôi mới bắt đầu áp dụng AI ở bước sơ khai để xử lý, nâng cao chất lượng thu âm, áp dụng hệ thống phát thanh tự động, MC ảo. Chúng tôi đang xây dựng đề án chuyển đổi số, những nội dung ứng dụng AI trong sản xuất, phát sóng sẽ được triển khai. Tuy nhiên, ngoài những ưu việt mà AI mang lại, tôi cũng cảm thấy khá lo ngại vì khi tất cả đều ứng dụng AI, sẽ làm ảnh hưởng đến bản sắc riêng, đến kết quả lao động của nhà báo, nếu không biết cách khai thác những khía cạnh riêng. Do đó, phải ứng dụng sự phát triển công nghệ và những đặc thù riêng có, nhất là trong lĩnh vực phát thanh.
Nhà báo Võ Văn Quý, Phó Giám đốc Đài PT-TH Tây Ninh: Huấn luyện AI để phục vụ tối ưu cho quá trình sản xuất sản phẩm báo chí.
Mặc dù không phải là một Đài lớn, nhưng chúng tôi cũng đã bước đầu ứng dụng AI trong các hoạt động truyền thông báo chí. Và tôi thực sự thấy những hiệu quả tích cực mà AI đem lại, từ việc ứng dụng MC ảo, chuyển bài báo dạng văn bản sang giọng đọc và ngược lại. Chúng tôi nhận được sự đón nhận rất nhiệt tình từ công chúng với những bước đi mới này.
Điều chúng tôi mong muốn nhất là AI có thể nhận diện được những thông tin đúng sai khi phóng viên viết bài. Để làm được điều đó, tôi hiểu là chúng ta phải cung cấp những dữ liệu, thông tin chính xác là nền tảng để AI có căn cứ phân biệt. Bởi thực tế, sản phẩm AI cũng là sản phẩm của con người; những cụm từ thể hiện quan điểm, tuyên truyền sai lệch của các thế lực thù địch, chúng tôi cũng mong muốn AI có thể lọc ra dễ dàng. Và một mong muốn nữa là làm sao ứng dụng AI để có những tác phẩm âm nhạc có thể sử dụng trong sản phẩm báo chí. Điều đó đòi hỏi tư duy của con người, cũng như việc con người "huấn luyện" AI để phục vụ tối ưu cho quá trình sản xuất sản phẩm báo chí của mình.
Nhà báo Lê Công Đồng, Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh: Thay vì dành nhiều thời gian cho những việc máy móc làm được, phóng viên hãy tập trung trí tuệ, tư duy để tìm những ý tưởng mới.
Vào cuộc, chiếm lĩnh, làm chủ, chính là quy trình mà chúng ta đang thực hiện để khai thác một cách tối ưu những thành tựu khoa học công nghệ của loài người. Với hội thảo này, chúng tôi muốn lan tỏa thông điệp rằng các Đài PT-TH địa phương sẽ biến những thông tin trong cuộc hội thảo này thành những hoạt động cụ thể, ứng dụng vào hoạt động sản xuất, để thực hiện tốt nhất chức năng của mình cho sự phát triển KT-XH của địa phương và cho ngành phát thanh – truyền hình nói chung.
Nếu sử dụng AI cho phát thanh trực tiếp nói riêng và cho hoạt động báo chí trực tiếp nói chung thì độ phong phú, đa dạng sẽ rất cao, tuy nhiên, chúng ta cũng không lường hết được những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sản xuất. Cho nên, trách nhiệm của chúng ta là phải có những bước đi vững chắc; phải làm sao để khi sản phẩm báo chí ra đời thì phải đảm bảo đúng, chuẩn mực, chính xác. Như Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã nhiều lần kết luận: Đến giờ này, xu hướng của nhân loại là đi cùng với nó (AI), và chúng ta không có lý do gì để không khai thác tối ưu những lợi thế mà nó mang lại cho chúng ta. Chúng ta sẽ làm sao khắc phục được triệt để những rủi ro có thể. Tôi chỉ mong muốn thay vì cơ quan báo chí và các phóng viên dành nhiều thời gian cho công việc mà máy móc đã làm được rồi, chúng ta sẽ tập trung trí tuệ, tư duy để tìm ra những ý tưởng, những góc cạnh, những vấn đề mà người nghe muốn nghe, xã hội đang cần, để vươn tới những mục đích cao hơn.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()