Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:05 (GMT +7)
Làng nghề trăm tuổi hút khách du lịch quốc tế
Thứ 7, 07/09/2024 | 05:59:52 [GMT +7] A A
Bên dòng sông Chanh lịch sử, có một làng nghề hàng trăm tuổi, đáng tự hào của người dân Quảng Yên, không chỉ gắn liền với sự phát triển của vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa này mà còn là điểm du lịch hút khách trong nước và quốc tế. Đó là làng nghề đan ngư cụ Hưng Học (phường Nam Hòa, TX Quảng Yên).
Về với TX Quảng Yên, vượt qua cây cầu bắc qua sông Chanh hiền hòa thơ mộng, là đặt chân tới làng nghề truyền thống trăm tuổi này. Ở Hưng Học, cả làng đều biết làm nghề. Người làm nghề không phân biệt tuổi tác, từ những em bé còn nhỏ tuổi đến các cụ già 70-80 tuổi đều có thể tham gia sản xuất. Cả làng như một công xưởng lớn.
Theo các cụ cao niên thì có lẽ do vùng đảo Hà Nam có hệ thống sông ngòi, nhiều kênh rạch, cửa sông chia cắt xóm, làng. Vì vậy, từ xa xưa những người đi khai hoang, mở đất đã biết dùng nguyên liệu tre, nứa, gỗ đan lát thành những con tàu, thuyền đơn sơ, ngư cụ phục vụ nhu cầu đi lại và đánh bắt cá, tôm trong đời sống hàng ngày.
Theo ghi chép lại thì làng nghề đan ngư cụ truyền thống Hưng Học được hình thành từ giữa thế kỷ 15. Tổ nghề là cụ Tiên Công quê ở Chí Linh (Hải Dương). Cụ vốn có nghề đan lờ cá rô, lờ cá giếc, thấy vùng bãi triều ven biển có vô số tôm, cua, cá..., cụ đã sáng tạo ra các loại lờ, đăng, đó để đánh bắt hải sản và truyền nghề cho con cháu trong dòng họ, cho nhân dân trong làng đan vào những lúc nông nhàn để tăng thêm thu nhập.
Tiếp nối truyền thống đó, sau này, người dân đã sáng tạo thêm nghề đan thuyền nan. Con thuyền nhẹ nhàng, cơ động phục vụ cho đánh bắt hải sản và vận chuyển vật liệu trên sông, trên biển. Lâu dần, đan thuyền nan trở thành nghề truyền thống của người dân làng Hưng Học.
Còn nhớ lần về thăm làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Anh Sáu (khu 3, phường Nam Hòa) kể, sở dĩ nghề này nức tiếng, lan rộng trong tỉnh, kể cả vùng Hải Dương, Hải Phòng... còn về mua thuyền bởi ngoài tay nghề, sự khép léo, cần cù, thì các nghệ nhân ở đây đều rất cẩn thận trong đan thuyền. Các nan tre đan ngư cụ được vót tay cẩn thận, được xử lý kỹ trước khi đan... Vì thế, ngư cụ Nam Hòa không chỉ đẹp mà còn rất bền.
Những sản phẩm nổi tiếng bền, đẹp được làm từ tre, nứa tốt, lấy từ vùng cao, rừng già khu vực Vàng Danh (Uông Bí) và Hoành Bồ (nay thuộc Hạ Long). Nguyên liệu lấy về sẽ được pha thành những sợi dài, được vót tay cẩn thận, được xử lý kỹ, sau đó tùy thuộc dùng đan sản phẩm gì thì sẽ được xử lý thích hợp.
Ngày nay, trước xu thế phát triển mạnh, các nghệ nhân làng nghề đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại để làm thuyền nan chắc, tốt hơn; chế tạo thuyền, xuồng composite dựa trên khung thuyền truyền thống; sửa thuyền nan bằng hỗn hợp sợi composite… Không chỉ giữ nghề, nhiều nghệ nhân khéo tay còn sáng tạo ra các sản phẩm thuyền nan mỹ nghệ kích cỡ nhở, các loại ngư cụ (lờ, đó, đơm) sinh động làm đồ trang trí. Một trong số đó là tác phẩm thuyền nan mỹ nghệ của nghệ nhân Nguyễn Anh Sáu, trở thành sản phẩm OCOP nức tiếng.
Năm 2015, làng nghề Hưng Học chính thức được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. TX Quảng Yên cũng công nhận làng nghề là một trong 11 điểm du lịch địa phương. “Với những giá trị nổi bật về truyền thống, Hưng Học là làng nghề độc đáo, là nguồn nguyên liệu tuyệt vời phát triển du lịch văn hóa, trải nghiệm, thu hút khách, đặc biệt là khách quốc tế” - ông Dương Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND TX Quảng Yên, chia sẻ.
Những năm gần đây, TX Quảng Yên quan tâm phát triển hạ tầng, làm mới điểm du lịch, đẩy mạnh hợp tác với Saigontourist, các hãng lữ hành đưa khách quốc tế, khách tàu biển về tham quan trải nghiệm. Đến với làng nghề, du khách có thể trải nghiệm cuộc sống của người dân vùng đảo Hà Nam, được những người thợ lâu năm tận tình hướng dẫn quy trình làm ra một sản phẩm ngư cụ để đánh bắt hải sản.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng làng nghề luôn là điểm đến được du khách yêu thích. Từ khi phục vụ đón khách du lịch, sản phẩm của làng nghề đã trở thành những mặt hàng lưu niệm hấp dẫn du khách, cũng mở thêm một hướng phát triển bền vững cho làng nghề...
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()