Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:40 (GMT +7)
Lễ cúng thổ công của người Sán Chỉ ở Bình Liêu
Thứ 3, 05/04/2022 | 14:37:06 [GMT +7] A A
Bình Liêu là huyện miền núi biên giới, với trên 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có một phong tục tập quán, tạo nên nét riêng có của tộc người mình. Trong số đó, có thể kể đến lễ cúng thổ công, hay còn là lễ cầu mùa, lễ khai xuân của người Sán Chỉ.
Với quan niệm “Đất có thổ công sông có hà bá”, mỗi độ tháng giêng và tháng bảy âm lịch, các gia đình người Sán Chỉ lại tổ chức lễ cúng thổ công. Nơi diễn ra lễ thường là ở những miếu nhỏ trong những tán cây cổ thụ (cây đa). Việc này, đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Mỗi thôn có hai nơi tổ chức, gồm dưới tán cây cổ thụ trên bìa rừng và tán cây cổ thụ (cây đa) cạnh bờ suối.
Vào ngày tổ chức lễ cúng, từ sáng sớm, mỗi hộ gia đình trong thôn sẽ cử một thành viên trong nhà mang gạo, đến nơi tổ chức lễ cúng thổ công. Đây là một hoạt động được tổ chức thường niên, cũng gần giống như lễ hội cầu mùa, tín ngưỡng thờ hoàng làng - người sáng lập và cai quản đất đai khu vực này. Thông qua lễ, tộc người Sán Chỉ muốn cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình mạnh khỏe, trâu, bò, gia súc không bị bệnh tật và ngày càng sinh sôi, nảy nở.
Để lễ cúng được diễn ra, người dân trong thôn chuẩn bị một con lợn từ ngày hôm trước, con lợn to, béo khoảng 70kg đến 100kg. Con lợn được thịt ngay tại nơi tổ chức lễ để cúng dâng lên thần thổ công. Trong quá trình cúng, thôn, bản mời một thầy mo có kinh nghiệm lâu năm là người thực hiện nghi lễ cúng, và có bài văn khấn riêng để khấn dâng lễ vật lên thần, nghi lễ cúng khấn diễn ra khoảng một tiếng. Trong mâm cúng gồm có đầu lợn, 4 cái chân lợn, đuôi lợn, tất cả đều được luộc chín, một bát cơm, một bát gạo, tám nắm cơm gói bằng lá chuối và tám chén rượu tượng trưng cho các vị thần tám phương trời đất. Trong văn khấn có câu: “Chúng tôi cầu cho hồn lợn, hồn trâu, hồn gà, hồn ngỗng, hồn vịt, hồn người, hồn lúa, hồn cây gừng, cây lúa mì, cây khoai sọ, cây dưa, cây vừng, cây đỗ, cây đậu, các loài hoa trái quay về với tất cả các họ trong thôn”.
Sau khi thầy mo khấn xong, dân làng thụ lộc ngay tại khu vực cúng. Mỗi mâm gồm khoảng chín đến mười người cùng ngồi ăn. Trước đây thức ăn được bày lên lá chuối, ngày nay, được đặt trực tiếp vào mâm nhôm tròn gồm thịt, rượu, cơm nấu với tiết lợn. Trong mâm cơm bà con mời nhau chén rượu, chúc nhau năm mới, mùa mới bội thu, các thành viên trong gia đình luôn mạnh khỏe. Ngoài việc thưởng thức tại nơi cúng lễ, mỗi thành viên trong thôn được chia một chút lộc về gia đình lấy may. Đặc biệt, sau khi thụ lộc xong dân làng sẽ dâng hương cắm quanh gốc đa cổ thụ và được thầy mo phát mỗi người một sấp kim tiền vàng mang về đồng ruộng của mình cắm với ý nghĩa xua đuổi ác quỷ phá hoại ruộng lúa, mùa màng. Phần lộc được mang về nhà mỗi thành viên trong gia đình sẽ ăn mỗi người một ít để lấy may và mang chia cho vật nuôi như chó, mèo một ít. Theo ông Trần A Lò, một thầy mo có kinh nghiệm lâu năm trong vùng chia sẻ: “Lễ này đã có từ thời xa xưa, năm nào dân thôn tôi cũng tổ chức với mong muốn cầu cho thần thổ công phù hộ và bảo vệ cho thôn luôn bình an, cho mùa màng tốt tươi. Ngày xưa còn nghèo đói tổ chức đơn giản, không nhiều thức ăn như bây giờ và nơi thờ chỉ là gốc đa to và một bàn đá để đặt đồ cúng. Tuy nhiên thời nay phát triển hơn, bà con góp quỹ xây nên một ngôi miếu nhỏ ngay dưới gốc cây đa, có bàn đẹp hơn rồi”.
Lễ cúng thổ công của người Sán Chỉ không chỉ là sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng mà còn là dịp để bà con thôn xóm cùng ngồi chung mâm cơm đầy rượu thịt, tăng tình đoàn kết cộng đồng và cầu mong một năm mới, một mùa mới bội thu, gia đình mạnh khỏe, xóm làng an yên.
La Ngân
Liên kết website
Ý kiến ()