Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 19:41 (GMT +7)
Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Thứ 2, 13/09/2021 | 15:43:03 [GMT +7] A A
Được thành lập trên tinh thần tự nguyện cùng phát triển, nhiều hợp tác xã (HTX) trong tỉnh đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho thành viên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Huyện Ba Chẽ có sản phẩm OCOP trà hoa vàng nổi tiếng. Tuy nhiên, nhiều năm qua các hộ trồng cây trà hoa vàng trên địa bàn hầu hết hoạt động quy mô nhỏ, đơn lẻ, thiếu sự liên kết, nên chất lượng sản phẩm cũng như đầu ra chưa thực sự ổn định. Với mục tiêu nâng tầm thương hiệu trà hoa vàng, tháng 8/2020, HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ được thành lập với 7 thành viên ban đầu. Các xã viên đã cùng lên ý tưởng, vay vốn đầu tư máy móc chế biến hiện đại; thiết lập quy trình thu mua, sản xuất.
HTX hiện đã cho ra nhiều sản phẩm làm từ trà hoa vàng, trong đó có những sản phẩm chưa từng có trên thị trường, như: Bột matcha trà hoa vàng, bánh trà hoa vàng, nước uống từ trà hoa vàng... Những sản phẩm này bước đầu được người tiêu dùng đón nhận và mở rộng thị trường tiêu thụ. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, HTX khuyến khích người dân thu hoạch và bán sản phẩm ngay trong ngày.
Anh Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc HTX, cho biết: Việc thu mua ổn định giúp người dân trồng trà hoa vàng yên tâm, phấn khởi hơn. Thời gian tới, HTX tiếp tục nghiên cứu, đầu tư KH&CN vào sản xuất, chế biến sản phẩm từ cây trà hoa vàng để đưa ra thị trường nhiều mặt hàng phong phú. HTX tiếp tục khích lệ người dân trồng trà hoa vàng tham gia liên kết với HTX; quan tâm hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái, sơ chế cho bà con để chất lượng đầu vào của sản phẩm đảm bảo hơn.
Tháng 4/2019, dưới sự tư vấn, hướng dẫn của HND huyện Đầm Hà, anh Đinh Văn Thắng cùng với 6 người đã thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp ấp trứng và sản xuất con giống gia cầm Thắng Huệ. Sự ra đời của HTX đã giúp thành viên liên kết, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng quy trình sản xuất nghiêm ngặt, nhằm tạo uy tín đối với thị trường.
Anh Thắng cho biết, với mô hình này, HTX bao tiêu sản phẩm cho hội viên, nhờ đó tránh tình trạng mất giá, trượt giá. Đồng thời, cung ứng giống ban đầu, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phối giống, ấp trứng để đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra tốt nhất.
Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò trợ giúp kinh tế hộ gia đình phát triển, thay đổi hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương, đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên. Toàn tỉnh hiện có khoảng 600 HTX; trong đó trên 60% hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, với trên 30.000 người, doanh thu bình quân gần 1,3 tỷ đồng/năm, lãi 292 triệu đồng/năm.
Các HTX đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên và người lao động ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đóng góp tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()