4
18
/
979175
Lễ chào cờ đặc biệt
longform
Lễ chào cờ đặc biệt

 

 

 

“Tiến lên, cùng tiến lên, nước non Việt Nam ta vững bền” - hai tay vươn lên cao rồi đặt vào trái tim…, các em học sinh khiếm thính ở Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Quảng Ninh đã kết thúc lễ chào cờ vào sáng thứ hai hàng tuần như thế. Tuy không nghe, không nói được, nhưng các em đã “hát” Quốc ca bằng ngôn ngữ đặc biệt, ngôn ngữ từ trái tim…

 

 

Sáng thứ hai, như những ngày khác trong tuần, đa số trẻ em ở Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Quảng Ninh đều đến trường từ sớm. Còn gần 70 trẻ em khiếm thính ở lại Cơ sở, học ở các lớp từ 1 đến 5. Trước giờ vào lớp, những em nhỏ này cùng các cán bộ, giáo viên, nhân viên của Cơ sở thực hiện nghi thức chào cờ sáng thứ hai đầu tuần.

 

 

Các em học sinh có độ tuổi, mức độ khuyết tật và khả năng nhận thức khác nhau, bởi vậy, để chỉnh đốn hàng ngũ cũng mất khá nhiều thời gian. Có em vừa bị câm điếc, vừa rối nhiễu tâm trí, luôn ngó nghiêng, đứng lên ngồi xuống tự do. Nhiều em hiếu động, còn mải trêu đùa nhau, cũng có em mới đi học, chưa quen nên khóc nhè... Các thầy cô, nhân viên Cơ sở phải đến từng lớp, hướng dẫn các em đứng ngay hàng thẳng lối, bỏ mũ, chỉnh lại đồng phục, đứng nghiêm để chuẩn bị làm lễ chào cờ.

Dù không nghe, không nói được, nhưng khi tiếng hô “Chào cờ” cùng nhạc Quốc ca nổi lên, không ai bảo ai, tất cả các em đều nghiêm túc, mắt hướng về phía Quốc kỳ. Khi các thầy cô và nhân viên Cơ sở hát Quốc ca thì các em “hát” bằng ngôn ngữ ký hiệu qua cử chỉ của bàn tay. Chứng kiến lễ chào cờ ấy, chắc hẳn ai cũng thấy xúc động. Những bàn tay nhỏ bé đưa lên, hạ xuống, thể hiện lời của “Tiến quân ca” bằng ký hiệu. Ngôn ngữ cử chỉ không lời ấy vẫn khiến người chứng kiến cảm nhận được sự mạnh mẽ, hào hùng của bài Quốc ca.

Em Nguyễn Bích Ngọc năm nay 13 tuổi nhưng mới vào học lớp 1. Ngọc bị câm điếc ở mức độ nhẹ, nghĩa là chỉ láng máng nghe được một chút và có thể sử dụng khẩu hình. Suốt lễ chào cờ, Ngọc đứng nghiêm trang, thể hiện Quốc ca bằng thủ ngữ rất chính xác, đúng nhạc. Em chia sẻ: Khi mới vào học, em đã được các thầy cô dạy hát Quốc ca. Em thuộc bài rất nhanh. Mỗi lần chào cờ, em đều thấy phấn chấn và cảm nhận được rằng cả lời và nhạc Quốc ca rất hào hùng.

 

 

Để các em khiếm thính thuộc, hiểu ý nghĩa lời bài Quốc ca, thể hiện được bằng ngôn ngữ ký hiệu không phải là việc dễ dàng. Cô Vũ Thị Lan, giáo viên lớp 1A1, chia sẻ: Các con vào học ở Cơ sở không chỉ khiếm thính, nhiều bạn còn mắc thêm tăng động, tự kỷ... Chỉ mỗi việc rèn cho các con ngồi yên trong giờ học thôi cũng đã mất rất nhiều thời gian rồi. Bên cạnh những bài học về nội quy trường lớp, một trong những bài học đầu tiên chúng tôi dạy các con chính là lời, hát bài Quốc ca.

“Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc; Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...”. Những con chữ tròn xoe hiện dần trên bảng. Cô Lan gạch chân những cụm từ quan trọng rồi diễn đạt lại bằng ký hiệu để dạy các em. “Đối với trẻ khiếm thính, việc khó nhất là diễn tả cho các con hiểu những tính từ chỉ âm thanh, màu sắc. Do vậy, chúng tôi cố gắng vận dụng các từ, ký hiệu dễ hiểu nhất để các con cảm nhận được ý nghĩa của bài Quốc ca” - cô Lan chia sẻ.

Nhờ nỗ lực của cả thầy và trò, những buổi chào cờ đã dần đi vào nền nếp. Hòa vào tiếng nhạc, tiếng hát Quốc ca của cán bộ, giáo viên Cơ sở là những bàn tay của các em nhỏ khiếm thính đưa lên, hạ xuống... đều hơn, nhịp nhàng hơn. Những buổi lễ chào cờ, hát Quốc ca một cách rất đặc biệt ấy đã góp phần bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc; tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho cán bộ, nhân viên và các em học sinh khiếm thính tại Cơ sở hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ học tập của mình.

 

Hoàng Quý - Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu