Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:37 (GMT +7)
Làm gì khi khỏi COVID-19 vẫn cảm thấy sốt, lạnh?
Thứ 4, 27/10/2021 | 10:33:29 [GMT +7] A A
Những lời khuyên từ chuyên gia để cải thiện cảm giác sốt, sợ lạnh ở người bệnh giai đoạn kéo dài “hậu COVID-19”.
Không chỉ tạo nên những khó khăn trong công tác điều trị, phòng chống, ngăn chặn bệnh, đại dịch COVID-19 còn mang đến những thách thức không hề nhỏ ở giai đoạn "hậu COVID-19" khi nhiều người bệnh gặp phải các vấn đề sau khi đã khỏi COVID-19.
Trên thế giới, khái niệm PASC (post-acute sequelae of SARS-CoV-2 infection) – di chứng sau nhiễm cấp tính virus SARS-CoV-2 – hiện đang là từ khóa quan trọng cho các nghiên cứu tập trung về loại virus này. Cụ thể như sau:
Cảm giác sốt - Sợ lạnh kéo dài
Theo Ths.BS Kiều Xuân Thy và Bs Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, trong các triệu chứng "COVID-19 kéo dài", cảm giác sốt, sợ lạnh thường khiến người bệnh lo lắng, nghi ngờ về nguy cơ tái nhiễm.
Theo đó, cảm giác sốt khiến người bệnh vẫn có có cảm giác nóng, thường ở vùng ngực, cổ gáy, lòng bàn tay chân khi đo thân nhiệt cơ thể vẫn trong giới hạn bình thường (36.0 – 37.40c);
Cảm giác sợ lạnh (hay ớn lạnh), người bệnh sẽ cảm giác một bộ phận trên cơ thể (thường là bàn tay, bàn chân) hoặc cả người lạnh, sợ gió, có thể kèm hiện tượng "nổi da gà" mặc dù nhiệt độ môi trường bên ngoài không hạ thấp hay thay đổi đột ngột. Đôi khi mặc thêm áo ấm cũng không làm giảm cảm giác sợ lạnh.
Các bác sĩ cho biết, theo nghiên cứu của mạng lưới y tế toàn cầu Survivor Corps, triệu chứng sợ lạnh hay cảm giác sốt được xếp vào nhóm rối loạn chung của cơ thể. Trong 5107 người tham gia nghiên cứu, cảm giác sốt/ sợ lạnh biểu hiện ở 441 người. Những triệu chứng này là những triệu chứng cơ năng, than phiền của người bệnh, dù khi đo nhiệt độ kiểm tra vẫn trong giới hạn bình thường và thường không phản ánh tình trạng viêm nhiễm cấp tính của cơ thể.
Điều trị thế nào?
Ths.BS Kiều Xuân Thy và Bs Phạm Ánh Ngân cũng chia sẻ, trong Y học cổ truyền, tùy theo giai đoạn bệnh mà triệu chứng sợ lạnh được xếp theo chứng "ố hàn" – khi tà khí còn chưa được giải hết, hoặc "khí hư, dương hư" – khi chính khí của cơ thể hư suy sau một đợt cảm nhiễm ngoại tà.
Cảm giác sốt thường được đánh giá có đi kèm cảm giác sợ lạnh hay không, xếp theo chứng "phát nhiệt", một trong những cơ chế là do phục tà (tà khí sau giai đoạn cảm nhiễm còn lưu lại trong cơ thể) chưa giải hết, uất bế phần dương khí không cho điều đạt ra bì phu, gây nên cảm giác nóng sốt.
Để loại bỏ phục tà, bồi phục chính khí, có thể áp dụng nhiều phương pháp kết hợp trong y học cổ truyền như: sử dụng thuốc thang, cứu ấm, châm, tập dưỡng sinh,…
Các vị thuốc bắc như: Phòng phong, Khương hoạt, Thuyền thoái, Ngưu bàng tử,… có tác dụng tuyên tán ngoại tà, giải cơ thấu biểu, khi kết hợp gia giảm với các vị thuốc giúp nâng chính khí cơ thể như: Đảng sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật,… sẽ giúp thúc đẩy quá trình hồi phục của cơ thể.
Đối với triệu chứng ớn lạnh, sợ lạnh, việc sử dụng phương pháp cứu ấm tại các huyệt: Đại chùy, Phong trì, Thái uyên, Quan nguyên, Khí hải, Túc tam lý …, giúp điều hòa khí trong kinh lạc để cố biểu. Trong điều trị chứng "phát nhiệt", kết hợp thủ pháp châm tại các huyệt: Thương dương, Hợp cốc, Khúc trì, Hậu khê, Đại chùy,…để tả tà khí theo kinh lạc, góp phần mở đường cho chính khí lưu thông. Việc sử dụng phương pháp châm cứu ngoài tác dụng kích thích các huyệt lạc, còn giúp người bệnh thư giãn, cảm giác được chăm sóc.
Các bác sĩ lưu ý, bên cạnh dùng thuốc và châm cứu, các bài tập thở theo phương pháp dưỡng sinh sẽ giúp người bệnh giải tỏa căng thẳng như: thở bốn thời, xoa ngũ quan, xoa trung tiêu, chào mặt trời… giúp sớm đạt trạng thái cân bằng, cũng như quá trình tiếp nhận thuốc và châm cứu được hiệu quả hơn.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()