Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 16/12/2024 14:54 (GMT +7)
Lễ hội đền An Sinh - nét văn hóa trên quê gốc nhà Trần
Thứ 3, 02/10/2018 | 08:03:04 [GMT +7] A A
Đã thành thông lệ, vào ngày 20/8 âm lịch hằng năm, TX Đông Triều lại long trọng tổ chức lễ hội truyền thống đền An Sinh trong Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần (Đông Triều) như một nét văn hóa đặc trưng của đất và người nơi đây. Lễ hội này thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh tham gia.
Thực hiện nghi lễ tế tại lễ hội đền An Sinh 2018. Ảnh: Phan Hằng |
Theo tư liệu lịch sử và phả tộc họ Trần, vùng Đông Triều chính là đất tụ cư đầu tiên của họ Trần ở nước ta. Sau đó, vùng đất này được vua Trần Thái Tông ban cho anh trai là Trần Liễu làm ấp thang mộc. Chính vì vậy, nơi đây luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các vua nhà Trần. Dân tộc Việt Nam tự hào về nhà Trần - triều đại đã sản sinh ra một vị Phật tổ và một vị tướng tài được phong thánh, đó là Phật hoàng Trần Nhân Tông và Đức thánh Trần Hưng Đạo; chưa kể những người đã trở thành á thánh. Đông Triều đất thiêng, bởi là nơi trở về cuối cùng của các vua Trần, đặc biệt là Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Văn bia đá cổ hiện lưu giữ tại đền An Sinh. Ảnh: Nguyễn Xuân (CTV) |
Đền An Sinh được xây dựng vào thế kỷ XIV, thờ 8 vua Trần đặt lăng mộ tại quê gốc xã An Sinh, TX Đông Triều, gồm: Thái Tông, Thánh Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông và Giản Định. Toà trung cung đặt tượng thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Tiền đường đặt bát hương công đồng và một số đồ tế khí... Trong số 8 vị vua Trần thì có 5 vua được mai táng tại đây và 3 vua được rước thần tượng từ Long Hưng (Hưng Hà, Thái Bình) về. Bởi vậy, đây trở thành một trong 3 trung tâm văn hóa tiêu biểu nhất của Đại Việt lúc bấy giờ (cùng với Thăng Long, Thiên Trường) và được coi là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, giữ vai trò bồi đắp, bệ đỡ tinh thần cho xã hội và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Lễ hội đền An Sinh được TX Đông Triều tổ chức từ ngày 20 đến hết 22/8 âm lịch hằng năm (trùng với Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc ở TX Chí Linh, Hải Dương). Đó cũng chính là ngày giỗ của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, mà dân gian đã tôn là Đức thánh Trần. Sau khi mất, ông đã được vua Trần phong tặng: “Thái sư thượng phụ quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương”.
Lễ hội tại đền thờ vua Trần trên quê gốc nhà Trần là sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hoá vừa trang trọng, linh thiêng, vừa tưng bừng, náo nức và trở thành nơi mọi người cùng đến với lịch sử cha ông, trở về với cội nguồn dân tộc; tưởng nhớ công ơn người đi trước. Hãy một lần đắm mình trong không gian linh thiêng để nhận ra cuộc sống dù có bận bịu, vẫn có một cõi riêng lễ hội để mùa thu ta trở về với cội nguồn, với thiên nhiên kỳ thú và sắc thái văn hóa độc đáo, để cùng ôn lại hào khí Đông A trong Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần.
Nguyễn Xuân (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()