Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:30 (GMT +7)
Lộ trình phát triển đô thị kiểu mẫu, văn minh, hiện đại
Thứ 3, 19/03/2024 | 07:37:39 [GMT +7] A A
Ngày 11/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 80/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tháng 11/2023 phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch. Đây chính là kim chỉ nam quan trọng của Quảng Ninh trên hành trình kiến tạo, phát triển đô thị, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngay sau khi quy hoạch, kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công bố, trên cơ sở các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, Quảng Ninh đã bắt tay ngay vào thực hiện rà soát các nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, triển khai quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện của các địa phương và quy hoạch chung xây dựng các KKT, thực hiện xây dựng lộ trình, chính sách, giải pháp để tổ chức triển khai các chương trình, dự án, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch tỉnh đã đề ra.
Đến hết năm 2023, tỉnh đã có 6 đô thị là thành phố và thị xã hoàn thành quy hoạch chung đô thị gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái, Đông Triều và Quảng Yên; 6/7 huyện hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng huyện và được UBND tỉnh phê duyệt gồm: Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Cô Tô và Vân Đồn. Còn lại huyện Hải Hà, do nằm trong quy hoạch KKT cửa khẩu Móng Cái, vì thế hiện đang lập đồ án quy hoạch, dự kiến hoàn thành trong quý I/2024.
Mục tiêu của Quảng Ninh là xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng sống đô thị, thông qua việc tập trung nguồn lực hợp lý để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đô thị, kiến trúc cảnh quan đồng bộ... Để đảm bảo nguồn lực thực hiện, tỉnh đã tính toán, cơ cấu nguồn vốn theo 3 khu vực cụ thể trong 2 giai đoạn từ 2021-2025 và 2026-2030 với tổng số vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến 2,8 triệu tỷ đồng. Tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics; hạ tầng các KCN, CCN; chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; các khu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn điện; cấp nước sạch; cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, thương mại, dịch vụ…
Cụ thể, về hệ thống đô thị, giai đoạn 2020-2025 toàn tỉnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện với hạt nhân là 13 đô thị, trong đó có có 4 đô thị thông minh tại 4 thành phố; giai đoạn 2026-2030 toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện với hạt nhân là 12 đô thị và tất cả đạt được các tiêu chí của đô thị thông minh, tập trung vào các lĩnh vực quản lý đô thị, chiếu sáng, giao thông, cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, lưới điện, hệ thống cảnh báo rủi ro thiên tai, xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, dữ liệu về xây dựng và các dữ liệu khác, đồng thời cung cấp các tiện ích đô thị thông minh phục vụ người dân.
Để thực hiện nội dung đề ra, tỉnh cũng xây dựng danh mục, kế hoạch nâng loại đô thị toàn tỉnh đến năm 2030; định hướng phát triển và đề xuất các phương án phát triển; các dự án ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung; giải pháp về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện. Mục tiêu lớn nhất là đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030, là trung tâm phát triển của miền Bắc, trụ cột quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh với hạ tầng đô thị hiện đại, đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giàu bản sắc văn hóa, bảo tồn và gìn giữ, phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và di sản văn hóa Trúc Lâm Yên Tử; đi đầu cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.
Hiện tỉnh đề ra một số chương trình, đề án trọng tâm, trọng điểm, trong đó chú trọng 3 khâu đột phá, gồm: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh tiến hành hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó tiếp tục ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước cho phát triển, khai thác tối đa các nguồn lực, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công - tư, tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Trước mắt, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư, thực hiện 16 dự án, nhiệm vụ gồm: Đề án Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030; Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh đến năm 2020; Đề án xây dựng trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh; hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh; triển khai Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025; hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường, cảnh báo thiên tai trực tuyến trên địa bàn tỉnh; Đề án nhân rộng mô hình thành phố thông minh tại Uông Bí giai đoạn 2018-2022, tại Cẩm Phả giai đoạn 2018-2025, tại Móng Cái giai đoạn 2020-2025. Cùng với đó là kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đô thị thông minh cho các cơ quan nhà nước của tỉnh, tổ chức và người dân; hệ thống wifi công cộng trên địa bàn tỉnh...
Với lộ trình cụ thể, rõ ràng cùng sự vào cuộc tích cực đồng bộ, chắc chắn thời gian tới, Quảng Ninh sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra, xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững, xây dựng thành công thành phố thông minh xứng đáng là địa phương phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()