Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:06 (GMT +7)
Cần làm giàu rừng phòng hộ để ứng phó biến đổi khí hậu
Thứ 7, 11/03/2023 | 06:15:28 [GMT +7] A A
Theo khoản 3, Điều 5, Luật Lâm nghiệp, rừng phòng hộ là rừng để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hoá, hạn chế thiên tai, điều hoà khí hậu… Quảng Ninh hiện có gần 133.000ha rừng phòng hộ và đất lâm nghiệp quy hoạch phòng hộ. Đại đa số diện tích này đã, đang được bảo vệ và phát triển tốt, đảm bảo các yếu tố phòng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn những cánh rừng phòng hộ có nguy cơ suy thoái, cần được làm giàu, trồng xen, trồng bổ sung, thậm chí cần được trồng mới.
Tiểu khu 80a, 78 thuộc loại rừng phòng hộ đầu nguồn, do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ quản lý. Diện tích rừng này nằm ở vị trí xung yếu đảm bảo sinh thuỷ cho các hồ chứa nước Cao Vân, Khe Giữa, thuộc TP Cẩm Phả.
Với tính chất rừng phòng hộ, tiêu chuẩn cần được đảm bảo là độ che phủ cao, đa tầng tán, mật độ, chủng loại cây rừng đảm bảo. Tuy nhiên, hiện trạng của một phần không nhỏ diện tích rừng tiểu khu 80a, 78 cho thấy chất lượng rừng không đảm bảo.
Mục sở thị tại tiểu khu 80a, 78, không khó để nhận thấy ở đây chủ yếu là những cây keo già. Một số cây đã sâu mục, rỗng ruột, rụng lá, đổ gãy, chết khô một phần hoặc chết khô toàn phần. Nguyên nhân, do những cây keo này đã quá tuổi và đi vào giai đoạn suy thoái. Chúng được trồng từ những năm 2005 trở về trước, theo chương trình trồng rừng sản xuất, sau này quy hoạch thành rừng phòng hộ.
Ông Nguyễn Bá Trượng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ, cho biết: Cây keo là loài cây mọc nhanh, tuổi thọ của chúng chỉ khoảng dưới 20 năm. Thời gian sau đó chúng sẽ già cỗi, sâu mục, khô giòn và chết. Cây keo cũng là loại cây hạn chế các loại cây khác mọc dưới tán, khiến trên bề mặt các cánh rừng keo gần như không có thảm thực vật sinh sống. Bởi vậy tính phòng hộ của rừng keo không bền vững, đặc biệt là khả năng giữ đất, giữ nước.
Từ đặc thù này cho thấy khả năng phòng hộ của các cánh rừng tiểu khu 80a, 78 không được đảm bảo. Trong khi, đây là những vị trí rừng phòng hộ xung yếu, có nhiệm vụ giữ đất, giữ nước, tạo nguồn sinh thuỷ cho hồ Cao Vân, hồ Khe Giữa, vốn là các hồ thuỷ lợi lớn của tỉnh.
Theo thống kê mới nhất của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện đang có trên 39.000ha rừng phòng hộ là rừng trồng keo. Diện tích này vốn là rừng sản xuất được quy hoạch thành rừng phòng hộ, hoặc là đất rừng phòng hộ được trồng rừng theo các chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc giai đoạn trước đây.
Trong đó, khoảng trên 1.000ha rừng phòng hộ là rừng keo đang ở tình trạng suy thoái. Chỉ tính riêng diện tích rừng keo bị suy thoái thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ quản lý là trên 300ha. Số còn lại nằm ở những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát, chắn sóng, lấn biển… trên toàn tỉnh.
Phải khẳng định rằng, hiện nay với gần 133.000ha rừng phòng hộ của tỉnh Quảng Ninh đã và đang cơ bản được quản lý, bảo vệ và phát triển tốt, đáp ứng chức năng phòng hộ. Những cánh rừng phòng hộ bị giảm chất lượng hoặc có nguy cơ suy thoái như đã nói ở trên không lớn, tuy nhiên chúng vẫn cần được triển khai những giải pháp khắc phục cụ thể và thiết thực.
Chính bởi vậy, việc làm giàu rừng phòng hộ bằng giải pháp trồng xen, trồng bổ sung cây bản địa hoặc trồng mới rừng; làm giàu rừng phòng hộ bằng việc tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, đảm bảo không gian, thời gian phát triển của cây rừng là cần thiết. Điều này phù hợp với yêu cầu của tỉnh về nâng cao chất lượng, độ che phủ rừng, lấy rừng làm bệ đỡ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()