Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 14:21 (GMT +7)
Làm báo văn nghệ - chuyện xưa, chuyện nay
Chủ nhật, 19/06/2022 | 10:05:07 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là mảnh đất công nghiệp và du lịch sôi động. Do đó, đời sống văn nghệ trên báo chí Quảng Ninh cũng sôi động không kém.
Thực tế trước đây, nghề báo cũng gian truân, vất vả như nghề thợ mỏ. Làm báo văn nghệ ở đầu thế kỷ trước lại càng khó khăn bội phần. Trong phạm vi cả nước, người đầu tiên đắm đuối với báo văn nghệ là Tản Đà, ông kiên định đối chọi với những quy định hà khắc, lo tiền nong, gạo bị để báo tồn tại. Ông là chủ bút các tạp chí Hữu Thanh, An Nam tạp chí. Cả 2 tạp chí này đều có cách làm mới để thu hút bạn đọc, có khi bằng thơ hay tranh vui. Đặc biệt, Tản Đà có những quảng cáo bằng thơ trên báo.
Một người say mê văn chương báo chí khác là Vi Huyền Đắc, quê ở xã Trà Cổ, huyện Hải Ninh (nay là phường Trà Cổ, TP Móng Cái). Năm 1923, ông vào Sài Gòn làm báo, ở cùng nhà thơ Tản Đà và nhà văn Lê Văn Trương. Đang ấp ủ nhiều dự định thì cha ốm nặng nên gia đình gọi ông về giao cho ông thừa kế sản nghiệp. Về Bắc, Vi Huyền Đắc vừa viết lách, vừa mở nhà in để xuất bản sách của mình và của bạn bè.
Người thứ ba là Vũ Bằng. Tên tuổi nhà báo Vũ Bằng gắn liền với các tờ Trung Việt Tân Văn ở Hà Nội và tờ Lửa sống ở Hải Phòng. Nhiều tác phẩm của nhà văn Nam Cao giai đoạn này cũng đều do Vũ Bằng cho in trên các tờ báo do ông làm chủ bút.
Tại Quảng Ninh, hoạt động của báo chí văn nghệ muộn hơn một chút, bắt đầu từ giữa thế kỷ trước, gắn liền với những tờ báo tiền thân của Báo Hạ Long. Hơn nửa thế kỷ qua, Báo Hạ Long đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình là cầu nối, bệ phóng đăng tải, quảng bá các sáng tác VHNT.
Năm 1969, khi mới có Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ Quảng Ninh (nay là Hội VHNT Quảng Ninh) đã có tờ báo của Ban, là tiếng nói của văn nghệ sĩ Quảng Ninh. Tờ đầu tiên là Báo Sáng tác, giới thiệu tác phẩm và gương mặt các tác giả tiêu biểu Vùng mỏ, cổ động cho sự kiện thành lập Hội Văn nghệ Quảng Ninh. Khi Hội Văn nghệ ra đời, Báo Sáng tác nhường chỗ cho các tập san, tạp chí với các tên khác nhau, như: Hương Sen, Cửa Tầng, Cơn lốc vùng Than...
Khi tổ chức Đại hội thành lập Hội Văn nghệ, ngày 25/11/1969, Báo Sáng tác dừng xuất bản. Đầu năm 1970, Hội quyết định ra tạp chí và lấy ngày 19/5/1970, kỷ niệm 80 năm Ngày sinh nhật Bác Hồ để ra số đầu nên được đặt tên là tạp chí Hương Sen.
Đầu năm 1972, Thường vụ Hội quyết định nâng cao chất lượng và quy mô tạp chí, có đánh số định kỳ, đổi tên là Người Vùng mỏ. Đến thời kỳ đổi mới, nhà thơ Hoàng Thuận, Chủ tịch Hội kiêm Tổng Biên tập đề nghị đổi tạp chí thành Hạ Long. Cho đến trước khi chuyển về Trung tâm Truyền thông tỉnh, báo Hạ Long đã phát hành hàng trăm số báo, với 5 Tổng Biên tập qua các thời kỳ.
Nói đến báo văn nghệ Hạ Long không thể không nhắc tên cố nhà báo Như Mai. Năm 1987, nhà báo Như Mai nghỉ hưu ở Báo Quảng Ninh, làm cộng tác biên tập cho báo Hạ Long. Ông là một nhà báo rất cẩn trọng về chữ nghĩa, trân trọng sức lao động của phóng viên và cộng tác viên. Ông chăm chút từng tin, bài, trăn trở với từng vấn đề, từng chi tiết để sao cho báo ra đẹp và hay, ít sạn nhất, qua đó, góp phần khiến Báo Văn nghệ Hạ Long ngày một được bạn đọc mến mộ.
Nhà báo Như Mai đấu tranh quyết liệt với tiêu cực bằng văn nghệ. Với những bút danh “Máy Gạt” hay “Châm Văn Biếm”, nhà báo Như Mai đã làm cho báo Hạ Long tăng cường tính phản biện xã hội, phê phán cái xấu, cái lạc hậu, đấu tranh chống tiêu cực.
Để thu hút bạn đọc, ngoài việc đăng tải các sáng tác VHNT, dưới sự chăm chút của nhà báo Như Mai, báo Hạ Long còn mở thêm các chuyên mục đặc sắc như: "Truyện cổ tân trang", "Tâm sự văn chương", "Biếm mấy vần", "Lão Khựng". Báo Hạ Long được bạn đọc mến mộ chào đón mỗi khi xuất bản, không riêng gì giới văn nghệ sĩ mà công chúng xã hội cũng tìm đọc.
Từ khi ra đời, báo Hạ Long đã đăng tải hàng ngàn tin, bài các loại giới thiệu hàng trăm lượt hội viên lên mặt báo. Báo là bệ phóng để Quảng Ninh phát hiện ra nhiều tài năng VHNT, tạo sân chơi cho văn nghệ sĩ. Báo quy tụ những cây bút có uy tín tham gia làm báo, như: Lý Biên Cương, Sỹ Hồng, Lê Hường, Như Mai, Trần Nhuận Minh, Vương Lan, Nguyễn Châu, Thanh Đạm; các họa sĩ Hoàng Công Luận, Lý Xuân Trường, Trần Công Phú, Vũ Quý...
Càng ngày, chất lượng chuyên môn, hình thức trình bày, diện phát hành của báo Hạ Long càng nâng cao và mở rộng. Báo đã là nơi thể hiện những đóng góp công sức và trí tuệ của nhiều thế hệ biên tập và hàng trăm tác giả hội viên. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã đi qua tờ báo mà trưởng thành, được biết đến rộng rãi trong cả nước.
Từ ngày 1/4/2019, báo Hạ Long từ Hội VHNT Quảng Ninh chuyển về và được Trung tâm Truyền thông tỉnh biên tập, chế bản và phát hành. Càng ngày, Báo càng phục vụ sát hơn các nhiệm vụ chính trị, phản ánh sinh động đời sống VHNT, là tiếng nói của văn nghệ sĩ, bám sát cuộc sống, phản ánh trung thực, khách quan tâm tư, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân thông qua các tác phẩm VHNT...
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()